Siêu dự án lấy 4 tỉ m3 nước Mê Kông

05/08/2016 08:57 GMT+7

Trên sông Loei, dòng nhánh của sông Mê Kông, một dự án chuyển nước “không tưởng” của Thái Lan đang sắp triển khai dự báo sẽ tạo ra những xung đột nước trầm trọng trên sông Mê Kông.

Dự án với tên gọi Kong-Loei- Chi-Mun là cuộc “đại phẫu” hoàn toàn sông Loei và kéo theo hệ lụy là những làng mạc, nhà cửa bị xóa sổ để nhường chỗ cho nước. Không chỉ sinh kế của người dân gắn với sông Loei bị đe dọa mà ảnh hưởng khủng khiếp từ “siêu dự án” còn lan đến tận vùng ĐBSCL.
Nỗi lo sinh kế
Ban Klang (bản Klang) là một bản nhỏ thuộc huyện Chiang Khan, tỉnh Loei, nằm giáp biên giới với Lào thuộc miền đông bắc Thái Lan. Bản nằm lọt thỏm giữa bốn bề là những ngọn đồi xanh mướt cao su, khoai mì... Cách đầu bản không xa, con sông Loei hiền hòa, mang phù sa, tôm cá từ Mê Kông đổ về, giúp dân Ban Klang sống bằng nghề đánh bắt qua nhiều thế hệ.
Khi chúng tôi đến, người dân Ban Klang tụ tập rất đông ở đầu bản, dưới gốc cây me cổ thụ sừng sững có từ thời khai hoang lập bản, được dân làng thờ phụng. Khung cảnh thanh bình nhưng người dân Ban Klang thì đang “mất ăn, mất ngủ” bởi cái cửa nước khổng lồ tên Si Song Rak sắp được dựng lên ngay trước đầu bản; rồi những đường hầm dẫn nước sẽ phá nát sông Loei. Những tấm băng rôn “Chúng tôi cần sông Loei”, “Không được nhấn chìm làng” căng rộng nơi đầu bản như thông điệp người dân gửi đến chính quyền.
Trưởng bản Klang, ông Tanusil Inda chỉ lên tấm bản đồ lớn được vẽ bằng tay, treo ở đầu bản, nói: “Chúng tôi sợ Ban Klang sẽ bị xóa sổ khi cái cửa nước được dựng trên sông Loei vì bản của chúng tôi như đáy của cái chảo”. Theo ông Tanusil Inda, không một ai ở Ban Klang muốn rời bỏ bản làng có lịch sử hình thành hơn 400 năm này. Khi những cơ quan chức năng đến họp dân để thông báo về dự án, dân làng đã đặt nhiều câu hỏi về số phận của Ban Klang nhưng chỉ nhận được những câu trả lời mù mờ. “Những điều mà dân làng lo là nhà cửa sẽ bị ngập, sinh kế của họ bị xáo trộn nghiêm trọng do không thể sống bằng nghề đánh bắt cá truyền thống như xưa nay”, ông Tanusil Inda nói.
Bà Khampong Pansa, một người dân Ban Klang, cho biết vào mùa khô hằng năm, dân làng chủ yếu xuống sông Loei bắt cá tôm, mỗi ngày cũng bán được 300 - 400 baht để lo cho gia đình. “Nếu người ta đào sông Loei lên để xây đường hầm, cá sẽ không còn, chúng tôi sẽ không biết sống bằng gì vào mùa khô? Tôi sinh ra ở đây, gia đình tôi cũng sinh sống mấy đời ở đây, tôi sẽ không đi đâu cả”, bà Khampong Pansa khẳng định.
Ngồi trên chiếc thuyền của ngư dân Thái Lan, chúng tôi dập dềnh trên những con sóng đục ngầu cuồn cuộn chảy của dòng Mê Kông, đoạn phía từ thượng nguồn giáp ranh giữa Thái Lan và Lào. Rẽ vào cửa sông Loei, con nước trở nên hiền hòa, chỉ có những gợn sóng cùng bọt nước phù sa. Đến một đoạn sông nhỏ dưới chân một chiếc cầu bê tông lớn bắc ngang sông Loei, ông Channarong Wongla, đại diện ngư dân ở huyện Chiang Khan, tỉnh Loei, nói: “Ngay chỗ này đây, con sông sẽ bị phá hủy cơi nới hàng trăm mét và đào sâu thêm. Một bức tường khổng lồ có những cái cửa nước tên Si Song Rak sẽ chắn ngang đây và bản làng bên trong sẽ bị ngập sâu. Sau đó nước sẽ được điều tiết bơm ra vào chứ không còn chảy tự nhiên”.
Lợi bất cập hại
Ngư dân Thái Lan đã quá thấm thía sự suy giảm của nguồn cá sau những công trình thủy điện ở Trung Quốc và Lào. Giờ là lúc họ lo ngại về chính công trình chuyển nước của nước mình. Bà Pa Naan, một ngư dân làm nghề đánh bắt cá hơn 30 năm, nói: “Cách đây mấy năm, tôi đánh bắt một ngày có khi được 50 con cá lớn với trọng lượng từ 3 - 8 kg/con, nhưng bây giờ cá lớn không còn. Từ khi những cái đập thủy điện dựng lên, con nước bất thường, mỗi khi họ xả nước thì ở đây ngập đến tận nóc nhà... Con cá từ đó cũng mất dần”.
Trước những băn khoăn, lo lắng của người dân, ông Viroj Jiwarangsa, Tỉnh trưởng tỉnh Loei thừa nhận đúng là người dân tỉnh Loei không được hưởng lợi từ dự án Kong-Loei-Chi-Mun, bởi nước được chuyển xuống vùng hạ du và tưới tiêu cho những tỉnh khác. Ông cũng cho biết chính những ảnh hưởng lớn của dự án đã khiến nó vấp phải sự phản ứng gay gắt từ người dân địa phương.
Tỉnh trưởng tỉnh Loei cũng cho rằng đã có rất nhiều can thiệp của con người vào sinh thái tự nhiên của dòng sông Mê Kông, như những đập thủy điện của Trung Quốc, Lào... Ông nói: “Chúng tôi cũng đang chờ để biết thêm về tiến trình dự án, cũng như những ảnh hưởng của nó đến môi trường tự nhiên và đời sống xã hội để đưa ra những quyết sách đồng ý hay không”.
Số phận của Ban Klang và hàng vạn hộ dân dọc sông Loei giờ đây phụ thuộc vào những phán quyết của chính phủ Thái Lan trong việc triển khai “siêu dự án” Kong-Loei-Chi-Mun. Những phán quyết này cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hàng chục triệu dân ở hạ nguồn, trong đó có ĐBSCL.
Dự án Kong-Loei-Chi-Mun có thể gây “choáng” cho bất cứ ai nghe đến nó bởi quy mô, sự can thiệp mạnh bạo vào tự nhiên và tham vọng khủng khiếp của dự án. Dự án do Cục Thủy lợi hoàng gia Thái Lan (RID) làm chủ đầu tư là một hệ thống công trình thủy lợi khổng lồ với tham vọng sẽ lấy 4 tỉ m3 nước mỗi năm từ sông Mê Kông nhằm giúp Thái Lan chủ động nguồn nước trong mùa khô hạn. Theo tờ Bangkok Post, dự án này có tổng kinh phí đầu tư ban đầu lên đến 75 tỉ USD và thời gian thực hiện dự kiến là 17 năm. Quy mô công trình của dự án Kong-Loei-Chi-Mun có tổng chiều dài hơn 2.200 km, xuyên qua 17 tỉnh và 113 huyện vùng đông bắc Thái Lan, cấp nước tưới cho khoảng 5 triệu ha.
Bà Chawee Wongprasittiporn, Giám đốc dự án của RID, cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng không lấy nước từ sông Mê Kông vào mùa khô nhất để không ảnh hưởng nhiều đến hạ nguồn. Chúng tôi sẽ cố gắng tham khảo cũng như lấy thông tin từ Ủy hội Sông Mê Kông (MRC), theo dõi xem dòng chảy thay đổi ra sao ở phía Campuchia và VN trước khi chúng tôi dẫn nước và sau khi dẫn nước, để có những điều chỉnh”. Tuy nhiên, theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (thuộc ĐH Cần Thơ), ngay bây giờ, nếu giữa các quốc gia dọc sông Mê Kông thiếu sự đối thoại, chia sẻ, những xung đột về nguồn nước sẽ xảy ra, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chung làm lệch lạc các kế hoạch phát triển của từng nước và thiệt thòi nhất sẽ là hạ nguồn sông Mê Kông, tức vùng ĐBSCL.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.