Thiếu nhi vào nghị trường để đưa ra giải pháp bảo vệ mình

Vũ Thơ
Vũ Thơ
10/09/2023 10:00 GMT+7

Hôm nay (10.9), tại Hà Nội diễn ra Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em". Bày tỏ với Thanh Niên, các đại biểu Quốc hội giả định đã nói lên mong muốn của mình và những giải pháp trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực học đường.

LÀM TRONG SẠCH MẠNG XÃ HỘI

Em Võ Lê Thục Anh, học sinh lớp 9, Trường THCS Tây Sơn, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng, cho biết rất vinh dự khi được tham gia làm đại biểu nòng cốt điều hành phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" và càng cảm thấy được vai trò và trách nhiệm của mình.

Thiếu nhi vào nghị trường để đưa ra giải pháp bảo vệ mình  - Ảnh 1.

Đại biểu thiếu nhi tham gia thảo luận tổ tại Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất, năm 2023

Ngọc Thắng

"Em thấy cần phải bao quát và nói lên được những tiếng nói, khúc mắc của các bạn thiếu nhi ở khu vực mình sinh sống. Em đã đi khảo sát trường, lớp học của em và ở những quận khác. Em đã tổng hợp được những ý kiến để trình lên Quốc hội giả định và mong muốn rằng có thể góp phần vào việc phát triển một cách toàn diện cho trẻ em ở khắp đất nước", Thục Anh chia sẻ.

Theo Thục Anh, chủ đề "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" được thảo luận ở phiên họp này là một vấn đề rất nóng thời gian gần đây. "Trên mạng lan truyền những thông tin xấu, độc rất nhanh và cũng rất rộng, nên việc các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý rất khó khăn. Vì vậy, nhà trường và gia đình cũng cần phải có vai trò trong việc giáo dục cho trẻ em để phòng tránh những rủi ro trên không gian mạng", Thục Anh nói.

Cũng băn khoăn trước các vấn đề trẻ em bị ảnh hưởng bởi môi trường mạng, em Nguyễn Hoàng Thắng, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM, cho rằng trong xã hội ngày càng phát triển, thì trẻ em tiếp cận với công nghệ là chuyện đương nhiên. "Nhưng làm sao để việc tiếp cận của trẻ em với công nghệ được an toàn. Khi các bạn lên mạng xã hội sẽ giúp ích trong học tập nhưng lại bị tác động xấu từ những thông tin xấu, độc. Vì vậy, cần làm trong sạch mạng xã hội để các bạn được tiếp cận với thông tin lành mạnh", Hoàng Thắng đề xuất.

ĐƯA KỸ NĂNG VÀO CHƯƠNG TRÌNH HỌC

Là tổ trưởng trong một tổ thảo luận của phiên họp giả định, em Bùi Thị Quỳnh Chi, học sinh lớp 9C, Trường THCS Hoàng Xuân Hãn, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh, cho biết em muốn đưa ra giải pháp tăng cường vai trò của nhà trường trong phòng chống bạo lực trẻ em.

"Theo em, nhà trường có vai trò rất lớn trong phòng, chống bạo lực trẻ em, nhưng một số trường chưa thực sự đẩy mạnh vai trò này. Việc tuyên truyền hiện nay có những bài diễn thuyết rất dài, khiến trẻ em cảm thấy nhàm chán. Vì vậy, em mong các nhà trường hãy thay đổi cách tuyên truyền, bằng cách cho học sinh trải nghiệm và tự viết bài thu hoạch thì sẽ hiệu quả hơn", Quỳnh Chi bày tỏ.

Ngày 9.9, tại Hà Nội đã diễn ra các hoạt động của Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, năm 2023, do T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức. Tham gia chương trình có chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng ban tổ chức; 326 đại biểu, gồm: 263 đại biểu thiếu nhi và 63 đại biểu phụ trách. Các đại biểu đã vào Lăng viếng Bác; tham quan, trải nghiệm ở tòa nhà và Bảo tàng Quốc hội. Đồng thời các đại biểu thiếu nhi đã thảo luận tổ về 2 chủ đề được đưa ra tại phiên toàn thể phiên họp giả định, do trẻ em điều hành, gồm: "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" và "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em".

Đóng vai trò chủ chốt trong phiên họp này, em Đặng Cát Tiên, học sinh lớp 9/3, Trường THCS Thái Nguyên, Khánh Hòa, cho rằng Bộ GD-ĐT cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về an toàn trực tuyến cho trẻ em. Theo Cát Tiên, cần tích hợp chương trình giảng dạy về an toàn trực tuyến vào giáo trình học đường để tạo ra một thế hệ trẻ thông thái, tự tin và biết sử dụng mạng an toàn.

"Cần có các chính sách, quy định rõ ràng tiêu chuẩn nội dung với từng lứa tuổi, cũng như áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm để không khoan nhượng đối với việc xâm hại trẻ em trên mạng", Cát Tiên đề xuất.

Còn em Lê Quang Vinh, học sinh lớp 9E3, Trường THCS Cửu Long, H.Lương Sơn, Hòa Bình, cũng cho rằng Bộ GD- ĐT

cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để lồng ghép vào chương trình học, đặc biệt là môn tin học, các kỹ năng để trẻ em có đủ kiến thức tự bảo vệ mình trên môi trường mạng và biết kiểm soát thông tin cá nhân. "Em mong muốn thông qua phiên họp này sẽ lan tỏa đến trẻ em cả nước về việc cần nói lên ý kiến của mình. Nếu nói được, thì mọi việc sẽ được giải quyết, vì chúng ta hiểu chúng ta nhất", Vinh bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.