Từ vòng loại U.23 châu Á đến giấc mơ vàng SEA Games: Niềm tin và hy vọng!

28/03/2019 08:38 GMT+7

‘Triều đại’ Park Hang-seo đã được khởi đầu với chiến tích huy hoàng tại VCK U.23 châu Á năm 2018. Chưa bao giờ, cảm xúc tự hào với bóng đá nước nhà lại dâng cao đến thế, bởi đấy là sân chơi cấp châu lục, nơi các thế hệ đàn anh của họ chỉ quen với vòng đấu loại và những trận thua sấp mặt trước mọi đối thủ lớn.

Sau giải đấu ấy, người hâm mộ bóng đá nước nhà đã dấy lên hy vọng về ngôi vô địch AFF Cup, sau vừa tròn 10 năm chờ đợi. Thầy Park hiểu điểu đó hơn ai hết. Và ông – với vai trò “thuyền trưởng” – đã cùng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xác lập một hành trình để hiện thực hóa giấc mơ vàng ấy.
[VIDEO] HLV CỦA U.19 THÁI LAN NGƯỠNG MỘ U.23 VIỆT NAM
Đặc biệt, ông Park đã cùng các cộng sự khéo léo lèo lái “con thuyền” đội tuyển vượt qua những “ghềnh thác thử thách”, đặc biệt tại Asiad 18 để qua đó hun đúc thêm bản lĩnh trận mạc cho nòng cốt của đội tuyển Việt Nam tham dự đấu trường AFF Suzuki Cup vào cuối năm, và thành công.

tin liên quan

'Đội U.23 Thái Lan không có những cá nhân kiệt xuất'
HLV Park Hang-seo được khán giả yêu quý, ‘phiên’ tên ông thành Park Hang-son còn hai nhân vật Vũ Quang Huy – Ngô Quang Tùng được coi là bộ đôi bình luận viên cũng rất son vì cả 3 trận ngồi cabin, U.23 Việt Nam thắng cả ba.
Vâng, chưa bao giờ, bóng đá Việt Nam lại có một năm với nhiều kỳ tích rực rỡ như vậy. Vậy nên, tuyệt nhiên chẳng còn ai nghi ngờ về cái “duyên” của ông thầy đến từ xứ sở kim chi với bóng đá nước nhà được nữa.
Từ niềm tin và cái “duyên” ấy, niềm hy vọng về tấm HCV SEA Games – sau 60 năm đằng đẵng chờ đợi đã xuất hiện, không một chút mơ hồ.
Hà Đức Chinh với pha "xỏ lỗ kim" để đời Độc Lập
Chưa bao giờ, lãnh đạo của ngành thể thao lại mạnh dạn như thế khi xác lập chỉ tiêu “giành HCV” cho đội tuyển tại đấu trường này. Bao nhiêu lần hy vọng để rồi thất vọng rồi, mới 2 năm trước thôi, đội còn không qua nổi vòng đấu bảng cơ mà?! Ấy thế mà lần này, đích thân Bộ trưởng và Tổng cục trưởng tự tin phát biểu về mục tiêu “giành vàng”!
[VIDEO] HLV PARK KHEN NGỢI CÁC HỌC TRÒ
Vâng, vẫn là thầy Park hiểu rõ nỗi khát khao của người hâm mộ bóng đá nước nhà đối với đấu trường SEA Games lớn thế nào. Và cũng chính ông chứ không phải ai khác cần tìm ra một con đường, một cách thức nào đó để hướng tới chỉ tiêu ấy, bắt đầu với thành phần tham dự Vòng loại U.23 châu Á vừa qua.
Những chiến binh quả cảm Độc Lập
Trước công luận, ông thành thực nói về thách thức mình đang phải đối mặt, khi lứa U.22 này dù có thể hình tốt hơn, nhưng lại thiếu kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao hơn so với lứa trước. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc giới mộ điệu bóng đá nước nhà chớ vội lấy những thành công trong năm 2018 để mặc định về cơ hội giành “vàng” ở SEA Games 30.
Nhưng ngẫm kỹ thì có thể hiểu: Ông nói thế, chủ yếu là để các học trò của ông (cũng như công luận) không rơi vào “ảo tưởng sức mạnh” – một điều tối kỵ trong bóng đá, cũng một phần để giảm nhẹ sức ép tâm lý đối với họ trên hành trình chuẩn bị cho giải đấu. Tự ông hiểu rõ “chất bột” trong tay mình đến đâu, và cần làm gì tốt nhất có thể.

Bài học từ U.23 Thái Lan

Sự thật là, chính U.23 Thái Lan đã cho ta một bài học quý về cái sự “ảo tưởng sức mạnh” ấy. Họ được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bởi là chủ nhà của VCK châu Á năm sau. Họ đã thể hiện thực lực sau những chiến thắng 4-0 trước Indonesia và 8-0 trước Brunei, trong khi họ nhận thấy U.23 Việt Nam bây giờ có vẻ không đáng gờm như hồi năm ngoái (chỉ thắng chật vật 1-0 trước Indo mà thôi)...
Và thế là, họ đã nhập cuộc với tâm lý của “kẻ bề trên”, các cầu thủ cũng có phần... lỏng chân, và đấu pháp cũng như thể dễ dàng “ăn sống, nuốt tươi” đội chủ nhà. Nhưng họ đã nhầm. Đánh giá thấp đối thủ, rồi ngỡ ngàng khi gặp khó khăn và bị dẫn trước, nhiều cầu thủ Thái Lan mau chóng rơi vào trạng thái tâm lý hoang mang, nóng nảy, rồi thế trận hoàn toàn sụp đổ sau khi bị thủng lưới lần thứ 2, cộng thêm chiếc thẻ đỏ dành cho “Dangda” mới (Supachai Jaided).
Không có chiều cao vượt trội nhưng Đình Trọng vẫn thắng đối thủ Thái Lan Độc Lập
Tới đây thiết tưởng cần phân định rõ ràng: Trong bóng đá, sự sụp đổ về tâm lý có thể là nguyên nhân chính dẫn tới “thất bại toàn tập” về chuyên môn. Từ 1-2 bàn thua sớm mà không giữ được kỷ luật đấu pháp thì có thể thành thua 4-5, hay thậm chí 7 bàn như một đội bóng đẳng cấp hàng đầu thế giới – tuyển Brazil – từng vấp phải (trong trận bán kết với tuyển Đức) hồi World Cup 2014.
Và điều ấy cũng có nghĩa, trận thắng 4-0 của U.23 Việt Nam trước Thái Lan tuy vô cùng đáng khen, nhờ đấu pháp hợp lý, tâm lý thi đấu tuyệt vời và sự sắc sảo trong những ngón đòn quyết định, thì cũng không đồng nghĩa với việc U.23 Việt Nam mạnh hơn so với đối thủ một cách rõ rệt!
Thái Lan chắc chắn đã vô cùng thấm thía bài học từ trận thua ấy, để rồi họ có thể “cảnh giác cao độ” hơn khi gặp Việt Nam sau này.
Sắc đỏ cuồng nhiệt... Độc Lập
SEA Games 30 có thể chính là dịp gần nhất để Thái Lan mong muốn đòi lại “món nợ” của ngày định mệnh: 26.3.2019. Đừng quên cũng chính thành phần này sẽ đóng vai trò chủ nhà của VCK U.23 châu Á vào năm tới, nên người Thái sẽ có cách để vực dậy tinh thần, siết lại đội ngũ và tiếp tục trở thành một đối thủ nguy hiểm nhất của Việt Nam trên hành trình hướng tới “giấc mơ vàng” SEA Games 30.
Chúng ta đã tìm lại niềm tin và dạt dào hy vọng, nhưng tuyệt đối không nên ảo tưởng. Lứa trẻ này vẫn rất cần được rèn giũa nhiều hơn, đặc biệt là những tuyển thủ còn ít được thi đấu tại đấu trường V-League. Và đội U.22 + 2 của chúng ta cũng rất cần một kế hoạch chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nhất trước khi bước vào SEA Games.
Sự thành hay bại sau đây hơn 8 tháng bắt đầu ngay từ bây giờ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.