(TNO) Ở tuổi 70, thay vì được con cháu phụng dưỡng và chăm sóc, ông Zhang Guosheng ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) ngày qua ngày chăm sóc, giặt giũ, mang thức ăn đến tận giường cho một ông lão 81 tuổi sống cùng thôn. Đây là một mô hình “viện tự dưỡng lão” ở Trung Quốc, tức người cao tuổi tự chăm sóc cho người cao tuổi hơn.
“Sống ở đây tốt hơn là sống ở nhà một mình. Chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau và có chung một tiếng nói. Chúng tôi rất hạnh phúc khi sống tại đây”, Reuters dẫn lời ông Zhang, một vũ công sống tại "viện tự dưỡng lão" ở thôn Kiềm Truân, tỉnh Hà Bắc, cho biết.
“Ông anh này đã 81 tuổi, không thể đi lại được nữa. Bây giờ tôi đút cho ông ấy ăn, cho ông ấy uống thuốc… Mai này khi tôi nằm liệt giường, một người cao tuổi khác sẽ chăm sóc lại cho tôi”, ông Zhang cho Reuters biết.
Thôn Kiềm Truân buộc phải áp dụng mô hình “viện tự dưỡng lão” do những người trẻ trong thôn ồ ạt di cư đến các thành phố lớn để tìm việc làm, cộng với chính sách một con của Trung Quốc nên khi người trẻ đi rồi, không còn ai có thể chăm sóc cho người cao tuổi trong gia đình, theo Reuters.
Ông Cai Qingyang, Trưởng thôn Kiềm Truân - một cựu quân nhân, là người sáng lập ra “viện tự dưỡng lão” hồi năm 2008.
Theo Reuters, ông Cai đã biến một căn nhà bỏ hoang thành “viện tự dưỡng lão”, nơi có 11 căn phòng và hiện có 30 người cao tuổi sống chung tại đây, tự chăm sóc cho nhau, chia sẻ các bữa ăn, cùng nhau làm việc đồng áng và dọn dẹp trong nhà.
Chính phủ Trung Quốc đã đánh giá cao, chi tiền hỗ trợ (97,68 USD/năm/người cho những người cao tuổi ở thôn Kiềm Truân) và xem mô hình “viện tự dưỡng lão” ở thôn Kiềm Truân là một giải pháp "hiệu quả, ít tốn kém" cho bài toán chăm sóc người cao tuổi giữa lúc dân số người già ngày càng tăng ở nước này.
|
“Nhưng mô hình “viện tự dưỡng lão” ở thôn Kiềm Truân chỉ là một giải pháp tạm thời. Chính phủ cần phải có những biện pháp dài hạn, xây dựng thêm các viện dưỡng lão tại các khu vực vùng sâu vùng xa”, ông Cai cho Reuters biết, trong lúc xem những người cao tuổi tại “viện tự dưỡng lão” tập khiêu vũ dưới sự hướng dẫn của ông Zhang.
Reuters dẫn ước tính của Bộ Nội vụ Trung Quốc, cứ bốn người Trung Quốc thì có một người trên 60 tuổi vào năm 2030.
Làn sóng di cư từ nông thôn lên thành thị để tìm việc làm khiến cho nhiều khu vực nông thôn ở Trung Quốc vắng bóng người trẻ, ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc người cao tuổi, do đa số người cao tuổi Trung Quốc sống với khoản tiết kiệm cá nhân và dựa vào sự chăm sóc của con cháu là chính, theo Reuters.
“Đa số người trẻ di cư đến các thành phố lớn, để lại người cao tuổi hoặc con nhỏ ở quê. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc người cao tuổi hay viện dưỡng lão hầu như rất yếu và thậm chí không có tại nhiều khu vực nông thôn so với các khu đô thị lớn”, theo Reuters dẫn lời chuyên gia Wang Dewen thuộc Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại thủ đô Bắc Kinh.
Ngân sách dành cho phúc lợi xã hội để chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi trở thành gánh nặng lớn đối với chính quyền Trung Quốc khi dân số người cao tuổi ngày càng tăng, buộc Bắc Kinh phải tìm nhiều giải pháp hiệu quả và sáng tạo chăm lo cho người già.
Theo Reuters, Bắc Kinh dự tính mở rộng mô hình “viện tự dưỡng lão” tại thôn Kiềm Truân sang các khu vực khác, với ngân sách 3 tỉ nhân dân tệ (490 triệu USD) trong vòng ba năm tới, và hiện một số khu vực nông thôn Trung Quốc đang áp dụng mô hình này.
Phúc Duy
>> Thăm các nghệ sĩ ở Viện dưỡng lão
>> Cháy viện dưỡng lão ở Úc, 3 người chết, 50 người bị thương
>> Về viện dưỡng lão được tổ độ
>> Vào viện dưỡng lão vẫn còn... chạy sô
>> Nhà tù hay viện dưỡng lão?
>> Viện dưỡng lão dành riêng cho các cụ già Việt Nam ở Adelaide
Bình luận (0)