Tham vọng dịch chuyển tức thời của Nga

29/06/2016 10:34 GMT+7

Giới khoa học và công nghệ Nga đang ấp ủ một dự án tưởng chừng như chỉ có trong các tác phẩm viễn tưởng: dịch chuyển tức thời đồ vật và con người.

Kể từ khi loạt phim viễn tưởng kinh điển Star Trek lên sóng tập đầu tiên đúng 50 năm trước, dịch chuyển tức thời (teleportation) đã trở thành giấc mơ lớn của các nhà vật lý, giới công nghệ lẫn các tác giả viễn tưởng.
Hình ảnh nhân vật thuyền trưởng Kirk và đồng đội Spock biến mất khỏi buồng lái tàu vũ trụ Enterprise rồi xuất hiện trên một hành tinh xa xôi chỉ trong tích tắc được xem là một trong những mục tiêu lớn của nhiều nhà nghiên cứu trên khắp thế giới.
Cảnh dịch chuyển tức thời trong Star Trek - Ảnh: The Telegraph
Cảnh dịch chuyển tức thời trong Star Trek The Telegraph
Mới đây, đến lượt các nhà khoa học Nga thông báo bắt tay vào một dự án quy mô lớn với tham vọng bước đầu hiện thực hóa teleportation trong vòng 20 năm nữa, theo Hãng thông tấn Sputnik.
Doanh nhân Alexander Galitsky, nhà đầu tư nổi tiếng ở Nga trong lĩnh vực công nghệ và là một trong những gương mặt chủ chốt của dự án, nhấn mạnh rằng hầu hết công nghệ hiện nay đều xuất phát từ ý tưởng của các tác phẩm khoa học viễn tưởng cách đây nhiều thập niên.
Về cơ bản, lý thuyết của dịch chuyển tức thời là “rã” vật thể hoặc con người thành các hạt lượng tử mang theo thông tin, phóng đi với tốc độ ánh sáng hoặc hơn nữa rồi “ráp” lại tại điểm đến. “Nghe qua thì có vẻ huyễn tưởng nhưng cần nhớ là đã có một số cuộc thí nghiệm thành công ở cấp độ hạt”, ông Galitsky nói với tờ Kommersant.
Thật vậy, giới khoa học đã chứng minh teleportation là chuyện có thể thực hiện được, ít nhất ở mức độ hạ phân tử.
Theo tờ The Telegraph, vào năm 2014, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kỹ thuật Delft (Hà Lan) đã thành công trong việc dịch chuyển thông tin được mã hóa trong các hạt hạ phân tử ở khoảng cách 3 m với độ chính xác 100%.
Đến tháng 9.2015, nhóm chuyên gia của Viện Công nghệ và Chuẩn mực quốc gia (NIST) ở Mỹ lập kỷ lục mới khi chuyển thông tin lượng tử trong các hạt ánh sáng vượt qua quãng đường hơn 100 km bằng cáp quang, xa gấp 4 lần so với kỷ lục trước đó, theo thông cáo trên website Nist.gov.
Tất nhiên, từ những cuộc thí nghiệm này cho đến viễn cảnh dịch chuyển con người là một con đường xa thẳm nhưng những chuyên gia trong dự án của Nga tự tin rằng họ có thể đạt được kết quả “chưa từng có” vào năm 2035.
Chiến lược Công nghệ quốc gia
Theo Sputnik, dự án teleportation nằm trong kế hoạch quy mô cực lớn mang tên Chiến lược công nghệ quốc gia (NTI) đã được đệ trình lên Tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn. Chương trình này do nhà nước hỗ trợ nhằm đổ tiền đầu tư vào mảng nghiên cứu và phát triển nhằm tạo nên một cuộc cách mạng sâu rộng cho nền khoa học kỹ thuật Nga.
Dự kiến, từ đây đến năm 2035, sẽ có hàng chục ngàn tỉ rúp chảy vào các dự án đầy tham vọng của NTI như xây dựng một dạng ngôn ngữ lập trình độc quyền, đảm bảo an ninh cho liên lạc viễn thông trong mảng điều khiển học, chế tạo máy tính lượng tử và phát triển hệ thống giao diện thần kinh kết nối trực tiếp giữa máy tính và não người...
Đặc biệt, NTI còn đang hướng tới xây dựng hệ thống giao thông công cộng đường bộ siêu tốc tương tự như ý tưởng hyperloop đang được Mỹ và một số nước châu Âu theo đuổi.
Mạng lưới vận chuyển này được đặt hy vọng sẽ nối liền miền tây nước Nga đến vùng Viễn Đông và những khu vực xa xôi miền bắc với tốc độ lên tới 1.200 km/giờ, nhanh hơn cả máy bay thương mại hiện nay. Ý tưởng chung của hyperloop là sử dụng toa tàu điều áp chở người và hàng hóa “bắn” đi trong một đường ống áp suất thấp.
Nguyên lý chủ đạo để tăng tốc là giảm tối thiểu ma sát giữa toa tàu và môi trường xung quanh. Vì thế, trên sàn đường ống sẽ có một lớp đệm từ được tạo ra bởi nam châm vĩnh cửu hoặc đệm không khí để nâng toa tàu lơ lửng cách sàn 0,5 - 1,5 mm.
Nhờ vậy, tàu không tiếp xúc trực tiếp “đường ray” và không nảy sinh ma sát. Mặt khác, áp suất bên trong đường ống cũng được điều chỉnh đến gần như bằng không. Mới đây nhất, chính phủ Nga đã cho thấy hoàn toàn nghiêm túc theo đuổi những ý tưởng táo bạo của NTI khi công bố chi 10,8 tỉ rúp cho chương trình này trong vòng 2 năm tới, theo Sputnik.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.