Mỹ và nỗi lo gián điệp Trung Quốc

16/02/2008 23:31 GMT+7

Sự kiện nhà chức trách Mỹ bắt giữ bốn người bị cáo buộc hoạt động gián điệp cho Trung Quốc mới đây gợi lại không khí căng thẳng thời Chiến tranh lạnh.

Những mẻ lưới

Nếu như trong thời Chiến tranh lạnh, thế giới từng chứng kiến quan hệ căng thẳng giữa Liên Xô và Mỹ thông qua hàng loạt vụ án gián điệp, thì giờ đây, thế đối nghịch đó dường như đã thay đổi, với một bên là Mỹ, bên kia là Trung Quốc. Sự kiện Bộ Tư pháp Mỹ mới đây bắt giữ bốn người bị cáo buộc tuồn bí mật quốc gia cho Trung Quốc cho thấy phần nào điều đó.

Bốn người bị bắt nói trên thuộc hai vụ việc riêng rẽ, có thể được tóm tắt như sau: Ở vụ thứ nhất, FBI đã bắt giữ Gregg W.Bergersen, Tai Shen Kuo và Yu Xin Kang. Bergersen, 51 tuổi, bị cáo buộc đã chuyển tài liệu mật cho Tai Shen Kuo, một người Mỹ gốc Đài Loan. Hoạt động chuyển giao này được thực hiện thông qua sự môi giới của công dân Trung Quốc Yu Xin Kang. Là một nhà phân tích của Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc, Bergersen có điều kiện tiếp cận các thông tin “đặc biệt” và ông ta đã bị cáo buộc chuyển những thông tin về an ninh quốc gia Mỹ cho Kuo để Kuo chuyển về cho Chính phủ Trung Quốc. Cụ thể là thông tin về kế hoạch bán vũ khí và chuyển giao công nghệ của Mỹ cho Đài Loan trong năm năm tới. Cả ba người trên đều bị bắt và đã ra trình diện trước tòa. Ở vụ thứ hai, FBI đã bắt giữ Dongfan Chung, 72 tuổi, một cựu kỹ sư của các tập đoàn hàng không vũ trụ Rockwell International và Boeing. Chung có thâm niên làm việc trong các công ty trên trong vòng hơn 30 năm qua, đặc trách lĩnh vực tàu con thoi và các thiết bị không gian. Theo hồ sơ của Bộ Tư pháp Mỹ, ông Chung đã hợp tác với Trung Quốc từ năm 1979 và đã chuyển giao nhiều thông tin quan trọng về Bắc Kinh. Trong số đó có các thông tin về công nghệ chế tạo máy bay vận tải quân sự C-17, tên lửa đẩy Delta IV, máy bay ném bom B-1 và một số công nghệ về tàu con thoi. Đây quả là một thông tin chấn động nước Mỹ, trong thời buổi mà Trung Quốc càng lộ rõ tham vọng trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ và quốc phòng.

Hai vụ bắt giữ gần đây khiến giới chức Mỹ càng tin rằng Trung Quốc đang gia tăng hoạt động tình báo nhằm vào họ dù vào giữa tuần này, giới chức Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Mỹ dựng chuyện trong cái gọi là “các vụ án gián điệp” nói trên. “Chúng tôi nhận thấy điều này (sự tăng cường hoạt động gián điệp) trên tất cả các mặt trận”, phát ngôn viên Dean Boyd của Ủy ban An ninh quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ phát biểu với Tạp chí Time. Phụ họa cho lời phát biểu này là những số liệu cho thấy từ tháng 10.2006 đến nay, Bộ Tư pháp Mỹ đã giải quyết tới hơn 10 vụ “cấp cao” liên quan tới Trung Quốc, trong đó có tình báo công nghiệp và đánh cắp công nghệ quân sự.

Vào năm ngoái, vụ kỹ sư gốc Hoa Chi Mak đã khiến dư luận Mỹ xôn xao một thời gian dài. Là một kỹ sư tại Power Paragon, một cơ sở của Công ty công nghiệp quốc phòng L-3 Communications, Chi Mak bị buộc tội âm mưu tuồn thông tin bí mật về công nghệ động cơ đẩy trang bị cho hải quân sang Trung Quốc. Trước đó, vào năm 2005, lực lượng phản gián Mỹ cũng đã bắt giữ Moo Ko-Suen, một chuyên gia tư vấn về buôn bán vũ khí cho các tập đoàn Mỹ.

Động cơ máy bay F-16. Ảnh: USAF

Tạp chí điện tử Popular Mechanics dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra cho biết Moo đã lên kế hoạch mua động cơ F110-GE-129 của Tập đoàn General Electric vốn được sử dụng cho chiến đấu cơ F-16 và động cơ của trực thăng tấn công đa dụng UH-60 Black Hawk. Ngoài ra, Moo còn lên kế hoạch mua công nghệ tên lửa hành trình AGM-129A cùng một số loại tên lửa không đối không, không đối đất khác. Tất cả những thứ này, theo các quan chức phản gián Mỹ, đều có đích đến là Trung Quốc. Khi Moo chưa thực hiện được phi vụ của mình thì đã bị bắt.

Cuộc đua kịch liệt

Dưới góc nhìn của người Mỹ, sự gia tăng hoạt động gián điệp của Trung Quốc có trọng tâm phục vụ cho tham vọng chinh phục không gian và tăng cường sức mạnh quân sự của quốc gia châu Á. Chương trình đưa con người vào vũ trụ là một tham vọng, một quyết tâm khẳng định vị thế siêu cường của Bắc Kinh. Theo Tạp chí Time, hiện ngân sách cho chương trình không gian của Trung Quốc vào khoảng 2 tỉ USD mỗi năm, tương đương với Nhật Bản. Với sự đầu tư lớn như vậy, họ đã thu được những thành tựu nổi bật trong thời gian gần đây. Sau hai lần thành công với Thần Châu 5 và Thần Châu 6 (đưa ba nhà du hành vào không gian), Trung Quốc đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong cuộc đua ngoài trái đất. Vào tháng 1.2007, nước này một lần nữa khiến thế giới rùng mình khi bắn thử thành công tên lửa diệt vệ tinh.

Sau những thành công đó, Trung Quốc tiếp tục nâng cao tham vọng. Họ dự tính sẽ phóng tàu Thần Châu 7 chở theo ba phi hành gia và sẽ thực hiện đi bộ trong không gian vào tháng 10 năm nay. Sau đó, vào năm 2010, họ sẽ đưa lên không gian tàu Thần Châu 8 và đặt trong quỹ đạo tương tự như Trạm Hòa Bình của Liên Xô trước kia hoặc Trạm Không gian quốc tế (ISS) hiện nay. Cùng năm, tàu Thần Châu 9 sẽ bay lên và ghép vào với Thần Châu 8. Trong các năm tiếp sau đó, các dự án Thần Châu 10, 11, 12... sẽ lần lượt ra đời và thực hiện các sứ mệnh ngày một phức tạp hơn. Và đỉnh cao trong kế hoạch chinh phục không gian của Trung Quốc là đưa con người lên mặt trăng sớm nhất vào năm 2020.

Những gì đã đạt được và những dự định phía trước của Trung Quốc cho thấy nước này đang có tham vọng chạy đua với Mỹ trong lĩnh vực chinh phục không gian. Tuy nhiên, do đi sau người Mỹ hàng chục năm nên Trung Quốc hiện chưa thể sánh được với Mỹ trong lĩnh vực này. Từ thực tế đó, Washington cho rằng quốc gia châu Á đang nỗ lực tiếp cận các công nghệ vũ trụ của Mỹ để “rút ngắn thời gian” mà các vụ án gián điệp gần đây cho thấy phần nào điều đó.

Tạp chí Time còn dẫn lời các nhà phân tích Mỹ cho rằng không chỉ là vấn đề đua tranh vì lòng tự hào dân tộc, cuộc đua của người Trung Quốc trong lĩnh vực không gian cũng nhằm nâng cao sức mạnh quân sự. Vụ phóng thử tên lửa diệt vệ tinh vào năm 2007 và những tiết lộ của giới chức Trung Quốc cho thấy điều này. Theo Time, vào năm 2005, một quan chức quân sự Trung Quốc đã viết vào cuốn sách Gia nhập cuộc chiến không gian rằng việc “tung một cú đánh mạnh và đáng sợ” vào các vệ tinh “sẽ làm chấn động toàn bộ hệ thống của đối phương và sẽ gây ra những ảnh hưởng tâm lý to lớn đối với giới hoạch định chính sách của đối phương”. Theo Time, một “cú đánh” tương tự như vụ bắn thử tên lửa diệt vệ tinh vào đầu năm 2007 có thể giúp Trung Quốc làm tiêu hao sức mạnh vượt trội của các lực lượng Mỹ, vốn đặc biệt phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh. Điều này dường như phản ánh phần nào học thuyết quân sự của Trung Quốc.

Chính vì thế, theo Time, dù Trung Quốc hiện vẫn đứng sau Mỹ hàng chục năm trong lĩnh vực không gian nhưng giới chức Mỹ đang hết sức lo ngại rằng hoạt động gián điệp sẽ giúp quốc gia châu Á nhanh chóng tiến đến sát Mỹ hơn, đặc biệt là khi ở trên mặt đất.

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.