Trung Quốc và chiến thuật “sóng biển” với ASEAN

20/08/2011 22:41 GMT+7

Sau khi loạt bài Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của TS Nguyễn Hồng Thao (ảnh) được đăng tải, Thanh Niên đã nhận được nhiều thư của bạn đọc bày tỏ mong muốn tìm hiểu thêm.

Thanh Niên đã phỏng vấn TS Nguyễn Hồng Thao về sự ra đời của công trình trên cũng như những vấn đề ở biển Đông hiện nay dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu.

Ông đánh giá như thế nào về những diễn biến mới trên biển Đông trong hơn 10 năm qua kể từ khi công trình này hoàn thành? 

Sau nhiều năm, mặc dù đã có rất nhiều thay đổi, rất nhiều phức tạp, nhưng dòng chảy chính chủ đạo trên biển Đông vẫn là kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, giữ gìn an ninh, ổn định trên biển vì lợi ích của mỗi nước, của cộng đồng khu vực và quốc tế.

Trong 10 năm qua, đã có rất nhiều tranh chấp biển trong khu vực được giải quyết, trong đó VN và Malaysia là hai quốc gia đi đầu trong khu vực về việc áp dụng UNCLOS 1982 để giải quyết các tranh chấp biển. VN đã giải quyết thành công các tranh chấp biển với Thái Lan, Malaysia, Indonesia ở biển Đông và với Trung Quốc (TQ) trong vịnh Bắc Bộ. 

Tác phẩm của tôi được giải thưởng có lẽ cũng nhờ tính tổng hợp, phân tích sự kiện và dự báo xu hướng phát triển của nó. Nhiều nghiên cứu, kiến nghị trong tác phẩm như áp dụng nguyên tắc đường trung tuyến điều chỉnh trong vịnh Bắc Bộ, khả năng cần xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) đã được kiểm nghiệm trên thực tế. Tất nhiên tác phẩm chỉ là một ý kiến nhỏ nhoi trong rất nhiều ý kiến cùng chung ý tưởng về COC. Chúng đã được đưa ra vào thời điểm mà nhiều người cho rằng rất ít khả năng thành hiện thực. Mọi người đều biết lúc đầu có nước đã không đồng ý thảo luận bất cứ cái gì về COC.

Mặc dù được cho là không có nhiều bằng chứng xác đáng về chủ quyền ở biển Đông nhưng TQ lại có nhiều luận án, công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề này được công bố ra quốc tế. Ông nhận định thế nào về thực tế này?

Đúng là nhìn về số lượng các tác phẩm, các bài viết trên các tạp chí nước ngoài, các luận án tiến sĩ, người TQ có nhiều hơn, song chất lượng các nghiên cứu công bố khoa học của các tác giả VN ngày càng cao, ngày càng được chú ý. Ví dụ như vấn đề về đường lưỡi bò, tại các hội thảo quốc tế, các học giả TQ thường không trả lời được chất vấn của các nhà khoa học quốc tế (không phải chỉ quốc tịch VN đâu). Các nhà khoa học quốc tế đồng tình với lập luận của VN. Khoa học cần có sự khách quan, trung thực chứ không cần vũ lực. Chẳng phải Galileo bị ép buộc bằng vũ lực, đe dọa nhưng cuối cùng vẫn nói: "Dù sao thì trái đất vẫn quay" đó sao.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy rằng còn có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều khó khăn phải vượt qua để nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu của VN công bố ra quốc tế. Chúng ta cần nghiên cứu vấn đề một cách tổng thể, bài bản, chứ không chỉ riêng khía cạnh lịch sử. Mọi giải pháp cuối cùng để giải quyết tranh chấp đều là giải pháp tổng thể pháp lý chính trị chứ không phải lịch sử hay quân sự, kinh tế đơn thuần. Vì vậy, bên cạnh việc giáo dục lịch sử, giáo dục về lòng yêu nước thì việc trang bị kiến thức luật quốc tế trong các trường ĐH, viện nghiên cứu là rất quan trọng.

Chúng ta cũng cần làm tốt công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, phân loại, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu được tiếp xúc tư liệu một cách dễ dàng, tạo môi trường học thuật trao đổi khoa học. Cần khuyến khích những nhà nghiên cứu trẻ mạnh dạn viết bài cho các tạp chí luật quốc tế và luật biển trên thế giới. Vừa qua, anh Nguyễn Đăng Thắng, một nghiên cứu sinh trẻ đang theo học tại ĐH Cambrigde (Vương quốc Anh) đã cùng tôi hoàn thành một bài viết về "đường lưỡi bò" đăng trên một trong những tạp chí hàng đầu về luật biển là Ocean Development & International Law trong quý 3/2011.

Còn về những động thái của TQ, đặc biệt trong chuỗi các hoạt động mà TQ đã thực hiện từ nhiều năm qua trong việc biến các khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp?

Các hoạt động của TQ ở biển Đông ngay từ những năm 1990 đã được các nhà nghiên cứu quốc tế đặt tên là "chiến thuật gặm nhấm". Tôi thì thích dùng hình tượng "chiến thuật sóng biển" để khái quát hóa các động thái gần đây của TQ ở biển Đông hơn. Trước mỗi cơn bão, sóng biển xô bờ với bước sóng ngày càng ngắn và cao độ ngày càng lớn hơn. Sóng xô vào rồi rút ra. Bạn nghĩ an toàn rồi, chịu được thì cơn sóng khác lại ập đến to hơn, cao hơn. Bạn vượt qua quen dần, không phòng bị cho đến khi cơn bão quật đến.

Năm 1992 khi VN có phản ứng vụ Crestone(*), TQ đã tạm dừng. Tới 1995, TQ quay sang Philippines ở Đá Vành Khăn. 1996 là vụ đường cơ sở ở Hoàng Sa. 1998, TQ đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá. Lo ngại dấy lên, các nước lên tiếng, TQ tạm thời dịu đi và ký DOC. Sau đó là Hiệp định khảo sát Trung - Phi (2004). Bị phản đối, họ lùi chấp nhận Thỏa thuận ba bên Trung - Phi - Việt (2005). Khi thỏa thuận này kết thúc 2008 thì 2009 TQ đưa đường lưỡi bò ra LHQ. Vừa qua là các vụ quấy nhiễu Philippines ở Bãi Cỏ Rong, cắt cáp tàu Bình Minh II và Viking 2 trên thềm lục địa VN. Khi bị phản đối dữ dội, Bản hướng dẫn thực thi DOC được ký nhưng sau đó lại là tàu sân bay và dàn khoan trên biển.

Mỗi lần TQ phô trương sức mạnh đều cố đạt một cái gì đó, tạo sự đã rồi và xoa dịu dư luận bằng một bước lùi nhẹ trước khi tiến một bước dài mới. Vì vậy, tình hình sẽ còn phức tạp nếu các nước ASEAN không đoàn kết, dư luận thế giới không đồng lòng ngăn chặn kịp thời các bước phiêu lưu đe dọa hòa bình ổn định ở biển Đông.

TQ từng đưa ra và hiện vẫn bảo lưu quan điểm gác tranh chấp cùng khai thác? Tuy nhiên quan điểm này dường như không được các bên liên quan đồng thuận. Xin ông phân tích, lý giải một vài vấn đề liên quan đến quan điểm này.

"Gác tranh chấp, cùng khai thác" được cho là sáng kiến của ông Đặng Tiểu Bình và lần đầu tiên được công khai năm 1991. Thực chất chủ trương đó là "Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác" nghĩa là chủ quyền trên biển Đông là thuộc TQ, hiện TQ chưa thu phục hết được thì tạm thời gác tranh chấp lại cùng nhau khai thác. Mô hình này cũng từng được áp dụng trong quan hệ Trung - Nhật ở biển Hoa Đông nhưng thất bại.

Một nhà nghiên cứu nước ngoài đã gọi chủ trương này là kiểu khai thác "vùng biển của TQ nằm trên thềm lục địa của nước khác", tức TQ chỉ chủ trương khai thác chung trên các vùng biển và thềm lục địa ven bờ thuộc chủ quyền của nước khác như Tư Chính, Bãi Cỏ Rong. Hoàng Sa cũng là khu vực tranh chấp nhưng TQ không bao giờ bàn tới "gác tranh chấp cùng khai thác" ở đây. Ngư dân VN vẫn bị bắt giữ xua đuổi ở ngay chính vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN.

"Gác tranh chấp, cùng khai thác" nhằm vào các khu vực gần bờ nước khác, lân cận với đường lưỡi bò là một cách để hiện thực hóa con đường này nếu chủ trương trên được chấp nhận. Điều đó lý giải vì sao các nước không thể chấp nhận. Hợp tác cùng phát triển là một giải pháp tạm thời có thể áp dụng ở những khu vực thực sự có tranh chấp, có phạm vi và cơ chế hợp tác rõ ràng, không ảnh hưởng tới vấn đề chủ quyền. Hợp tác cùng phát triển không phải là "gác tranh chấp, cùng khai thác".

Trong công trình nghiên cứu của mình, ông cũng đã nêu ra một số giải pháp cho vấn đề biển Đông. Đâu là yếu tố thuận lợi và thách thức cho việc biến các giải pháp này thành hiện thực?

Theo luật quốc tế, các bên có nhiều giải pháp giải quyết tranh chấp như đàm phán, trung gian, hòa giải, hợp tác cùng phát triển, tòa án quốc tế hay tòa án luật biển quốc tế hoặc bất kỳ một biện pháp nào khác mà các bên thỏa thuận. Cái chính là thiện chí của các bên tranh chấp. Muốn có thiện chí phải xây dựng được lòng tin.

Lập trường của VN được nêu từ năm 1995 là giữ nguyên trạng, không làm gì phức tạp thêm tình hình, đàm phán song phương với những vấn đề song phương, đàm phán đa phương với những tranh chấp liên quan đến nhiều bên, xây dựng COC như biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên tranh chấp, tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán. Lập trường này được rất nhiều nước và tổ chức quốc tế ủng hộ. Đó là những yếu tố thuận lợi để biến các giải pháp này thành hiện thực.

Bên cạnh đó có những thách thức như sự cạnh tranh Mỹ - Trung, đường lưỡi bò, chủ nghĩa dân tộc, cơ chế kiểm soát và kiềm chế xung đột còn lỏng lẻo, chưa có một văn bản pháp lý mang tính ràng buộc cao, khả năng sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực làm cho các giải pháp chưa thể có hiệu quả, đòi hỏi các bên phải nỗ lực hơn nữa.

Xin cảm ơn tiến sĩ! 


Bìa tác phẩm Việt Nam và các tranh chấp biển trong biển Đông 

Tác phẩm Việt Nam và các tranh chấp biển trong biển Đông mà Thanh Niên lược đăng thời gian qua được khởi đầu từ luận án tiến sĩ luật quốc tế "VN đối mặt với việc mở rộng biển trong biển Đông" được nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Thao bảo vệ năm 1996 tại trường ĐH Paris I Panthéon-Sorbonne. 

TS Nguyễn Hồng Thao nguyên là chiến sĩ hải quân, phục vụ trong Lữ đoàn 125 mà tiền thân là đoàn tàu không số trên biển Đông. "Những chuyến đi biển gắn bó với Trường Sa trong những năm tháng khó khăn, sự hy sinh của đồng đội, những tấm gương quả cảm của những anh em cùng đơn vị như thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, người đã lái tàu 501 thuộc Lữ đoàn 125 lao lên đá ngầm Gaven hy sinh tàu để bảo vệ đảo, bảo vệ đồng đội, những tình cảm mà Đô đốc Giáp Văn Cương không ngại tuổi già cùng chúng tôi ra đảo, sâu sát từng chiến sĩ và đồng bào, đồng chí đã dành cho chúng tôi, những người lính bảo vệ và vận tải tiếp tế cho Trường Sa... là nguồn động lực lớn để tôi hoàn thành luận văn này với hơn 1.000 trang", TS Nguyễn Hồng Thao tâm sự.

Nguyên Phong
(thực hiện)

(*)  Ngày 8.5.1992, TQ cho phép công ty Mỹ Crestone Energy Corp tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí trong một khu vực phía nam VN. Khu vực "được phép" này, bãi Vạn An Bắc - 21 nằm  ngay trên các bãi san hô Tư Chính của thềm lục địa VN thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu, cách đường cơ sở VN 84 hải lý, cách bờ biển VN 132 hải lý và cách đảo Hải Nam (TQ) tới 570 hải lý.

VN đã kịch liệt phản đối và khẳng định việc TQ nói rằng khu vực Tư Chính mà TQ gọi là "Vạn An Bắc" là "một bộ phận thuộc vùng biển quần đảo Nam Sa" và việc TQ ký kết hợp đồng thăm dò dầu khí ở khu vực này với Crestone là trái với nguyên tắc của luật pháp và tập quán quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.