Bê bối tài chính tại Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình: Ai đã xé rào?

19/02/2019 09:33 GMT+7

Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (gọi tắt là khu liên hợp) sẽ phải giải trình nhiều vụ việc liên quan tài chính trong quá trình cho thuê đất cũng như mua sắm trang thiết bị đã gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng của nhà nước.

Trong bài Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ những bê bối của Khu liên hợp Mỹ Đình đăng trên Thanh Niên ngày 18.2, chúng tôi đã trích dẫn một loạt vụ việc nổi cộm trong quá trình cho thuê đất của Khu liên hợp Mỹ Đình dưới thời Giám đốc Cấn Văn Nghĩa. Trong đó, công tác quản lý các khoản công nợ phải thu chưa được quan tâm đúng mức, một số khoản công nợ phát sinh trên 3 năm, phải thu khó đòi nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trong nhiều năm liền khu liên hợp không chỉ cho thuê đất khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ VH-TT-DL, Bộ Tài chính, không tiến hành đấu giá và công khai mức giá - theo như kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố ngày 7.1, mà còn có dấu hiệu làm sai nguyên tắc trong sử dụng tài chính công, tài sản công. Cụ thể, một số doanh nghiệp (DN) đã ký hợp đồng thuê đất của Khu liên hợp Mỹ Đình, sau đó chỉ đưa vào sử dụng một phần diện tích, phần còn lại, DN lại tiếp tục cho đơn vị khác thuê. Hằng năm, Bộ VH-TT-DL có được lãnh đạo khu liên hợp báo cáo trung thực về sự “chuyển nhượng” trái phép này hay không?
Đáng lưu ý hơn, khu liên hợp đã cho thuê đất với giá rất rẻ, thậm chí rẻ hơn giá thị trường đến cả chục lần. Một số DN (đề nghị không nêu tên) chia sẻ, họ ký hợp đồng từ năm 2011 - 2017 để thuê 27.000 m2 với giá 18.000 đồng/m2, trong khi trên thực tế giá thị trường vào khoảng 100.000 đồng/m2.
Theo số liệu trong báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường về công tác quản lý, hiện trạng sử dụng đất và số tiền thuê đất tạm tính tại khu liên hợp thể thao quốc gia, năm 2017 tổng diện tích đất được quy hoạch tại khu liên hợp khoảng 170,55 ha. Trong đó, khu liên hợp được giao trực tiếp và quản lý đất đã đền bù giải phóng mặt bằng, đã đầu tư xây dựng công trình với diện tích khoảng 67,374 ha; đất đã đền bù giải phóng mặt bằng, đang chờ thực hiện dự án theo quyết định có diện tích khoảng 22,57 ha.
Chưa có con số cuối cùng về phần diện tích cụ thể mà khu liên hợp đã ký hợp đồng nhưng với số tiền cho thuê thấp, không tham khảo ý kiến Bộ Tài chính khi mức cho thuê quá chênh lệch so với giá thị trường như vừa nêu ở trên, câu hỏi đặt ra là vì sao lãnh đạo khu liên hợp lại tự ý “xé rào” để dễ dàng cho thuê với giá “bèo”, làm thất thoát cả trăm tỉ đồng của nhà nước?
Hơn nữa, việc không công khai mức giá, vậy có cá nhân nào của khu liên hợp được hưởng lợi hay không? Liệu việc cho thuê như cho không này có được “lại quả” vào túi riêng của lãnh đạo khu liên hợp? Những câu hỏi này cần được lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT và khu liên hợp phải có trách nhiệm làm sáng tỏ trước KTNN và trả lời sớm, rõ ràng trước công luận và người dân cả nước. 
Ngoài việc yêu cầu khu liên hợp phải minh bạch trong việc cho thuê đất, KTNN cũng đề nghị, hằng năm đơn vị này phải xây dựng kế hoạch mua sắm thiết bị, vật tư thông qua tổ chức đấu thầu. Theo một chuyên gia về tài chính, yêu cầu này của KTNN nhằm tránh tình trạng tham nhũng có thể xảy ra trong thời gian qua. Một vấn đề gây lo lắng và bất an là nhiều khả năng, một số kiến nghị mà KTNN đặt ra khó có thể thực hiện. Ví dụ như khoản truy thu đối với một số DN nợ tiền thuê đất vì các DN đã thanh lý hợp đồng với khu liên hợp. Con số này không hề nhỏ. Như vậy, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm cuối cùng?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.