Vì sao ông Putin đề xuất cải cách hiến pháp Nga?

15/01/2020 23:50 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về đề xuất cải cách hiến pháp nhằm củng cố vai trò của quốc hội. Đây được cho là động thái nhằm giúp ông duy trì vị trí lãnh đạo.

Tổng thống Putin công bố đề xuất cải cách trong thông điệp liên bang trước các nhà lập pháp ngày 15.1, đồng thời nhấn mạnh quốc hội cần phải đóng một vai trò mạnh mẽ hơn trong việc điều hành đất nước.
"Tôi cho rằng cần phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về đề xuất cải cách hiến pháp", ông Putin nói nhưng không chỉ định ngày bỏ phiếu cụ thể. Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử Nga dự kiến cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức trong năm nay.
"Chúng tôi sẽ có thể xây dựng một nước Nga thịnh vượng, mạnh mẽ chỉ dựa trên cơ sở tôn trọng ý kiến nhân dân", tổng thống 68 tuổi nói.
Cải cách hiến pháp giúp quốc hội có quyền lựa chọn thủ tướng và các thành viên nội các cao cấp, thay vì tổng thống như trong hệ thống hiện tại. Quyền lực của các thống đốc khu vực sẽ được nâng cao và các nhà lập pháp sẽ được tư vấn về việc bổ nhiệm những quan chức hành pháp cấp cao.
Thủ tướng sẽ phải trình lên quốc hội để phê chuẩn các ứng cử viên cho phó thủ tướng và các bộ trưởng. "Tổng thống sẽ có nghĩa vụ bổ nhiệm và không được phép bác bỏ các ứng cử viên được quốc hội phê chuẩn”, ông Putin nói.
Bên cạnh đó, tổng thống sẽ được giữ nguyên gần như tất cả các quyền lực. "Nga phải là một nước cộng hòa vững mạnh theo hệ thống tổng thống", ông Putin nói.

[VIDEO] Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev từ chức

Động thái này diễn ra trước thềm cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2021, dấy lên thông tin đồn đoán về tương lai chính trị của ông Putin sau hơn 20 năm cầm quyền. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga chưa đưa ra bất kỳ gợi ý nào về kế hoạch sắp tới khi nhiệm kỳ lần 4 của ông tại Điện Kremlin kết thúc vào năm 2024.
Ông Putin lần đầu tiên trở thành Tổng thống sau khi ông Boris Yeltsin bất ngờ từ chức vào đêm giao thừa 1999. Kể từ đó, ông Putin đã điều hành đất nước, rồi giữ chức Thủ tướng khi đồng minh Dmitry Medvedev lên nắm quyền Tổng thống hồi 2008 trong nhiệm kỳ bốn năm. Ông Putin giữ chức Tổng thống kể từ năm 2012 và tái đắc cử nhiệm kỳ kéo dài 6 năm hồi 2018.
Từ năm 2012 trở đi, nhiệm kỳ Tổng thống Nga được kéo dài từ 4 lên 6 năm theo sửa đổi hiến pháp ban hành ngày 30.11.2008. Hiến pháp hiện hành cấm bất kỳ ai phục vụ hơn hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp.
Hiện ông Putin vẫn được nhiều người Nga ủng hộ vì có công giữ ổn định cho đất nước, ngay cả khi các nhà phê bình chỉ trích ông nắm giữ quyền lực quá lâu, theo Reuters.
Các nhà phê bình cho rằng ông Putin đang cân nhắc nhiều lựa chọn khác nhau để duy trì vị trí lãnh đạo, bao gồm cả việc chuyển quyền lực sang quốc hội và sau đó đảm nhận vai trò thủ tướng sau khi ông mãn nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2024.
Một lựa chọn khác từng được nhắc tới là người đứng đầu Hội đồng Nhà nước Liên bang Nga. Đây là cơ quan được trao thêm quyền lực theo đề xuất cải cách hiến pháp của ông Putin. Hội đồng này được thành lập theo một sắc lệnh của Tổng thống Putin ngày 1.9.2000.
Luật quốc tế và trong nước
Một trong những vấn đề quan trọng trong đề xuất cải cách hiến pháp của ông Putin là Nga chỉ nên tuân thủ luật pháp quốc tế nếu nó không mâu thuẫn với hiến pháp. “Được thông qua vào năm 1993, hiến pháp sẽ đóng vai trò là nguồn chính trong môi trường pháp lý của chúng ta”, ông Putin nói.
Yêu cầu khắt khe đối với các quan chức cấp cao
Đề xuất sửa đổi hiến pháp bao gồm các yêu cầu nghiêm ngặt đối với những người nắm giữ các vị trí quan trọng nhằm đảm bảo an ninh và chủ quyền, bao gồm thủ tướng, thành viên nội các, thống đốc, người đứng đầu các cơ quan liên bang, nghị sĩ và thẩm phán.
Tổng thống Putin đề xuất yêu cầu chặt chẽ hơn đối với các vị trí đứng đầu, từ ứng cử viên tổng thống trở xuống. Một trong số đó yêu cầu đó là cấm có quốc tịch nước ngoài hoặc giấy phép cư trú ở các quốc gia khác, ông Putin đề xuất. Bên cạnh đó, ứng viên tổng thống không được phép có quốc tịch nước ngoài và phải sống ở Nga ít nhất 25 năm (so với quy định hiện hành là 10).
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học
Phần lớn bài phát biểu kéo dài khoảng 70 phút tập trung vào những cam kết hỗ trợ cho các hộ gia đình. Ông Putin lưu ý Nga tiếp tục đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nan giải.
Nga đang hứng chịu tình trạng tỷ lệ sinh sụt giảm nghiêm trọng trong bối cảnh thế hệ trở thành cha mẹ là những người được sinh ra trong thập niên 1990. Trong thập niên này, tỷ lệ sinh cũng đã giảm mạnh do những bất ổn kinh tế kể từ khi Liên Xô tan rã.
"Số phận và triển vọng lịch sử của nước Nga phụ thuộc vào dân số", ông Putin nói, đồng thời thông báo các khoản thưởng bằng tiền mặt cho vợ chồng mới sinh con và mở rộng chương trình phúc lợi hỗ trợ nuôi con.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi Thủ tướng Dmitry Medvedev trước khi bước vào cuộc họp thông báo chính phủ từ nhiệm ngày 15.1

Reuters

Ngay sau khi Tổng thống Putin đề xuất cải cách hiến pháp, chính phủ Nga bất ngờ thông báo từ chức. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết các đề xuất cải cách hiến pháp sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể đối với cán cân quyền lực của đất nước và chính vì thế "chính phủ dưới hiện tại từ chức". "Chúng ta nên trao cho tổng thống khả năng thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để thực hiện các thay đổi. Tất cả các quyết định tiếp theo sẽ do tổng thống đưa ra”, ông Medvedev nói.
Tổng thống Putin đề xuất ông Medvedev giữ chứ vụ phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga. Sau đó, ông Putin đề cử ông Mikhail Mishustin, người đứng đầu Tổng cục thuế liên bang Nga, làm Thủ tướng và ký sắc lệnh giải tán chính phủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.