Thảm bại của Mỹ trước Triều Tiên

25/06/2017 08:00 GMT+7

Bộ binh Mỹ thất bại nặng nề trong lần đầu tiên giao chiến với quân đội Triều Tiên cách đây đúng 67 năm.

Vào chủ nhật cách đây 67 năm, tức ngày 25.6.1950, Chiến tranh Triều Tiên bất ngờ bùng nổ, khi khoảng 89.000 binh sĩ Triều Tiên vượt vĩ tuyến 38 xâm nhập Hàn Quốc, với cáo buộc rằng miền Nam tấn công trước.
Nhờ sự vượt trội về quân lực, quân đội Triều Tiên nhanh chóng chiếm thủ đô Seoul vào ngày 28.6, buộc chính quyền và binh sĩ Hàn Quốc rút xuống phía nam. Trước tình hình này, Mỹ đã triển khai binh sĩ giải cứu Hàn Quốc, với sự hậu thuẫn của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Nhóm binh sĩ Mỹ đầu tiên được đưa đến từ Nhật Bản, hình thành Lực lượng đặc nhiệm Smith do trung tá Charles Smith chỉ huy, với nhiệm vụ chặn đà tiến của quân Triều Tiên trong lúc Washington điều quân chi viện. Tuy nhiên, ngay trong trận đánh đầu tiên, Lực lượng đặc nhiệm Smith đã thất bại nặng nề. Trong bài viết mới trên chuyên san The National Interest, nhà bình luận Michael Peck đã mô tả chi tiết và phân tích lý do lực lượng Mỹ thất bại trong trận chiến này.
Bị tấn công dồn dập
Trận đánh đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra ngày 5.7.1950 ở TP.Osan, cách Seoul khoảng 35 km về phía nam. Cụ thể, vào 8 giờ 16 phút, Lực lượng đặc nhiệm Smith khai hỏa quả đạn đầu tiên vào đội hình 8 chiếc xe tăng T-34/85 của Triều Tiên đang tiến về phía mình. Dù trúng phải đạn pháo 105 mm và bị khẩu pháo không giật 75 m bắn trúng, nhiều xe tăng Triều Tiên vẫn không hề hấn gì.
Sau đó, Lực lượng đặc nhiệm Smith dùng khẩu lựu pháo duy nhất được trang bị đạn chống tăng tiêu diệt và gây hư hỏng cho một số xe tăng Triều Tiên. Tuy nhiên, những chiếc xe tăng còn lại tiếp tục tiến công bất chấp đạn pháo và súng chống tăng bazooka của đối phương.
Chưa đầy một giờ sau, đội hình xe tăng thứ 2 gồm 25 chiếc T-34 của Triều Tiên tiến về hướng Lực lượng đặc nhiệm Smith. Xe tăng Triều Tiên khi đó tiêu diệt được một khẩu pháo, gây thương vong cho khoảng 20 binh sĩ và phá hủy toàn bộ những chiếc xe đậu phía sau phòng tuyến của bộ binh Mỹ.
Trong khi đó, pháo binh của Lực lượng đặc nhiệm Smith chỉ gây hư hại cho 4 chiếc T-34. Đến 11 giờ có thêm 3 xe tăng Triều Tiên dẫn đầu một đội hình xe tải chở theo hai trung đoàn. Khi đội hình này cách phòng tuyến Mỹ khoảng 910 m, chỉ huy Smith lập tức ra lệnh binh sĩ khai hỏa mọi thứ có thể, gồm súng trường, súng máy, súng cối và pháo, khiến đội hình xe tải đối phương rối loạn.
Tuy nhiên, 3 chiếc xe tăng đi đầu vẫn áp sát Lực lượng đặc nhiệm Smith trong phạm vi 300 m rồi bắt đầu khai hỏa. Cùng lúc có khoảng 1.000 lính Triều Tiên từ cánh đồng nằm phía đông con đường xông lên bao vây lính Mỹ nhưng bị đẩy lùi.
Binh sĩ Mỹ chuẩn bị nhắm bắn xe tăng Triều Tiên bằng súng chống tăng bazooka tại trận Pyongtaek Chụp từ Military-historian.com
Trong vòng 45 phút, một lực lượng Triều Tiên khác tấn công bao vây từ phía tây con đường, buộc ông Smith rút một trung đội về phía đông. Ngay sau đó, lính Mỹ hứng pháo và đạn cối từ lính Triều Tiên. Lực lượng đặc nhiệm Smith cố giữ phòng tuyến cho đến 14 giờ 30 phút thì trung tá Smith buộc phải ra lệnh triệt thoái do không còn đạn và hệ thống liên lạc bị cắt đứt. Cuộc triệt thoái nhanh chóng biến thành đợt tháo chạy tán loạn và binh sĩ Mỹ gánh chịu thương vong lớn do phơi mình trước hỏa lực địch. Sau khi chiến tranh kết thúc, con số thương vong chính thức của Lực lượng đặc nhiệm Smith trong trận Osan được đưa ra là 60 người tử trận, 21 người bị thương và 82 người bị bắt làm tù binh, chiếm 40% quân số. Con số tương ứng của phía Triều Tiên là 42 người chết và 85 người bị thương.
“Bài học đích đáng”
Trận Osan đánh dấu lần đầu tiên bộ binh Mỹ tham gia Chiến tranh Triều Tiên, cho thấy họ không được chuẩn bị cho cuộc chiến và yếu kém hơn lính Triều Tiên cả về trang bị, huấn luyện và kinh nghiệm chiến đấu, theo cuốn sách The War for Korea, 1950 - 1951: They Came from the North (tạm dịch: Chiến tranh vì Triều Tiên, 1950 - 1951: Họ đến từ miền Bắc) của tác giả Allan R.Millett. Lực lượng đặc nhiệm Smith khi đó có 400 sĩ quan, binh sĩ cùng vài khẩu lựu pháo 105 mm từ một tiểu đoàn pháo binh tháp tùng. Phần lớn binh sĩ còn ở độ tuổi rất trẻ, không có kinh nghiệm chiến đấu, không có xe tăng, không có pháo chống tăng lẫn vũ khí chống tăng hiệu quả, không được yểm trợ trên không và khả năng liên lạc yếu kém. Ngoài ra, phần lớn hỏa lực của lực lượng này là súng chống tăng bazooka lỗi thời, vốn không có khả năng phá hủy xe tăng Đức trong Thế chiến 2, theo nhà bình luận Michael Peck.
Ở phía bên kia, Triều Tiên có khoảng 89.000 binh sĩ, trong đó có nhiều người từng chiến đấu trong cuộc nội chiến Trung Quốc, được trang bị xe tăng do Liên Xô chế tạo, pháo và thậm chí chiến đấu cơ và oanh tạc cơ, giúp Bình Nhưỡng kiểm soát không phận trong giai đoạn đầu. “Bài học đích đáng là những gì xảy ra khi quân đội Mỹ tham gia cuộc xung đột hoàn toàn khác với những gì nước này chuẩn bị”, ông Peck viết trên The National Interest.
Nhà bình luận Peck cho rằng đó là vấn đề vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, khi Mỹ cân nhắc các chiến lược của mình trong một thế giới mà Trung Quốc đang mạnh lên, Nga đang trỗi dậy, còn các tên khủng bố ngoài vòng kiểm soát trong khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sở hữu vũ khí tiên tiến. “Mỹ không có đủ nguồn lực để duy trì sức mạnh mọi lúc mọi nơi, có nghĩa là Lầu Năm Góc sẽ phải đưa ra giả định về bản chất của cuộc chiến tranh và cách chuẩn bị ứng phó tốt nhất. Đó là cuộc chiến công nghệ cao hay thấp? Cuộc chiến tranh lớn hay nhỏ? Hãy nhớ là Trung Quốc và Nga cũng phải đưa ra giả định của riêng họ. Đây là trò chơi suy đoán, nhưng người thật sẽ phải trả giá”, ông Peck cảnh báo.
Những cột mốc đáng chú ý
Sau khi đánh bại Lực lượng đặc nhiệm Smith ở trận Osan, quân đội Triều Tiên tiếp tục đẩy quân Hàn Quốc và Mỹ xuống tận TP.Busan thuộc phía đông nam Hàn Quốc. Đến ngày 18.9.1950, sau hơn một tháng quyết chiến, lực lượng LHQ, chủ yếu là binh sĩ Mỹ và Anh cùng với binh sĩ Hàn Quốc mới kiểm soát được Busan và đẩy lùi quân Triều Tiên. Sau đó, Bộ Chỉ huy LHQ tiếp tục đẩy lùi binh sĩ Triều Tiên qua vĩ tuyến 38 và đến ngày 19.10.1950, lục quân Mỹ và Hàn Quốc chiếm Bình Nhưỡng, theo sách A Short History of the Korean War (Tạm dịch: Lược sử Chiến tranh Triều Tiên) của tác giả James L.Stokesbury.
Cũng trong ngày 19.10.1950, binh sĩ Trung Quốc vượt sông Áp Lục tiến vào Triều Tiên và có cuộc tấn công nhằm vào lực lượng LHQ ngày 25.10. Hơn 10 ngày sau, không quân Liên Xô bắt đầu yểm trợ cho Triều Tiên. Trận chiến đầu tiên giữa binh sĩ Trung Quốc và Mỹ diễn ra vào ngày 1.11.1950 ở phía Triều Tiên, với chiến thắng thuộc về Trung Quốc. Đến giữa tháng 12, binh sĩ Trung Quốc và Triều Tiên đẩy lực lượng Mỹ lùi qua vĩ tuyến 38 và đánh chiếm thủ đô Seoul lần thứ hai vào ngày 4.1.1951.
Sau đó, lực lượng LHQ tiến hành các cuộc phản công cho đến khi binh sĩ Trung Quốc và Triều Tiên rút lui và chiếm một khu vực chỉ ở ngay phía bắc của vĩ tuyến 38 vào cuối tháng 5.1951. Kể từ đó, lực lượng hai bên tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tấn công qua lại nhưng vẫn trong tình trạng bế tắc cho đến khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào ngày 27.7.1953. Theo dữ liệu từ Lầu Năm Góc, Mỹ có tổng cộng gần 33.700 người tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên. Hàn Quốc xác nhận gần 138.000 quân nhân thiệt mạng. Các nguồn phương Tây ước tính Trung Quốc và Triều Tiên lần lượt có 400.000 và 215.000 binh sĩ tử trận. Cuộc chiến còn dẫn tới cái chết của 600.000 dân Triều Tiên và khoảng 1 triệu dân Hàn Quốc, theo CNN.
Do chỉ ký thỏa thuận ngừng bắn, không phải hiệp ước hòa bình, hai miền Triều Tiên thực tế vẫn còn trong tình trạng chiến tranh cho đến tận ngày nay. Nhiều vụ đụng độ quy mô nhỏ đã xảy ra và cũng từng có một số sự kiện suýt dẫn tới Chiến tranh Triều Tiên lần hai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.