Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đang diễn ra ở Bắc Kinh, học thuyết “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới” chính thức được xác lập. “Tư tưởng quan trọng này đại diện cho thành tựu mới nhất trong việc áp dụng Chủ nghĩa Marx đối với bối cảnh Trung Quốc và là một phần quan trọng của hệ thống các học thuyết chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, Tân Hoa xã dẫn lời Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Du Chính Thanh nhấn mạnh. Ngoài ra, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lưu Vân Sơn nhận định việc nâng “Tư tưởng Tập Cận Bình” thành nguyên tắc hướng dẫn của Đảng có ý nghĩa lớn về mặt thực tiễn, lý luận và chính trị.
Hiện chưa rõ học thuyết mới này có được đưa vào điều lệ Đảng tại đại hội lần này hay không, hoặc nếu có thì có giữ nguyên tên gọi nói trên hay không. Theo chương trình nghị sự của đại hội, dự kiến kết thúc vào ngày 24.10, các đại biểu sẽ thông qua dự thảo sửa đổi điều lệ Đảng. Trước đây, một số nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra học thuyết mang tính chỉ đạo đường lối và được đưa vào điều lệ Đảng, chẳng hạn thuyết “Ba đại diện” của ông Giang Trạch Dân hay học thuyết “Quan điểm phát triển khoa học” của ông Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, chỉ mới có “Tư tưởng Mao Trạch Đông” và “Lý luận Đặng Tiểu Bình” là gắn liền với danh tính của chủ nhân.
Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ vạch
ra biện pháp cải cách chính trị và kế hoạch phát triển trong 5 năm tới.
Phát biểu khai mạc đại hội hôm 18.10, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập “Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới”, nhấn mạnh tư tưởng này phát triển, làm phong phú Chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, thuyết “Ba đại diện” và học thuyết “Quan điểm phát triển khoa học”. Ngoài ra, ông tỏ rõ quyết tâm đẩy mạnh hoàn thiện nhà nước pháp quyền và mở rộng quyền tự chủ cho chính quyền cấp tỉnh trở xuống. Tân Văn xã dẫn lời Chủ tịch Tập nhấn mạnh cần “thúc đẩy lập pháp một cách khoa học, hành pháp nghiêm túc, tư pháp công bằng, tất cả tuân theo pháp luật”.
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, CPC được cho là đã tiến hành một số thể nghiệm theo hướng cởi mở hơn. Theo Nhân Dân nhật báo, hiện có 19 người không phải ủy viên hay ủy viên dự khuyết của Ban Chấp hành trung ương Đảng trở thành người đứng đầu một số tỉnh, thành phố, ngành. Trong đó, gây xôn xao nhất là ông Thái Kỳ hồi tháng 5 được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy thủ đô Bắc Kinh, vị trí theo thông lệ phải có ghế trong Bộ Chính trị, trong khi ông Thái thậm chí không phải ủy viên dự khuyết trung ương Đảng.
Bình luận (0)