Thổ Nhĩ Kỳ chính thức yêu cầu Mỹ bắt giáo sĩ nghi đảo chính

13/09/2016 19:29 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi yêu cầu chính thức đề nghị Mỹ bắt giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị Ankara cáo buộc chủ mưu cuộc đảo chính bất thành ở nước này, Reuters dẫn tin từ NTV hôm 13.9.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trước đó đã thảo luận với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc hồi đầu tháng. Một quan chức Mỹ khi ấy cho biết Tổng thống Obama giải thích với Tổng thống Erdogan rằng lệnh bắt giữ phải là một quyết định mang tính pháp lý, chứ không phải chính trị.

Giáo sĩ Gulen đã sống lưu vong tại bang Pennsylvania (Mỹ) từ năm 1999. Sau cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính quyền bất thành vào ngày 15.7 qua, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ông Gulen và các thành viên của phong trào tôn giáo Gulen đã tổ chức màn đảo chính này. Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải và đình chỉ hơn 100.000 binh sĩ, cảnh sát, công chức từ sau cuộc đảo chính hụt, vì nghi liên quan tới mạng lưới của giáo sĩ Gulen. Ít nhất 40.000 người bị bắt giam, theo Reuters.

Mâu thuẫn trong vụ Gulen cũng tạo ra căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà Trắng cho biết Mỹ không thể bắt giữ và bàn giao giáo sĩ này cho Ankara nếu không có bằng chứng về tội danh.

Trong bản tin ngày 13.9, đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ NTV cho biết Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu lệnh bắt giữ ông Gulen về tội “ra lệnh và dẫn đầu cuộc đảo chính”.

Nếu Mỹ bắt giữ ông Gulen, đó sẽ là bước đầu tiên của việc dẫn độ. Tuy nhiên các luật sư nói rằng tiến trình này sẽ mất thời gian nhiều năm. Trong trường hợp lệnh dẫn độ được tòa án phê duyệt, một yêu cầu về dẫn độ vẫn phải được Ngoại trưởng Mỹ thông qua, xem xét các yếu tố gây tranh cãi như chuyện nhân quyền.

Trong khi đó, vấn đề nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một điểm nóng khiến quan hệ giữa nước này với Mỹ cũng như châu Âu gặp trắc trở. Hiện bên cạnh biến động từ nội bộ Liên minh châu Âu (EU), yếu tố nhân quyền cũng là vật cản cho một thỏa thuận ngăn dòng người di cư từ Syria sang châu Âu để đổi lại việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đi lại tự do trong các nước EU.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.