Tổng thống Trump cảnh báo 'biện pháp duy nhất' về Triều Tiên
09/10/2017 06:33 GMT+7
Những tuyên bố đầy ẩn ý gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến dư luận xôn xao về những bước đi sắp tới trong vấn đề Triều Tiên.
Tự động phát
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua nhận định các biện pháp đàm phán với CHDCND Triều Tiên đã “thất bại”. Theo ông, các đời tổng thống Mỹ đã đàm phán với Bình Nhưỡng trong suốt 25 năm qua, nhưng đều không mang lại hiệu quả.
Bão sắp nổi ?
“Các thỏa thuận bị vi phạm khi còn chưa ráo mực, các nhà đàm phán Mỹ bị biến thành trò cười. Xin lỗi, nhưng chỉ có một biện pháp duy nhất sẽ phát huy tác dụng”, Tổng thống Trump viết trên Twitter. Theo giới quan sát, “biện pháp duy nhất” có thể mang hàm ý về khả năng sử dụng giải pháp quân sự trong vấn đề Triều Tiên.
Trước đó 2 ngày, phát biểu trong buổi gặp các tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ, chủ nhân Nhà Trắng bất ngờ tuyên bố: “Các anh có biết điều này có nghĩa là gì không? Có lẽ đó là sự tĩnh lặng trước cơn bão”. Khi các phóng viên đề nghị làm rõ về phát biểu này, Tổng thống Trump cười bí hiểm và trả lời: “Rồi các anh sẽ biết”. Trong cuộc trao đổi với các tướng lĩnh, nhà lãnh đạo Mỹ một lần nữa nhấn mạnh “mối đe dọa” từ Bình Nhưỡng và khẳng định lại mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Những phát biểu trên được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ cho rằng Ngoại trưởng Rex Tillerson “đừng phí thời gian” đàm phán với Triều Tiên, sau khi ông Tillerson cho biết Washington có kênh liên lạc trực tiếp với Bình Nhưỡng.
|
Liên quan đến nhận định của Tổng thống Trump, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tỏ ra úp mở khi chỉ nói cơ quan này có nhiệm vụ “đại diện cho các lựa chọn quân sự của tổng thống và thi hành mọi mệnh lệnh”.
Những lựa chọn tấn công
Theo tờ USA Today dẫn lời các nhà phân tích, hầu hết lựa chọn quân sự nhằm vào Triều Tiên đều có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát, kéo theo hậu quả khó tưởng tượng. Biện pháp được giới tướng lĩnh Mỹ và Hàn Quốc thường xuyên đề cập là dùng tên lửa, oanh tạc cơ tấn công chớp nhoáng, chính xác và nhanh gọn, nhằm vào những khu vực đầu não, cũng như cơ sở cất giấu vũ khí chiến lược của miền Bắc. Tuy nhiên, ông David Maxwell, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh tại Đại học Georgetown (Mỹ), nhận định giới tình báo Mỹ không nắm được tất cả những địa điểm này, dẫn đến nguy cơ Triều Tiên phản công hạt nhân nhằm vào các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật. Thậm chí Bình Nhưỡng không cần phải dùng đến vũ khí hạt nhân mà chỉ tập trung nã pháo cùng vũ khí hóa học về phía thủ đô Seoul của Hàn Quốc, khi đô thị 25 triệu dân này chỉ cách giới tuyến liên Triều hơn 50 km.
|
Một phương án khác là hạm đội hải quân hùng mạnh của Mỹ sẽ tạo vành đai phong tỏa Triều Tiên nhằm ngăn chặn nguồn hàng hóa và nhu yếu phẩm từ bên ngoài, gây kiệt quệ kinh tế. Tuy nhiên, lựa chọn này không bảo đảm mang lại hiệu quả vì trong nhiều năm qua, Bình Nhưỡng vẫn “vững như bàn thạch” trước các lệnh cấm vận liên tiếp của quốc tế. Mặt khác, theo chuyên gia Dean Cheng thuộc Quỹ Heritage (Mỹ), muốn phong tỏa Triều Tiên thành công thì Mỹ phải có sự hợp tác hiệu quả của Trung Quốc, điều mà Washington không thể bảo đảm chắc chắn.
Riêng về phương án tấn công hạt nhân phủ đầu Triều Tiên, chuyên gia Bruce Bennett thuộc Tổ chức Rand Corporation (Mỹ) cho rằng đây chắc chắn không phải là lựa chọn của Tổng thống Trump. “Tuy nhiên nếu Triều Tiên tấn công hạt nhân đồng minh Mỹ trong khu vực, tổng thống có thể ra lệnh trả đũa ngay mà không cần thông qua quốc hội”, ông Bennett nói.
Em gái lãnh đạo Triều Tiên vào Bộ Chính trị
Reuters hôm qua dẫn thông tin từ cuộc họp Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên cho hay em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong (30 tuổi) đã trở thành Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Theo giới quan sát, đây là dấu hiệu cho thấy bà Kim Yo-jong sẽ thay thế cô ruột Kim Kyong-hui cho vị trí cố vấn thân cận bên cạnh lãnh đạo tối cao.
Ngoài ra, 2 nhân vật có vai trò quan trọng trong chương trình phát triển hạt nhân - tên lửa là tướng Ri Pyong-chol và nhà khoa học Kim Jong-sik cũng được thăng chức.
Tại cuộc họp, ông Kim Jong-un khẳng định vũ khí hạt nhân là “sự răn đe mạnh mẽ nhằm bảo vệ hòa bình, an ninh trên bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á, cũng như đối phó với đe dọa hạt nhân từ đế quốc Mỹ”. Ông cho rằng tình hình quốc tế đang trở nên phức tạp và khẳng định tính đúng đắn trong đường lối phát triển hạt nhân - kinh tế song song. “Kinh tế quốc gia đã phát triển mạnh mẽ trong năm nay bất chấp các lệnh trừng phạt gia tăng”, nhà lãnh đạo phát biểu.
|
Bình luận (0)