Tên lửa Triều Tiên vượt tầm với của hệ thống phòng thủ Nhật?

04/10/2016 10:21 GMT+7

Một số tướng quân đội Nhật Bản đang báo động về khả năng phòng thủ của nước này trong khi Triều Tiên ngày càng cải thiện năng lực tên lửa.

Với việc Triều Tiên ngày càng gia tăng năng lực tên lửa đạn đạo, một số chỉ huy cấp cao của quân đội Nhật Bản đang cảnh báo về khả năng phòng thủ của nước này, theo Reuters ngày 3.10.
Một chỉ huy cấp cao giấu tên nhận định sự phát triển của Triều Tiên về năng lực tên lửa là nhanh hơn so với dự tính, trong khi đó hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản thì vẫn còn hạn chế. Việc nâng cấp hệ thống cũ thì sớm nhất phải đến tháng 4.2017, trong khi muốn triển khai hệ thống mới sẽ mất hàng năm trời để hoàn thiện.
Những khó khăn trong việc sản xuất và hạn chế về ngân sách khiến Tokyo phải dựa vào Mỹ để có thể phòng vệ trước các cuộc tấn công. "Lựa chọn duy nhất của chúng tôi bây giờ có thể là phụ thuộc vào Mỹ để ngăn chặn Triều Tiên", một nguồn tin từ Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nói.
Từ đầu năm 2016, Triều Tiên đã bắn thử 21 tên lửa đạn đạo, một số lượng chưa từng có khiến các nước lân cận và cộng đồng quốc tế phản ứng dữ dội. Hồi tháng 6, Bình Nhưỡng bắn một tên lửa tầm trung Musudan đạt độ cao 1.000 km. Điều này có thể giúp tên lửa vượt qua tầm kiểm soát của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên các tàu khu trục Nhật Bản ở ngoài biển. Một tên lửa Triều Tiên cũng rơi xuống vùng ADIZ của Nhật hồi tháng 9.
Vì vậy, các hệ thống tên lửa PAC-3 tại các thành phố lớn ở Nhật sẽ là lá chắn cuối cùng. Tokyo đã duyệt chi 1 tỉ USD cho việc cải thiện tầm bắn và độ chính xác của PAC-3 nhưng đến tháng 3.2017 mới bắt đầu, và hệ thống đầu tiên chỉ có thể sẵn sàng vào năm 2020, khi nước này đăng cai thế vận hội Olympic.
Nhật Bản cũng có thể cải thiện khả năng của các tên lửa đánh chặn SM-3 trên các tàu chiến có hệ thống Aegis, nhưng chưa rõ liệu tên lửa này có thể chặn được tên lửa Musudan có tầm bắn 3.000 km và tốc độ 21 km/giây hay không.
Một số lựa chọn khác để Tokyo tăng cường khả năng phòng thủ gồm mua mẫu nâng cấp của SM-3 là Block IIA hoặc hệ thống THAAD, hoặc triển khai hệ thống Aegis trên bờ. Tuy vậy, những dự án như trên sẽ phải mất nhiều năm mới thực hiện được.
Một quan chức nói rằng việc hợp tác với các tàu chiến Mỹ có hệ thống Aegis là điều tối quan trọng đối với Nhật Bản trong thời điểm này, vì Tokyo hiện chỉ có 2 tàu khu trục có hệ thống Aegis hoạt động, mỗi tàu có 8 tên lửa SM-3. Hai tàu khác đang được bảo dưỡng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.