Trung Quốc kiểm soát chặt quân đội

17/01/2016 10:09 GMT+7

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình siết chặt quyền kiểm soát đối với quân đội thông qua cuộc cải tổ sâu rộng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình siết chặt quyền kiểm soát đối với quân đội thông qua cuộc cải tổ sâu rộng.

Ông Tập Cận Bình trao quân kỳ cho Tư lệnh lục quân Lý Tác Thành - Ảnh: SCMPÔng Tập Cận Bình trao quân kỳ cho Tư lệnh lục quân Lý Tác Thành - Ảnh: SCMP
Tháng 11.2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thị trấn Cổ Điền ở tỉnh Phúc Kiến, nơi cách đây hơn 80 năm nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông lần đầu tiên đề ra học thuyết rằng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) phải là lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).
Trước hàng trăm tướng lĩnh tại Cổ Điền, ông Tập nhấn mạnh rằng PLA vẫn phải là quân đội của đảng, phải duy trì “truyền thống cách mạng” và trung thành tuyệt đối với CPC. Những phát biểu của ông Tập tại hội nghị quân chính được mệnh danh Tân Cổ Điền đã mở đầu cho một cuộc cải cách sâu rộng PLA kể từ đó đến nay.
Tăng cường vai trò quân ủy
Theo giới phân tích, ông Tập Cận Bình hạ quyết tâm cải tổ PLA do rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, người bị cho là không nắm được quyền kiểm soát quân đội. Chẳng hạn vào năm 2011, PLA bất ngờ thử nghiệm chiến đấu cơ tàng hình J-20 trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Trong hồi ký của mình, ông Gates tiết lộ bản thân ông Hồ Cẩm Đào cũng sửng sốt khi hay tin về vụ thử nghiệm.
Tờ South China Morning Post cũng từng dẫn các nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho hay hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) thời ông Hồ Cẩm Đào là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng từng nhiều lần gạt cấp trên ra rìa trong các quyết định quân sự. Hai nhân vật này đã lần lượt bị điều tra tham nhũng trong chiến dịch đả hổ diệt ruồi của ông Tập
Theo tờ The Economist, cuộc cải tổ của PLA bao gồm hai mục tiêu chính: tăng cường sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quân đội và biến PLA thành một lực lượng chiến đấu hiệu quả hơn.
Vào ngày 11.1, CMC mà ông Tập Cận Bình nắm chức chủ tịch đã thông báo giải thể Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Trang bị của PLA để phân chia và sáp nhập thành các cơ quan khác trực thuộc CMC. Các cơ quan này từng là những tổ chức đầy quyền uy của PLA và gần như là những lãnh địa độc lập, do hai ông Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng kiểm soát và lũng đoạn. Bằng cách giáng cấp các cơ quan trên, CMC sẽ có nhiều quyền hạn hơn trong các vấn đề quân sự.
Trong cấu trúc mới, 4 cơ quan cấp tổng cục sẽ được đổi tên và trở thành 4 trong 15 “cơ quan chức năng” thuộc quyền kiểm soát trực tiếp của lãnh đạo CMC, gồm Bộ Tham mưu liên hợp, Cục Công tác chính trị, Cục Bảo đảm hậu cần, Cục Phát triển trang bị. 11 cơ quan còn lại bao gồm Văn phòng CMC, Cục Quản lý huấn luyện, Cục Động viên quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật, Ủy ban Chính pháp, Ủy ban Khoa học kỹ thuật, Văn phòng Quy hoạch chiến lược, Văn phòng Cải cách biên chế, Văn phòng Hợp tác quân sự quốc tế, Văn phòng Kiểm toán, Văn phòng Quản lý sự vụ.
Đáng chú ý là Ủy ban Kiểm tra kỷ luật của PLA trước đây thuộc Tổng cục Chính trị nay được đôn lên ngang hàng với Cục Công tác chính trị trong cấu trúc mới.
Những lực lượng mới
Mũi nhọn cải tổ thứ hai là cân bằng vai trò giữa các quân chủng của PLA.
Trong lịch sử, lục quân của PLA là lực lượng quyền thế bậc nhất. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trước những tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như ý định thách thức ưu thế hải quân và không quân của Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Vào ngày 31.12.2015, CMC thông báo thành lập Bộ Tư lệnh lục quân, qua đó xếp ngang hàng quân chủng này với hải quân và không quân, vốn đã có bộ tư lệnh trước đó.
Ngoài ra, hai bộ tư lệnh mới cũng được thành lập là Bộ Tư lệnh tên lửa (nâng cấp từ Lực lượng pháo binh số 2), chịu trách nhiệm kiểm soát các tên lửa chiến lược, và Bộ Tư lệnh chi viện chiến lược, phụ trách các hoạt động không gian và chiến tranh mạng. Theo tờ The Diplomat, khác với trước, Bộ Tư lệnh tên lửa hiện nay không chỉ kiểm soát các tên lửa hạt nhân chiến lược trên bộ mà còn tiếp quản hai thành tố khác trong bộ ba hạt nhân của Trung Quốc là các tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm và các oanh tạc cơ chiến lược.
Những thay đổi lớn cũng diễn ra tại các đại quân khu của Trung Quốc. Theo tờ South China Morning Post, 7 đại quân khu hiện tại sẽ được chia lại thành 5 khu chiến lược. Các đại quân khu ở Trung Quốc vốn là những tổ chức tương đối độc lập và có thực quyền, việc chia sẻ hoặc luân chuyển binh sĩ, vũ khí, khí tài, giữa các đại quân khu hiếm khi xảy ra. Theo cơ chế mới, các binh sĩ sẽ được tuyển mộ, huấn luyện bởi các quân chủng khác nhau trước khi biên chế về các khu chiến lược. Điều này sẽ giúp siết chặt quyền kiểm soát của trung ương đối với các đại quân khu.
Theo The Economist, những cải tổ trên thậm chí còn sâu rộng hơn cả những gì mà giới quan sát nước ngoài trông đợi sau hội nghị ở Cổ Điền. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vaily Kashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ ở Moscow mô tả cuộc cải tổ quy mô lớn của PLA là chưa có tiền lệ trong lịch sử Trung Quốc. “Nếu thành công, cải tổ quân đội sẽ giúp hiện đại hóa hệ thống quản lý của PLA và khắc phục những vấn đề về tổ chức đang hiện hữu”, ông Kashin nói.
Theo nhận xét của nhà quan sát Bạc Trí Dược trên tờ The Diplomat, nếu lãnh đạo của 15 cơ quan mới thành lập cùng với chỉ huy của 5 bộ tư lệnh nói trên đều trở thành ủy viên CMC thì số lượng thành viên ủy ban này sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 10 lên đến 23. Và bởi ông Tập Cận Bình là kiến trúc sư của cuộc cải tổ, những chỉ huy mới được đề bạt chắc chắn sẽ biết đặt lòng trung thành của họ vào ai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.