Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng: Tổng thống Trump quản trị nước Mỹ thế nào sau 3 tháng

Tổng thống Trump đã điều hành nước Mỹ trong ba tháng qua như thế nào? Thanh Niên trân trọng giới thiệu bạn đọc bài nhận định của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.

Sau ba tháng ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, với lời tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ hùng mạnh trở lại, người dân Mỹ có việc làm, ông cũng đòi xét lại những hiệp định quốc tế về an ninh và thương mại do các đời Tổng thống tiền nhiệm của Mỹ đã ký từ hàng chục năm về trước. Vậy hãy xem xét Tổng thống Trump đã điều hành nước Mỹ trong ba tháng qua như thế nào?

Đưa người nhà, người quen nắm bộ máy nhân sự

Vấn đề nhân sự cho Chính phủ được ông Trump quan tâm hàng đầu. Khác với các đời Tổng thống tiền nhiệm, ông Trump đã tự chọn trực tiếp nhân sự, điều này không như các đời Tổng thống tiền nhiệm, tuy cá nhân Tổng thống có quyền lựa chọn song phần lớn nhân sự đều qua Đảng Cộng hoà hoặc Dân chủ tư vấn tiến cử.

Khi ông Trump đến Washington D.C. nhậm chức, dẫn theo một số nhân viên tư vấn và trợ lý có mối quan hệ cá nhân được thử thách và tôi luyện trong chiến dịch tranh cử, họ đến Nhà Trắng như một sự trả ơn của ông Trump; và đối với họ đó là một niềm tự hào và vinh quang khi vị trí cao trong chính quyền.

Tuy nhiên, những nhân sự này không đủ tầm ảnh hưởng và tin cậy để giúp ông Trump đưa ra các quyết sách, mà ông giao cho những người thân tín trong gia đình của ông giữ những vai trò quan trọng này.  Trước hết, các con ông Trump được sắp xếp ở trị trí trung tâm trong cuộc chuyển giao quyền lực của ông, con gái ông Ivanka được bố trí tiếp quản văn phòng đệ nhất phu nhân,  con rể Jared Kushner, nhà đầu tư bất động sản, giữ vị trí đặc phái viên Tổng thống đàm phán hoà bình ở Trung Đông, và sẽ là nhân vật được tham gia sâu vào các quyết định quan trọng của chính quyền Trump. Còn Donald Jr và em trai Eric sẽ ở lại New York nắm quyền điều hành tập đoàn Trump Organization giám sát các doanh nghiệp đa dạng của ông Trump.

Các vị trí cao cấp còn lại được bố trí gồm những người thân cận lâu năm của gia đình đã trải qua hàng thập kỷ gắn bó với ông Trump. Với cách bố trí nhân sự trong bộ máy của chính quyền dựa trên nguyên tắc gia đình và những người thân cận trung thành, ông Trump cùng với những trợ lý dày dặn kinh nghiệm từ cuộc vận động tranh cử cũng đã mau chóng chọn được một ê-kíp lãnh đạo được coi là đủ mạnh để điều hành nước Mỹ, trong đó phải kể đến James Mattis, một vị tướng được coi là dày dặn kinh nghiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng, Rex Tillerson (lãnh đạo tập đoàn dầu khí) làm Bộ trưởng Ngoại giao và Steven Mnuchin làm Bộ trưởng tài chính.

Kellyanne Conway và Sean Spicer được cử làm cố vấn và thư ký báo chí. Ông Robert Lighthizer làm Đại diện thương mại Mỹ, xuất thân là luật sư tranh tụng thương mại, ông Wilbur Ross làm Bộ trưởng Thương mại. Peter Navarro là tác giả cuốn sách “Chết dưới tay Trung Quốc” làm cố vấn thương mại Nhà Trắng.

Họ đều là những “nhân vật tinh hoa” của ông Trump. Nhưng những người được ông Trump lựa chọn vào Nhà Trắng không phải lúc nào cũng đạt ý muốn. Robert Haward, cựu thành viên của đội đặc nhiệm hải quân Mỹ là người được đánh giá cao về sự hiểu biết về chiến tranh, về tình báo và ngoại giao, đã từ chối lời đề cử vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia cho Trump, để thay thế Flynn được chọn trước đó phải từ chức sau việc cơ quan tình báo Mỹ phát hiện Flynn có liên hệ với Nga vô nguyên tắc.

Quản trị nước Mỹ bằng sắc lệnh

Sau khi tuyên bố nhậm chức và bàn giao quyền lực từ chính quyền của Obama, ông Trump đã thực thi ngay quyền lực chính trị của mình để thực hiện những tuyên bố của ông khi tranh cử, ông bỏ qua các thủ tục pháp lý truyền thống mà dựa vào các sắc lệnh đặc quyền cho Tổng thống, lách qua Quốc hội để ra các sắc lệnh để làm thay đổi cách quản trị của nước Mỹ. Hãy xem trong ba tháng vừa qua, ông Trump và bộ máy của ông đã thực hiện như thế nào.

Công việc đầu tiên như ông đã tuyên bố khi tranh cử là ký sắc lệnh nước Mỹ ra khỏi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định mà trong 8 năm cầm quyền ông Obama đã tạo ra như một trong những Hiệp định cốt lõi trong chính sách xoay trục của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Ông Trump cũng đưa ra lời cảnh báo các doanh nghiệp nước ngoài nhập hàng vào Mỹ phải chuyển hướng đầu tư vào Mỹ sẽ được hưởng chế độ ưu đãi về thuế, nếu không họ phải chịu mức thuế nhập khẩu cao. Ông Trump cũng công khai phê phán các hiệp định thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và Đức do các Tổng thống tiền nhiệm đã gây thua thiệt cho Mỹ, kèm theo lời đe doạ sẽ huỷ bỏ.

Tổng thống Trump cũng đã thực hiện giảm bớt những quy định trong dịch vụ tài chính bằng việc ký một sắc lệnh sẽ xét lại các quy định tài chính DoddFrank 2010. Luật này được áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 nhằm tránh cuộc khủng hoảng tài chính mới. Ông Trump cũng ký một ghi nhớ chung của Tổng thống chỉ thị cho Bộ Lao động trì hoãn việc thực thi một quyết định thời Tổng thống Obama yêu cầu giới tài chính phải đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết khi tư vấn cho họ đầu tư hưu trí.

Ông Trump cũng ký nhiều sắc lệnh khác như hai sắc lệnh tiến hành xây dựng hai đường ống dẫn dầu Keystone XL và Kakota Access chạy từ Canada sang Mỹ với các điều kiện sử dụng thép của Mỹ như một điều kiện bắt buộc; Chỉ thị cho các cơ quan liên bang phải bỏ, ngưng hoặc đình hoãn bất cứ điều khoản nào trong luật chăm sóc sức khoẻ Obamacare nếu trở thành gánh nặng tài chính của hệ thống y tế quốc gia; Tái phục hồi hệ thống tư vấn phá thai quốc tế; Tạm dừng tuyển dụng nhân viên chính phủ liên bang.

Đáng lưu ý là ông Trump đã ra nhiều quyết định về cấm đi lại để chống khủng bố, bao gồm ngưng các chương trình di trú trong 120 ngày, giới hạn số lượng nhập cảnh cho năm 2017, cấm lâu dài người tị nạn từ Syria, cấm tất cả những người đến từ 7 nước chủ yếu là người Hồi giáo ở Trung Đông với một số ngoại lệ, giới hạn con số 50.000 người tị nạn ở nước Mỹ.

Ông Trump cũng đặt việc đảm bảo an ninh biên giới với Mexico là ưu tiên hàng đầu, và ký sắc lệnh sẽ xây dựng một bức tường vật chất hay một hàng rào an ninh ngăn cách biên giới với Mexico và bắt Mexico phải trả tiền cho việc xây tường.

Tổng thống Trump cũng công bố lệnh cấm vận mới với Iran sau khi nước này thử tên lửa, đồng thời cũng nói tới việc xét lại các chính sách của Mỹ với Cuba.

Tổng thống Trump cũng tỏ thái độ cứng rắn trong quan hệ với nguyên thủ nhiều nước, và phê phán họ gây thua thiệt cho Mỹ. Ông dùng nhiều lời lẽ có tính đe doạ, kém ngoại giao với Thủ tướng Úc, đồng minh chiến lược của Mỹ. Ông chỉ trích sự lỗi thời của Liên minh Châu Âu, chỉ trích Thủ tướng Đức Merkel ở Washington với nhiều quan điểm bất đồng. Ông Trump cũng chỉ trích Hiệp định của Mỹ do Obama ký với Nga về vũ khí hạt nhân là một sự “ngu ngốc”. Ông cũng đe doạ sẽ trừng phạt Trung Quốc về thương mại.

Ông Trump chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng của Mỹ, và đã ra các chỉ thị tăng mạnh ngân sách quốc phòng, giảm 28% ngân sách đối ngoại, y tế, giáo dục.

Tổng thống Trump cũng không ngần ngại tấn công vào các cơ quan quyền lực bậc nhất của Mỹ. Khi ông ví CIA với Đức Quốc xã và cáo buộc họ làm việc cho bà Hillary Clinton, ông cũng cáo buộc giới truyền thông là “dối trá, phản quốc, là kẻ thù của nhân dân Mỹ”. Ông Trump đã buộc giới truyền thông phải chịu đựng 80 phút nghe ông phê phán, cáo buộc họ“thiếu trung thực, phổ biến tin tức giả và âm mưu làm suy yếu vị thế Tổng thống của ông”. Cáo buộc này được nguỵ trang dưới một cuộc họp báo. Ông cũng mạnh tay không cho đại diện của CNN và BBC tham dự, coi như một sự trừng phạt với họ vì đã chỉ trích ông.

Trong bài phát biểu được mô tả trên Twitter của mình, ông Trump cũng đã lên án, nhiếc móc toàn cầu hoá, và nguỵ biện cho quan điểm và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Đánh giá gì sau 3 tháng cầm quyền của ông Trump?

Có thể đánh giá ba tháng cầm quyền, Tổng thống Trump đã thực thi quyền lực hết sức mạnh mẽ, gây chấn động nước Mỹ và thế giới, vì những quyết định của ông nhằm quản trị nước Mỹ theo chủ quan của cá nhân ông đã bỏ qua các nguyên tắc chính trị truyền thống của nước Mỹ, nó phản ánh đầy đủ học thuyết và chủ nghĩa dân tộc biệt lập và tính cách lối hành xử độc tài của ông.

Đến nay trừ một số nhà doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ lên tiếng sẽ quay lại nước Mỹ để đầu tư nhằm hưởng sự ưu đãi về thuế như ông Trump tuyên bố, phần còn lại của nước Mỹ và thế giới đều đưa ra những phản ứng bất lợi cho Tổng thống Donald Trump theo hướng thù địch nhiều hơn là thân thiện và ủng hộ.

Bộ máy nhân sự của chính quyền Trump chủ yếu gồm người nhà như con rể Kushner (giữa), người quen như Rex Tillerson (trái, làm Bộ trưởng Ngoại giao) Reuters

Tổng hợp những phản ứng về Tổng thống Donald Trump tuy chưa chưa đầy đủ nhưng có thể nêu ra một số điểm đáng lưu ý:

- Thành phần nội các của ông Trump lập ra là dựa trên nền tảng gia đình trong tập đoàn Trump Organization của ông, ngoài những vị trí chủ chốt do các con em ông nắm giữ, các vị trí khác của Nhà Trắng là những người thân cận lâu năm có chỉ số trung thành với gia đình Trump.

Có thể thấy trong lịch sử Mỹ, chưa đời Tổng thống nào đưa vào Nhà Trắng một nhóm thân cận do gia đình chi phối như ông Trump. Báo chí Mỹ cảnh báo ông Trump đang vi phạm các nguyên tắc xung đột lợi ích hoặc chống gia đình trị của nước Mỹ. Nhưng dường như ông Trump không bận tâm đến những vi phạm này. Một chế độ do người đứng đầu ra lệnh các chính sách theo nó sẽ lúng túng hoặc thất bại, rất có thể sẽ kéo theo những hệ quả khôn lường, những người ngoài vòng của quyền lực gia đình Trump phải đối mặt với chúng.

Người Mỹ đã nói rằng họ không thấy hồ sơ của các Tổng thống hiện đại của Mỹ cho biết liệu phong cách lãnh đạo mang khuynh hướng gia đình của ông Trump có hiệu quả hay không. Hiện nay nó chỉ tồn tại ở các tập đoàn kinh tế do các nhà tỷ phú Mỹ lãnh đạo.

- Hầu hết lời tuyên bố và các sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump bị nền chính trị Mỹ bác bỏ. Trước hết, Quốc hội Mỹ không chấp nhận chỉ thị của ông ngừng Obamacare. Các nghị sĩ Đảng Cộng hoà của Hạ viện Mỹ cũng rút dự luật chăm sóc y tế Trumpcare. Toà án liên bang, toà án nhiều bang phản đối và không thi hành các sắc lệnh nhập cảnh và cư trú do Tổng thống Trump đã ký, và cho rằng đó là sắc lệnh hành pháp đáng xấu hổ nhất. Những sắc lệnh này không mang lại hậu quả tốt cho công cuộc chống khủng bố của Mỹ, ngược lại nó mang tính chất phân biệt chủng tộc, vi phạm nhân quyền, đẩy nước Mỹ vào tình trạng đối đầu và nguy cơ bị khủng bố ngày càng cao hơn nữa, sẽ gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế khi nước Mỹ sẽ mất đi những nhà khoa học, những công nhân có tay nghề cao mà các doanh nghiệp Mỹ đang cần đến.

Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy rằng hai Đảng Cộng hoà và Dân chủ ủng hộ những quyết định của ông Trump, các chính trị gia đưa ra nhiều lời nhận xét rất bất lợi cho Tổng thống Trump, giới truyền thông coi Trump là mục tiêu để “ném đá”, cơ quan tình báo Mỹ đưa ra nhiều bằng chứng những quan hệ ngầm của ông Trump với Nga để tìm sự ủng hộ trong chiến dịch tranh cử gây bất lợi cho Mỹ, nếu điều này là đúng thì Donald Trump sẽ đối mặt với luật pháp Mỹ. Giới ngoại giao Mỹ gây thất vọng về những quyết định của Trump đối với lĩnh vực ngoại giao.

Những thông tin thế giới biết được từ nước Mỹ hiện nay được hiểu rằng nước Mỹ đang ở trạng thái mâu thuẫn nội bộ cao độ, giữa nền chính trị nước Mỹ đang biến động, cuộc đối đầu giữa chủ nghĩa dân tộc biệt lập, dân tuý do Trump dẫn đầu với nền chính trị truyền thống ở Mỹ, giữa vòng quyền lực gia đình trị của Trump với hệ thống chính trị, pháp luật của nước Mỹ đang ngày càng gay gắt, làm cho nước Mỹ đầy biến động, nền chính trị, kinh tế, an ninh thế giới cũng đang bị tác động bởi tình hình này.

- Như đã phân tích ở trên, các quyết định của Tổng thống Donald Trump cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đối với tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới, trước hết là các hiệp ước quốc tế và các nước đồng minh chiến lược của Mỹ, khiến các nước này đưa ra những phản ứng gay gắt và có chiều hướng quay lưng lại với Mỹ.

Mexico phản ứng gay gắt và tuyên bố xem xét rút khỏi Hiệp định thương mại Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mỹ, Mexico, Canada), và không chi trả bức tường Mỹ sẽ xây ngăn cách hai nước như ông Trump tuyên bố.

Khối EU lo ngại trước tuyên bố của ông Trump “nước Mỹ trước đã”.  Thủ tướng Đức Merkel và Bộ trưởng Ngoại giao Đức phản đối mạnh mẽ Donald Trump khi ông cho rằng Liên minh Châu Âu và khu vực đồng Euro đơn giản là những cơ chế để bảo vệ lợi ích và mở rộng quyền lực của Đức, và phản đối Donald Trump chủ trương hoà dịu với Nga trong khi Đức và EU đang tiến hành các lệnh trừng phạt với Nga.

Bảy nước nằm trong diện cấm nhập cảnh vào Mỹ lên tiếng phản đối ông Trump dữ dội, lên án ông phân biệt chủng tộc, bài xích Hồi giáo, kêu gọi trả thù nước Mỹ. Cựu thủ tướng Úc Paul Keating đã có phản ứng một cách giận dữ khi cho rằng Mỹ đang đẩy Úc vào cuộc chiến tranh với Trung Quốc, rằng những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ  Tillerson “không có cơ sở luật pháp, nguy hiểm về mặt chính trị, là một hành động chiến tranh”.

Khó mà tiên đoán cuộc chiến giữa ông Trump và các lực lượng ngầm sẽ mất bao nhiêu thời gian... Đến lúc nào đó sẽ dẫn đến sự lựa chọn giữa Trump và hiến pháp nước Mỹ
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng

Mười một nước trong Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đều có chung một nhận xét rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp định này đã đánh mất lợi thế và sức mạnh mềm của Mỹ. Phản ứng của các nước thành viên còn lại như Nhật, Úc, Brazil là tích cực vận động để ra đời TPP mà không cần có Mỹ tham gia, và rất có thể mở rộng thêm thành viên, trong đó có thể là Trung Quốc.

Các nước khác, trong đó có cả những nước đồng minh chiến lược với Mỹ, đang điều chỉnh chính sách của mình trước viễn cảnh nước Mỹ quay về với chủ nghĩa dân tộc biệt lập, xa dần với các cam kết quốc tế. Riêng Triều Tiên đã có những phản ứng mạnh mẽ trước những tuyên bố đe doạ của ông Trump cùng với việc triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc, liên tục trong tháng 3 đã cho thử một loạt tên lửa ở vùng biển giáp Nhật Bản và cho biết sẽ thử tên lửa mang đầu đạn hạt nhân trong thời gian tới, đồng thời sẵn sàng giành quyền đánh phủ đầu nếu nước này bị đe doạ từ Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ.

Như vậy, 3 tháng cầm quyền của Tổng thống Trump và chính quyền mới của Mỹ không phải là sự kế thừa thể chế chính trị của nước Mỹ, mà là sự thay đổi có tính chất bước ngoặt dựa trên sự thay đổi luật pháp qua các sắc lệnh mới ban đầu. Điều đó đã phản ánh Tổng thống Donald Trump thực hiện lời tuyên bố lúc tranh cử là đưa nước Mỹ trở lại vị trí cường quốc hùng mạnh nhất thế giới dựa trên nền tảng của chủ nghĩa dân tộc biệt lập, dân tuý của ông Trump.

Trái với những gì ông kỳ vọng, Trump đang cay đắng và thất bại khi các quyết định của ông đều bị quốc hội và luật pháp bác bỏ. Dư luận Mỹ đang thiếu tin tưởng ở vị tân Tổng thống, theo một số thăm dò do báo Mỹ đăng tải, tỉ lệ ủng hộ ông rơi xuống 36%, mức thấp kỷ lục trong giai đoạn đầu nắm quyền của một Tổng thống Mỹ. Một số chính trị gia cho rằng ông như “con voi rừng” đang phá nát tất cả, “càng bị bủa vây càng hùng hổ”.

Con người của ông Trump không đoán trước được điều gì, ông ta sẽ thay đổi các quyết định của mình bất kể lúc nào, bất kể vấn đề gì ông ta muốn. Vì vậy, con đường mà ông vạch ra được nhìn nhận phạm phải những sai lầm lớn có tính nguyên tắc, ông đã cố lôi nước Mỹ biệt lập với thế giới, theo đó làm xói mòn, đánh mất dần vai trò lãnh đạo thế giới  của nước Mỹ đã từng đạt được sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Với sự hạ giọng gần đây của Tổng thống Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thể hiện ở một tư thế yếu, có lẽ vì họ lo lắng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên khiến ông Trump phải vội vàng xin gặp ông Tập Cận Bình. Ông Trump cử Bộ trưởng Ngoại giao Tillerson sang Trung Quốc cũng là nhằm dàn xếp cho cuộc gặp này. Đến nay chưa được biết chương trình nghị sự chính thức của cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với Chủ tịch Trung Quốc sắp diễn ra ở Florida, nhưng việc Trump đang ly khai khỏi thế giới sẽ mở ra không gian không gì thuận lợi hơn với Trung Quốc, có người cho rằng đó là một ơn trời cho Trung Quốc để lãnh đạo thế giới, nên có thể cuộc gặp sắp tới là một mốc lịch sử khởi đầu của việc chuyển giao quyền lực từ Mỹ sang Trung Quốc.

Tương tự, dư luận ở Mỹ nhận xét việc Trump ly khai khỏi thế giới, từ bỏ ủng hộ EU, Mỹ cũng đã đánh mất “vai trò lãnh đạo thế giới tự do” của họ. Nhà sử học nước Anh Timothy Galoton Ash cho rằng từ nay, lãnh đạo thế giới tự do là bà Thủ tướng Đức Merkel, điều này có thể ông Obama đã tính trước khi ông tới Đức trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống.

Mâu thuẫn nội bộ nước Mỹ đã đến đỉnh điểm, nhưng cũng chưa lộ rõ Đảng Cộng hoà, Đảng Dân chủ và các chính trị gia Mỹ phản ứng đối với chính quyền của Tổng thống Trump. Điều có thể phỏng đoán là đang có hoạt động ngầm để loại bỏ Trump để cứu vãn nước Mỹ. Nhưng thật khó mà tiên đoán cuộc chiến giữa ông Trump và các lực lượng ngầm sẽ mất bao nhiêu thời gian, chỉ biết rằng lập trường trung dung sẽ biến mất, đến lúc nào đó sẽ dẫn đến sự lựa chọn giữa Trump và hiến pháp nước Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.