Trung Quốc phải có sự đồng thuận nếu xây thủy điện

29/04/2016 08:23 GMT+7

“Đối với những thủy điện sắp xây dựng, Trung Quốc phải tìm được sự đồng thuận của các nước sông Mê Kông cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, kiểm soát được lũ lụt, không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân".

Tại hội thảo “Hợp tác Lan Thương - Mê Kông: Thử thách, cơ hội và định hướng phát triển” do Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế Thái Lan (ISIS) tổ chức diễn ra ngày 28.4 tại Bangkok, Giám đốc điều hành Viện Hòa bình và hợp tác Campuchia Pou Sothirak cho biết theo Tổ chức Sông ngòi quốc tế, Trung Quốc đã xây dựng 7 đập thủy điện tại thượng nguồn sông Mê Kông và đang có kế hoạch xây thêm 21 đập thủy điện khác. Đây chính là mối đe dọa thật sự đến môi trường, hệ sinh thái và cuộc sống của khoảng 60 triệu người sống dọc sông Mê Kông.
Để hợp tác Lan Thương - Mê Kông đạt hiệu quả thiết thực, ông Sothirak kêu gọi các nước làm thủy điện phải có trách nhiệm cân bằng giữa quyền lợi của mình và quyền lợi của các nước chia sẻ dòng sông. “Đối với những thủy điện sắp xây dựng, Trung Quốc phải tìm được sự đồng thuận của các nước sông Mê Kông cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, kiểm soát được lũ lụt, không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nếu điều này không được thực hiện chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước liên quan”, ông nói.
Trước những chỉ trích này, ông Yang Yi, Tổng thư ký Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc “bào chữa” rằng việc hợp tác và chia sẻ nguồn nước sông Mê Kông là vấn đề chung, không của riêng nước nào nên rất không công bằng nếu chỉ “chỉ trích” đầu nguồn. Cụ thể về việc xây đập thủy điện, ông Yang Yi vẫn khẳng định Trung Quốc chỉ tích nước lại để phát điện chứ không làm tiêu hao nguồn nước. Vì thế không thể “buộc tội” Trung Quốc.
Về vấn đề này, tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC), cho biết ngay cả khi không tiêu hao nước, việc Trung Quốc ngăn hơn 20 tỉ m3 nước tại các hồ chứa dùng cho thủy điện cũng đã làm thay đổi dòng chảy và điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và tác động xấu đến hạ lưu.
“Theo tôi, không còn con đường nào khác ngoài thái độ kiên quyết của ta trong hợp tác. Có luật chơi và chơi theo luật. Nếu thấy luật còn thiếu thì bổ sung. Chúng ta đã có Hiệp định Mê Kông, các quốc gia buộc phải tuân thủ. Mà thật ra, luật pháp chỉ là một phần, câu chuyện thực thi luật pháp mới là vấn đề lớn”, ông Tứ nói với Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.