Đưa người trở lại mặt trăng
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hồi đầu tháng này đã tiết lộ một kế hoạch táo bạo là đưa con người trở lại mặt trăng vào năm 2020. Ngoài ra, NASA cũng dự kiến sẽ xây dựng một căn cứ thường trực trên mặt trăng mà từ đây có thể tiến hành các sứ mệnh thám hiểm xa hơn, mà cụ thể là chinh phục sao Hỏa. Kế hoạch này - nỗ lực chung của 14 cơ quan vũ trụ trên thế giới do NASA dẫn đầu - sẽ đưa con người trở lại "nơi trú ngụ" của chị Hằng lần đầu tiên kể từ sau chuyến du hành gần đây nhất của phi thuyền Apollo vào năm 1972.
Trong cuộc chinh phục mặt trăng lần này, các phi hành gia sẽ được trang bị nhiều cờ và bóng chơi golf hơn, kèm theo một loại xe đặc biệt chạy trên bề mặt mặt trăng. Họ cũng sẽ ở lại đây đến 6 tháng để nghiên cứu, tìm hiểu điều kiện sống trên mặt trăng và lên kế hoạch cho các sứ mệnh thăm dò sao Hỏa sau này. "Đầu tiên, chúng tôi sẽ khám phá mặt trăng, hoàn thiện khả năng sống ở nơi khắc nghiệt này và sau đó là lên sao Hỏa", M.Braukus - đại diện của NASA - cho biết. Trong giai đoạn đầu của kế hoạch, được xem là thời kỳ tiếp theo của thám hiểm vũ trụ sau khi các đội tàu con thoi "về hưu" vào năm 2010, robot sẽ được đưa lên tiếp cận phong cảnh mặt trăng để tìm các chỗ đáp cũng như khu vực cư trú tốt nhất.
Xây căn cứ trên mặt trăng
Từ nền tảng kể trên, vào năm 2020, phi hành đoàn 4 người được trang bị các phương tiện hiện đại để khám phá hành tinh này sẽ khởi động hàng loạt sứ mệnh kéo dài nhiều tuần để xây dựng căn cứ. Căn cứ sẽ có người ở thường trú vào năm 2024. Căn cứ này sẽ được dùng làm một trung tâm nghiên cứu khoa học và có thể là nơi thử nghiệm các công nghệ cần thiết cho các sứ mệnh thăm dò sao Hỏa trong tương lai. Nó sẽ được xây dựng trên một trong hai cực của mặt trăng, có thể là cực nam vì nơi này có những điều kiện thiết yếu cho sự sống như khí hậu ôn hòa, khí hydro, băng đá và nhiều nắng - cần để cung cấp năng lượng cho căn cứ.
Mục tiêu tiếp theo là NASA sẽ xây dựng một khu công nghiệp trên mặt trăng, có thể dùng năng lượng hạt nhân để hoạt động, nhằm sản xuất nhiên liệu cho rốc-két. "Như vậy, bạn sẽ không phải mất công chở nhiên liệu từ Trái đất", J.Logsdon, Giám đốc của Viện chính sách không gian tại Đại học George Washington, cho biết. Các sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa khó có thể tiến hành trước khoảng thời gian từ năm 2030-2040.
Chế tạo tàu vũ trụ mới
Nhằm phục vụ cho hành trình trở lại mặt trăng, NASA đang đóng khoang tàu mới mang tên Orion và dàn tên lửa mặt đất dùng để phóng Orion. NASA cũng sẽ chế tạo một loại xe chạy trên mặt trăng được điều áp để các phi hành gia lái quanh mặt trăng mà không phải mặc đồ phi hành gia cồng kềnh.
Đến nay, NASA đã tham khảo hơn 1.000 chuyên gia và cơ quan này đang kêu gọi các quốc gia khác tham gia dự án. Tuy nhiên, viễn cảnh thực hiện các chuyến bay thương mại đưa du khách lên mặt trăng vẫn còn rất xa vời, theo như lời giáo sư Logsdon. Hiện NASA chưa ấn định ngày để căn cứ nói trên đi vào hoạt động. NASA hy vọng sẽ không xin thêm ngân sách cho dự án mà tận dụng kinh phí đang được dùng để nuôi đội tàu con thoi sau khi chúng "về hưu" vào năm 2010. Năm ngoái, NASA cho biết chuyến bay đầu tiên trở lại mặt trăng sẽ tốn khoảng 100 tỉ USD. (Telegraph, Washington Post)
C.Y
Bình luận (0)