Trong vùng cực nam Thái Lan

18/05/2008 22:36 GMT+7

Kỳ 1: Con đường hòa bình Sức "nóng" còn sót lại tại khu vực này có chăng là sự xuất hiện của quân đội. Trên khắp mọi nẻo đường, binh sĩ được trang bị vũ trang hiện diện khắp nơi, ở các góc phố, các cửa hàng, trước các khu vực dân cư đông đúc...

Vùng cực nam đang giảm nhiệt

Nói đến miền nam Thái Lan, nhiều người hẳn sẽ nghĩ ngay đến những vụ đánh bom, những vụ đi xe máy bắn tỉa hoặc chặt đầu man rợ. Những người chưa đến miền nam kể từ khi bạo lực bùng phát hồi tháng 1.2004 cũng sẽ nghĩ như vậy, nhất là sau khi xem cuộc triển lãm tranh của trẻ em miền nam Thái Lan gần đây diễn ra tại Bangkok. Trong đó, qua nét cọ của mình, các em đã miêu tả rất chân thực những gì đang diễn ra tại 3 tỉnh cực nam là Pattani, Yala và Narathiwat. Điều thể hiện sức "nóng" tại khu vực này là sự xuất hiện của quân đội trên khắp mọi nẻo đường. Các chốt kiểm soát được che chắn bằng bao cát hoặc những tấm rào chắn thép gai cũng dễ bắt gặp trên đường phố. Nếu không biết về tình hình cụ thể ở đây, nhìn thấy những cảnh này, người ta dễ nghĩ rằng đây là vùng đang có chiến tranh.

"Công thức" để giải quyết bất ổn

Để giải quyết bất ổn, lực lượng quân đội tại miền nam Thái Lan đã áp dụng các đường lối chung mà Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej đề ra để bảo đảm an ninh và phát triển đất nước. Đó là: "Hiểu biết, giang rộng vòng tay và phát triển". "Hiểu biết" ở đây là hiểu về lịch sử để xem nguyên nhân bất ổn nằm ở đâu, đã đạt được thành công nào và thất bại vì cái gì. "Giang rộng vòng tay" là các nỗ lực để chiếm được cảm tình của dân địa phương, biết họ nghĩ gì và cảm thấy gì. Còn "phát triển" ở đây là cách phát triển phù hợp để giải quyết bất ổn hiệu quả hơn.

Đại tá Acra Tiporch, người phát ngôn của quân đội Thái Lan, cho hay vấn đề chính ở 3 tỉnh miền nam Thái Lan là sự hiểu lầm giữa người dân địa phương và quan chức nơi đây. Sự hiểu lầm đó cũng như những ý nghĩ tiêu cực tăng lên ngày theo ngày cùng với việc không có một giải pháp cụ thể khiến bạo lực bùng phát từ tháng 1.2004. Đại tá Acra cho biết thêm, theo các bằng chứng mà quân đội thu thập được và từ chính lời của những kẻ gây bất ổn, nhóm ly khai đằng sau các vụ bạo lực ở miền nam được gọi là "nhóm phối hợp BRN". Nhóm này âm mưu ly khai để lập lãnh thổ riêng. BRN cũng sử dụng Hồi giáo làm cơ sở cho chủ nghĩa ly khai và chia bè kết phái. Có tất cả 1.900 làng thuộc 37 huyện thị với dân số 1,8 triệu người ở 3 tỉnh cực nam bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Acra nói rõ hơn về sự khó khăn trong việc đối phó với quân ly khai: "Chẳng thà những kẻ gây bất ổn có căn cứ riêng, có quân phục riêng thì sẽ dễ dàng khống chế.

Đằng này, chúng lại trà trộn trong dân địa phương với quần áo bình thường nên rất khó để nhận biết". Đó cũng là lý do mà quân đội đã phải điều động một số lượng lớn binh sĩ xuống khu vực này để bảo vệ người dân vô tội cũng như giúp họ có một cuộc sống chất lượng hơn. Trên thực tế, các vụ bạo lực đã giảm nhiều trong những tháng gần đây. Các vụ bạo lực diễn ra hằng ngày đã không còn tiếp diễn nữa. Bằng chứng là trong 2 tuần đầu tháng 1.2008, theo trung tâm tin tức Issara, đã có 51 vụ bạo lực làm 25 người thiệt mạng và 74 người bị thương. Đến 2 tuần đầu tháng 3.2008, số vụ bạo lực là 37, số người chết là 22 và số bị thương là 37. Trong việc áp dụng các biện pháp hòa bình cho miền nam, Chính phủ Thái Lan chú trọng vào 4 khía cạnh, đó là: các nỗ lực khuyến khích người dân tham gia vào công cuộc chung, tăng cường phát triển kinh tế và xã hội, hoàn thiện các thủ tục pháp lý dựa trên luật pháp để bảo đảm công bằng cho người dân, có biện pháp xử lý nặng đối với những quan chức địa phương lạm quyền.

Tuyến đường 418

Hiện tại, một con đường cao tốc nối liền 2 tỉnh Pattani và Yala đang được xây dựng. Những người tham gia thi công con đường 418 này là 1.200 binh sĩ Thái Lan. Họ được điều động đến đây không chỉ để bảo vệ an ninh mà còn giúp cuộc sống ở đây tốt hơn. Nhiều người dân địa phương cũng được thuê làm việc tại công trường. Họ có việc làm và có thêm thu nhập. Thực ra, tuyến đường này đã được khởi công từ tháng 7.2002 và các công ty tư nhân thắng thầu dự định sẽ hoàn thành nó vào tháng 9.2005. Tuy nhiên, đến tháng 1.2004, bạo lực bùng phát đã khiến việc thi công bị ảnh hưởng. Các công ty tư nhân xin phép kéo dài thời hạn hoàn thành đến tháng 12.2006.

Một lần nữa, bất ổn khiến những công ty này không thể hoàn thành được chỉ tiêu. Tháng 11.2007, quân đội vào cuộc, giúp tuyến đường quan trọng này có thể hoàn thành sau bao năm chậm trễ. Khi đó, việc xây dựng mới hoàn thành được 25%. Với kinh phí xây dựng tiếp là 1,04 tỉ baht (khoảng 33 triệu USD), đường 418 dự tính sẽ hoàn thành trong 720 ngày (tính từ thời điểm quân đội bắt đầu tham gia). Từ khi quân đội được triển khai, chưa có một vụ bạo lực nào nhằm vào việc thi công con đường.

Đường 418 không chỉ rút ngắn khoảng cách đi lại giữa hai tỉnh Pattani và Yala từ 50 km xuống còn 35 km mà đây còn là con đường được trông đợi sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế cho người dân địa phương. Và với lợi ích này, người dân sẽ hiểu hơn về những việc làm mà chính quyền cũng như quân đội đang đem đến cho họ. Đường 418 còn là con đường kết nối giữa người dân địa phương với chính quyền cũng như quân đội, để đôi bên xóa bỏ mọi hiểu lầm, cùng mang lại bình yên cho miền cực nam Thái Lan. (Còn tiếp)

Việt Phương
(từ Pattani, Thái Lan)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.