Sống ở “ranh giới tử thần”

24/06/2009 22:16 GMT+7

Mắc kẹt giữa hai làn đạn là điều mà người dân đảo Yeonpyeong có thể phải đối mặt. Họ luôn sống trong cảnh hồi hộp trước khả năng một trận chiến trên biển bất thình lình nổ ra giữa hai miền Triều Tiên.

Một ngư dân kỳ cựu của đảo Yeonpyeong, ông Kim Sang-jin, ngồi trước cửa nhà, thỉnh thoảng quan sát những chiếc tàu chiến hiện đại đang chầm chậm di chuyển ngoài khơi. Đôi bàn tay sần sùi sau bao nhiêu năm kiếm ăn nơi biển cả của ông đang thoăn thoắt vá lại chiếc lưới đánh cá chuẩn bị cho chuyến đi biển ngày hôm sau.

Báo New York Times dẫn lời ông Kim kể về lần đụng độ giữa hải quân hai miền cách đây 7 năm. Lúc đó, tàu chiến hai bên thi nhau nhả đạn trong suốt 2 giờ căng thẳng, khiến những chiếc cửa sổ nhà ông rung lên bần bật. Trong suốt thời gian đó, ông Kim và vợ phải dìm người dưới nước để trốn.

Giờ đây, khi căng thẳng một lần nữa gia tăng sau vụ thử hạt nhân vừa qua của CHDCND Triều Tiên và cách miền Bắc phản ứng dữ dội trước lệnh cấm vận của LHQ, ông Kim và những người khác cư ngụ trên hòn đảo đóng vai trò chiến lược tại Hoàng Hải không giấu nỗi lo sợ về một trận chiến mới có thể nổ ra bất cứ lúc nào gần nơi cư trú của mình.

Đảo Yeonpyeong nằm sát Đường giới hạn phía bắc (ranh giới lãnh hải tạm thời giữa hai miền Triều Tiên - NLL) và cách bờ biển của CHDCND Triều Tiên 11 km, trong khi cách bờ biển Hàn Quốc khoảng 75 km về hướng tây.

Hiện Yeonpyeong thuộc quyền kiểm soát của Hàn Quốc mặc dù miền Bắc cũng tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo trên. Hãng tin Reuters dẫn lời Baek Seung-joo, chuyên gia thuộc Viện Phân tích quốc phòng Hàn Quốc, đánh giá Yeonpyeong nằm ở vị trí trung tâm của 5 đảo tại Hoàng Hải và việc kiểm soát được hòn đảo đặc biệt này có nghĩa là Hàn Quốc nắm quyền kiểm soát tại vùng biển trên.

Trong khi một tàu khu trục Mỹ đang bám đuôi tàu Kang Nam I của CHDCND Triều Tiên, vốn bị nghi ngờ chở vũ khí đến Myanmar, khả năng xảy ra cuộc đụng độ giữa hải quân hai miền xung quanh NLL đang ngày càng lớn dần.

Báo New York Times dẫn lời giới chuyên gia quân sự Hàn Quốc cho hay Yeonpyeong là nơi có nhiều khả năng nổ ra một vụ đụng độ mới, nhất là khi CHDCND Triều Tiên có thể ra tay trước nhằm dằn mặt các hành động mà Bình Nhưỡng cho là khiêu khích của Mỹ và các nước đồng minh.

Trước đây, Yeonpyeong cũng đã chứng kiến 2 lần đụng độ đẫm máu giữa miền Bắc và miền Nam trong vòng 1 thập niên. Người dân trên đảo Yeonpyeong cũng hoàn toàn nhận thức được điều này.

“Cuộc sống của dân đảo luôn bị phụ thuộc vào những gì diễn ra với CHDCND Triều Tiên”, hãng tin Reuters dẫn lời bà Hong Sun-hae, 84 tuổi. “Nếu một cuộc chiến nữa diễn ra, chúng tôi sẽ bị tấn công. Chúng tôi sẽ trở thành nạn nhân”.

Kẹt giữa hai làn đạn

Từ cuối năm 2008, Hàn Quốc đã triển khai tàu chiến Yoon Young-ha, tàu tuần tra đầu tiên thuộc lớp Gumdoksuri mang theo tên lửa điều khiển, được thiết kế đặc biệt cho các trận đánh cận chiến trên biển sau lần đụng độ thứ 2 gần NLL vào năm 2002.

Yoon Young-ha là tên của một sĩ quan hải quân Hàn Quốc đã thiệt mạng trong trận đánh trên biển cách đây 7 năm. Mặc dù Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối tiết lộ thông tin về đơn vị đồn trú trên đảo Yeonpyeong, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ giới truyền thông địa phương cho hay hiện có khoảng 1.000 binh sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo.

Nhiều cư dân trên hòn đảo có dân số 1.600 người này, hầu hết là các ngư dân đầu đã hoa râm, cho hay họ cảm thấy đang bị mắc kẹt giữa 2 làn đạn.

Và họ cũng chẳng còn cách nào khác là phải tập cho quen dần với tình trạng căng thẳng diễn ra gần như theo chu kỳ giữa hai miền và biến nó trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật. Hầu hết cho hay họ vẫn ra khơi mỗi ngày hoặc giăng lưới bắt cá xung quanh hòn đảo đầy đá này.

“Đây không phải là lần đầu tiên CHDCND Triều Tiên thử tên lửa và bom”, báo New York Times dẫn lời ông Kim Seung-ju, người đứng đầu chi nhánh Cơ quan hợp tác nông nghiệp quốc gia tại đảo Yeonpyeong. Tờ báo cũng dẫn lời ngư dân Kim Sang-jin cho biết: “Chúng tôi lúc nào cũng sống trong tâm trạng lo sợ, nhưng rồi cũng phải quen với nỗi sợ hãi đó”.

Nhìn từ bên ngoài, hòn đảo trông giống như một pháo đài từ thời chiến tranh lạnh còn sót lại, với các lô cốt bê tông, bẫy chống tăng, chiến hào ngang dọc. Dân đảo thường xuyên tham gia các cuộc tập trận chống tấn công bằng không lực mỗi tháng và nhà nào cũng có sẵn mặt nạ chống hơi độc. Các nhà hàng trên đảo đều được dán áp-phích cảnh báo người dân nên đề phòng các tàu gián điệp và tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên.

Kể từ vụ thử hạt nhân vào tháng 5 của Bình Nhưỡng, dân đảo đã chất đầy nước và thức ăn khô trong 19 hầm trú bom kiên cố.

Trong khi nhịp sống vẫn diễn ra bình thường tại hầu hết các khu vực còn lại của Hàn Quốc, không khí căng thẳng đang tiếp tục tồn tại một cách thường trực trên đảo Yeonpyeong. Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là nhiều tàu đánh cá Trung Quốc thường hoạt động trong khu vực biển này đã rút về nước, mặc dù vẫn chưa rõ tên lửa của CHDCND Triều Tiên đã khiến họ chùn bước hoặc là mùa cao điểm đánh bắt đã qua.

Tuy nhiên, một số dân đảo và thành viên quân đội cho hay tình trạng căng thẳng vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm như hồi thập niên 70 của thế kỷ trước, khi miền Bắc cố gắng giành lại đảo từ tay miền Nam bằng cách triển khai các chiến đấu cơ liên tục quần đảo trên bầu trời Yeonpyeong.

 Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.