IOC đối mặt cuộc khủng hoảng 'tự trị'

31/08/2016 08:49 GMT+7

Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới đang rình rập sau khi một số thành viên bị chính phủ giải tán để đòi “tự trị” bên cạnh nhiều bê bối ở Olympic năm nay.

Reuters hôm qua cho hay IOC đã khởi động cuộc điều tra về việc Ủy ban Olympic Kenya (NOCK) bị chính phủ nước này giải tán ngay sau khi Olympic 2016 kết thúc. Trong vụ việc này, Tổng thư ký NOCK Francis Paul và 2 thành viên quản lý đoàn thể thao Kenya ở Olympic 2016 gồm James Chacha, Stephen Arap Soi vừa bị bắt giữ và hầu tòa ngay khi trở về nước. Bên cạnh đó, cảnh sát Kenya cũng triệu tập 8 quan chức khác để điều tra khẩn cấp làm rõ các bê bối nghiêm trọng của NOCK. Bộ trưởng Thể thao Kenya Hassan Wario cho biết nguyên nhân bắt giữ các quan chức và giải tán NOCK bắt nguồn từ cáo buộc tham nhũng và quản lý yếu kém.
Mới đây nhất tại Olympic 2016, ngoài việc trục xuất một HLV khỏi sự kiện do mạo danh VĐV để xét nghiệm doping, NOCK còn bộc lộ sự lũng đoạn tài chính và tư lợi cá nhân trong việc lựa chọn VĐV điền kinh tham gia tranh tài Thế vận hội năm nay. Vì vậy, dù là quốc gia châu Phi đoạt nhiều huy chương nhất ở Rio de Janeiro vừa qua (6 HCV, 6 HCB, 1 HCĐ ở môn điền kinh), nhưng các VĐV Kenya đều phải trải qua chế độ ăn nghỉ tệ hại sau khi rời làng VĐV và phải lay lắt ở Brazil nhiều ngày để chờ các chuyến bay giá rẻ trở về nước.
“IOC đang theo sát tình hình và không chấp nhận bất kỳ hành động hoặc can thiệp nào từ chính phủ Kenya”, Reuters dẫn một tuyên bố từ IOC.
Francis Paul (trái) và Stephen Arap Soi, 2 trong số 3 quan chức NOCK bị bắt sau Olympic 2016
Chưa dừng lại đó, hôm qua cơ quan đứng đầu thể thao thế giới tiếp tục đau đầu khi chính phủ Kuwait lệnh cho cảnh sát kiểm soát và quản lý tạm thời trụ sở Ủy ban Olympic và LĐBĐ quốc gia. Động thái này được thực hiện sau khi chính phủ của quốc gia vùng vịnh lật đổ người đứng đầu của 2 tổ chức trên là Sheikh Talal Fahad Al-Sabah vì “vi phạm tài chính và quy tắc tổ chức”. Quan chức này vốn là anh em với ông Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah - Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á và thành viên Hội đồng phán quyết của FIFA. Trước đó, hàng loạt bê bối trong tranh chấp quyền lực thể thao đã khiến Kuwait bị cấm tham gia các sự kiện thể thao thế giới, trong đó có Olympic 2016 và vòng loại World Cup 2018.
Nguy cơ IOC đối mặt cuộc khủng hoảng “tự trị” càng gia tăng sau khi Nga tiếp tục bị loại khỏi Paralympic mùa đông 2018 (diễn ra tại Pyeongchang, Hàn Quốc) do bê bối “bảo trợ” doping. Vì vậy, theo báo giới quốc tế, với việc hơn 100 VĐV bị cấm tham dự Olympic 2016, không loại trừ khả năng chính phủ Nga sẽ mạnh tay can thiệp tách khỏi IOC lẫn Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) nếu bất thành trong việc đảo ngược án phạt ở Tòa án tối cao tại Thụy Sĩ.
Ngoài các sự cố bất ổn và “đấu đá” tại các ủy ban thành viên, IOC cũng đang gặp rắc rối sau khi Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Âu và Ireland Patrick Hickey bị cảnh sát Brazil bắt giữ ở Rio de Janeiro do dính đến nghi án nâng giá cắt cổ bán ra khoảng 1.000 vé xem Olympic 2016 bất hợp pháp. Vị quan chức này vừa được tại ngoại vào hôm qua do vấn đề sức khỏe, nhưng bị quản thúc tại Brazil để chờ kết quả điều tra.
Ở diễn biến khác, Ủy ban Olympic Úc (AOC) vừa tiến hành cuộc điều tra nội bộ về cáo buộc hơn 80 VĐV giả mạo vé để có được chỗ ngồi tốt hơn xem trận bán kết bóng rổ giữa Úc và Serbia tại Olympic 2016. Động thái này bắt nguồn từ vụ 9 VĐV của Úc bị bắt giữ tại Rio de Janeiro vì vấn đề tương tự buộc AOC phải đóng phạt khoảng 38.000 USD để VĐV về nước. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.