Tác nghiệp báo chí ở Triều Tiên khó khăn thế nào?

16/09/2016 14:52 GMT+7

Tin đồn, tin vịt và việc ẩn danh nhân vật... là một số trở ngại lớn nhất khiến việc đưa thông tin về Triều Tiên trở nên khó khăn, theo trải nghiệm của một phóng viên tờ The New York Times .

Triều Tiên từ trước tới nay vẫn là một quốc gia bí ẩn, với số lượng thông tin khai thác được rất hạn chế. Việc này khiến những thông tin quan trọng như an ninh mạng và đặc biệt là những đợt thử nghiệm tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng thường là một cú sốc, đơn cử như vụ thử hạt nhân lần thứ 5 trong tháng 9 này.

Trong bài viết đăng ngày 15.9, ông Choe Sang-hun, người đứng đầu văn phòng báo The New York Times (Mỹ) tại Seoul đã đưa ra những trải nghiệm của mình về những khó khăn trong việc “moi tin” từ Triều Tiên.

Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên diễn ra ngay thời điểm Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thăm Lào, và phải rút ngắn chuyến đi để về nước giải quyết. Điều này cho thấy cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS) cũng không thể kịp thời thông tin về vấn đề an ninh hàng đầu của đất nước họ từ bên kia biên giới.

Chỉ một điểm phía Hàn Quốc luôn phải tự nhủ rằng, Triều Tiên hoàn toàn có thể hành động bất cứ lúc nào. Trong nhiều tháng liền, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã đặt ra tiêu chuẩn trả lời theo cách an toàn nhất mỗi khi được hỏi về hiểm họa ấy là: Triều Tiên sẽ hành động bất cứ khi nào có lệnh của lãnh đạo Kim Jong-un, ông Choe Sang-hun cho biết.

Một trong những sự việc khiến cơ quan tình báo Hàn Quốc mất uy tín nhất là thời điểm cựu lãnh đạo Kim Jong-il qua đời. Tất cả chỉ biết tin sau khi phía Triều Tiên thông báo sự việc 2 ngày sau khi ông Kim Jong-il ra đi.

Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ chủ yếu nghiên cứu thông tin về các đợt thử hạt nhân của Triều Tiên qua hình ảnh vệ tinh, quét kỹ lưỡng sang khu vực đồi Punggy-ri, nơi Triều Tiên thường thực hiện việc thử dưới lòng đất. Đa phần thông tin thu được đều thiếu chính xác.

Trong khi đó, “lực lượng bên ngoài” như hãng tin AP hay Kyodo đều có văn phòng hoạt động tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Tuy nhiên phóng viên của họ cũng không được phép gặp gỡ con người nơi đây, cũng không được đi lại tự do.

Những câu chuyện giật gân, tiêu cực tới mức gây sốc xuất hiện trên báo chí nước ngoài về Triều Tiên cho tới nay thường xuất phát từ những nhân vật “đào tẩu”. Lời kể của “người Triều Tiên đào tẩu” dĩ nhiên khó xác minh tính chính xác, dù họ thường được trả tiền để kể về trải nghiệm của mình. Chưa kể, đa phần dạng trốn khỏi Triều Tiên cũng không thuộc nhóm người có hiểu biết đủ chất lượng về các loại thông tin có giá trị ở mặt chính trị và quân sự, hạt nhân.

Đối với những thông tin do báo đài của Triều Tiên đưa ra, phương Tây và các nước xung quanh cũng khó bề xác thực, vì họ cũng sợ bị tuyên truyền. Ngược lại đối với NIS, cơ quan này cũng thường xuyên đem lại rắc rối cho các phương tiện truyền thông nước ngoài. NIS bị cho là khi đưa thông tin ra nhưng không khớp với nguồn của phía Triều Tiên công bố thì lại chống chế là không thể... xác thực thông tin ấy. Ngoài ra, vì làm việc cho Hàn Quốc, NIS cũng không được đánh giá cao về sự trung lập, theo nhà báo của The New York Times.

Lấy ví dụ trong vài tháng gần đây, Hàn Quốc đưa tin về những quan chức cấp cao Triều Tiên đào thoát hoặc việc xử tử một số quan chức tại nước này. Tuy nhiên ông Andray Abrahamian, người làm việc cho tổ chức Choson Exchange, chuyên trợ giúp pháp lý và nhiều vấn đề liên quan tới việc kinh doanh - làm việc tại Triều Tiên, lại cảnh báo rằng không ít thông tin chỉ thuộc dạng giật gân.

Báo chí từng sốc về chuyện ông Jang Song-thaek, dượng của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị cho chó xé xác. Nhưng đây chỉ là tin vịt, và một phần cho thấy việc đưa tin về Triều Tiên không phải lúc nào cũng đáng tin Reuters

“Sự mơ hồ của Triều Tiên khiến nước này có vẻ dễ dàng khơi nguồn các tin đồn, trong khi sự chứng thực thường khó khăn. Độc giả thích thú với Triều Tiên, và đặc biệt về những tin tức thô thiển, khiến các phóng viên và biên tập viên rất khó cưỡng việc lặp lại tin đồn khi nó đi quá xa so với câu chuyện, từ đó sẽ ít khả năng chịu trách nhiệm thông tin”, ông Abrahamian viết.

Với những khó khăn như thế, The New York Times khi hoạt động tại khu vực này nói rằng việc đầu tiên họ làm là truy vết một thông tin giật gân. Nhưng theo ông Choe Sang-hun, thường thì loại thông tin ấy xuất phát từ một báo cáo từ Hàn Quốc, nói rằng nguồn tin của họ là từ một cá nhân ẩn danh. Điều này vừa khó xác tín, vừa tiềm ẩn khả năng bị phía Hàn Quốc bóp méo. Câu chuyện kinh điển nhất có lẽ là tin 'giật gân" về vụ lãnh đạo Kim Jong-un cho chó xé xác người dượng của mình năm 2014.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.