Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), trụ sở tại thủ đô Washington của Mỹ, vừa công bố những hình ảnh mới một lần nữa cho thấy Trung Quốc luôn đi ngược lại các tuyên bố phi quân sự hóa Biển Đông, theo Hãng tin Reuters ngày 9.8.
Sẵn sàng chứa máy bay ném bom lớn nhất
Cụ thể, 3 hòn đảo được bồi đắp là đá Chữ Thập, đá Subi, đá Vành Khăn phi pháp giờ đây xuất hiện những nhà chứa máy bay được gia cố. Theo ảnh chụp vào tháng 7, không có máy bay quân sự trên các đảo nhân tạo, nhưng CSIS nhận định rằng các nhà chứa này đều đủ sức chứa “bất kỳ máy bay chiến đấu nào của không quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF).
Tờ The New York Times đã làm rõ hơn khi dẫn kết quả phân tích chỉ ra nhà chứa máy bay cỡ lớn hơn trên 3 hòn đảo này có thể chứa một máy bay ném bom H-6 và máy bay tiếp liệu H-6U, máy bay vận tải Y-8 và máy bay trinh sát cảnh báo sớm trên không KJ200.
CSIS nhấn mạnh các bức ảnh do vệ tinh chụp lại tiết lộ nhóm nhà chứa máy bay nhỏ nhất cũng có bề ngang từ 18 - 21 m, thừa chỗ để chứa chiến đấu cơ lớn nhất của PLAAF. Bên cạnh đó, mọi thứ đều có dấu hiệu của công đoạn gia cố về mặt cấu trúc của các nhà chứa. “Chúng dày hơn cần thiết nếu chỉ xây dựng cho bất kỳ mục đích dân sự nào”, ông Gregory B.Poling, Giám đốc sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS, phân tích và kết luận: “Chúng được gia cố để hứng đòn tấn công”. Với nhóm nhà chứa máy bay lớn nhất có bề ngang đến 61 m, ông Poling nhận định: “Thừa chỗ cho các máy bay ném bom chiến lược và tiếp liệu”.
|
Nếu những loại máy bay trên được triển khai, chúng có thể gây phức tạp nghiêm trọng tình hình Biển Đông, và tăng cấp độ nguy cơ về mặt quân sự đối với Mỹ, vốn thực hiện nhiều cuộc tuần tra trong khu vực gần đây. Thậm chí trước khi các nhà chứa trên xuất hiện, giới phân tích quân sự cũng đã liên tục cảnh báo về ý định quá sức rõ ràng của Trung Quốc nhằm sử dụng các bàn đạp trên Biển Đông để vươn dài sức ép quân sự tại khu vực. Các cấu trúc xây dựng khác đồng thời cũng mọc lên ở những hòn đảo phi pháp này bao gồm nhiều tháp và các cấu trúc hình lục giác không xác định, theo CSIS.
Thách thức phán quyết
“Ngoại trừ một chuyến thăm ngắn ngủi của máy bay vận tải quân sự đến đá Chữ Thập hồi đầu năm nay, vẫn chưa có chứng cứ cho thấy Bắc Kinh triển khai máy bay quân sự đến các hòn đảo nhân tạo trên. Tuy nhiên, việc nhanh chóng xây dựng các nhà chứa máy bay được gia cố (chống pháo kích - NV) tại cả 3 hòn đảo trên cho thấy điều này nhiều khả năng sẽ thay đổi”, theo Hãng tin Reuters dẫn báo cáo của CSIS. Chứng cứ về các nhà chứa máy bay mới mọc trên 3 đảo nhân tạo đã được CSIS công bố sau 1 tháng kể từ khi Tòa trọng tài ra phán quyết mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc về hành vi tại Biển Đông, bao gồm các hoạt động dùng vũ lực để mở rộng tuyên bố chủ quyền, và công tác xây dựng các hòn đảo bất hợp pháp.
Trước thông tin trên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tiếp tục lặp lại luận điệu - mà quốc tế không công nhận - là: “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi tại Trường Sa và những vùng biển xung quanh”. Theo lực lượng vũ trang của chính quyền Bắc Kinh, công tác xây dựng tại đảo và bãi đá ở Trường Sa nhằm nhiều mục tiêu khác nhau, cả quân sự lẫn dân sự.
Trung Quốc sẽ hoàn thành hạ tầng quân sự trước tháng 11
Ngô Minh Trí
(thực hiện) |
Bình luận (0)