Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?

Thoại kịch Kim Cương 'trấn rạp'

Lê Vân
Lê Vân
17/08/2023 07:24 GMT+7

Nếu những năm đầu thập niên 1960 - 1970, cải lương làm mưa làm gió ở các rạp hát Sài Gòn thì sau năm 1970, cùng với điện ảnh, thoại kịch - một trường phái do "kỳ nữ" Kim Cương khởi sự lại gây sốt vé ở bất kể rạp nào đoàn dừng chân.

Gia đình "kỳ nữ" bốn đời làm nghệ thuật

"Khổng Tử nói: Làm một thầy thuốc dở, chết một mạng người. Làm một người lãnh đạo dở, chết một nước. Làm một người văn hóa dở, chết cả một thế hệ. May mắn, Kim Cương sinh ra trong một gia đình bốn đời từ ngành này: ông cố, bà cố làm chủ gánh hát bội, hát tuồng, đến thế hệ ba má tôi là ông Phước Cương, má Năm Phỉ, má Bảy Nam chuyển qua cải lương rồi tới tôi. Vì vậy mà dù trải qua nhiều biến động, Kim Cương vẫn luôn một lòng với sân khấu", NSND Kim Cương tự bạch.

Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?: Thoại kịch Kim Cương 'trấn rạp' - Ảnh 1.

NSND Bảy Nam và Kim Cương lúc bé

Tư liệu

Trong cuốn hồi ký Trôi theo dòng đời, NSND Bảy Nam - mẹ của Kim Cương - nói về những ngày đầu khốn khó khi mới lập gánh hát cải lương: "Lúc đó rạp ở Sài Gòn rất khan hiếm. Sau chợ Sài Gòn có cái rạp Modern, thiết kế như cái chèn lúa dài thòng. Hồi đó chưa có micro, đào kép rống muốn chết, khan cả cổ. Còn rạp Thành Xương thì nhỏ tí teo vậy mà không dễ gì mướn được. Một số nơi sửa lại đình chùa để làm rạp hát như Đakao có Asam, ở Chợ Lớn có rạp Majestic… May có ông nhà giàu tên Nguyễn Văn Hảo ra tiền xây rạp mang tên ông ở đường Trần Hưng Đạo bây giờ". Ba tháng sau, gánh hát đầu tiên của bà Năm Phỉ có tên Tam Phụng gồm 3 nghệ sĩ gạo cội Năm Phỉ, Bảy Nam, Mười Truyền của ngành cải lương đã khai trương ở rạp hát "hàng không mẫu hạm" Nguyễn Văn Hảo với những suất diễn đầu tiên.

NSND Kim Cương nhớ lại: "Rạp Nguyễn Văn Hảo cũng là nơi tôi diễn vở đầu tiên khi vào nghề. Hồi đó có 2 rạp hát lớn nhất là Nguyễn Văn Hảo và Quốc Thanh. Huy hoàng đến mức nuôi sống được dân bán vé chợ đen, thành một cái nghề hẳn hoi. Cải lương nuôi sống mấy anh em chợ đen bao nhiêu năm trời". Vậy mà khi đang ở đỉnh cao, "kỳ nữ" Kim Cương đã quyết định lập đoàn thoại kịch Kim Cương và Công ty điện ảnh Kim Cương sau đó.

Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?: Thoại kịch Kim Cương 'trấn rạp' - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Kim Cương (hàng trên, bìa phải) trong poster phim chiếu rạp trước năm 1975

Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp

Còn khán giả là còn tất cả

Sài Gòn đầu thập niên 1960 không có kịch nói dài, đất diễn của kịch nói là ở Hà Nội. "Cũng như cải lương buổi đầu phát triển phải ca vọng cổ, hát ở các đám tiệc, lần lần cải lương mới lên. Tới thời của Kim Cương, kịch nói bắt đầu bằng kịch ngắn, phụ diễn cho các rạp chớp bóng. Kim Cương hát cải lương, họ mời đi làm kịch ngắn, kịch hài ở rạp Nam Việt, rạp Hòa Bình. Lúc ấy, Kim Cương nghĩ phải làm cái gì đóng góp cho cuộc đời, chứ không phải để mua vui. Vì vậy từ năm 1956, tôi quyết định giã từ sân khấu cải lương để chuyển qua thoại kịch", NSND Kim Cương thổ lộ.

Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?: Thoại kịch Kim Cương 'trấn rạp' - Ảnh 3.

NSND Kim Cương vẫn trăn trở với nghệ thuật sân khấu

Ngọc Dương

Tuần lễ đầu tiên đoàn thoại kịch Kim Cương khai trương rạp Thanh Bình, sau đổi tên là rạp Quốc Tế, đường Phạm Ngũ Lão, Q.1. "Vì còn mới nên dù ông chủ thương nhưng cũng thu tiền đủ 7 suất để thuê rạp. Lúc đó làm gì có tiền để trả hết 7 đêm, tôi về mượn đồ nữ trang của má bán hết trơn, lên chồng tiền cọc. Vở diễn đầu tiên có tên Tôi là mẹ diễn liên tục 7 đêm ở rạp Thanh Bình thành công ngoài sức tưởng tượng", nghệ sĩ Kim Cương nhớ lại. Đoàn kịch Kim Cương tiếp đó đã có được vị trí trong lòng khán giả mộ điệu với các vở diễn: Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ… "rặt Nam bộ".

Tuy vậy, trước năm 1975, đoàn Kim Cương không diễn thường xuyên ở các rạp mà thường có trong các chương trình đại nhạc hội. Bà kể: "Phải nhìn nhận là sau năm 1975, miền Nam mới có sân khấu kịch dài hoạt động hằng đêm. Có thể nói đây là thời huy hoàng của sân khấu kịch. Đêm nào chúng tôi cũng có suất diễn, ngày lễ, tết chúng tôi diễn 3 suất/ngày. Những vở ăn khách hầu hết các rạp hồi đó như: Bông hồng cài áo, Lá sầu riêng, Huyền thoại mẹ, Hai màu áo…".

Thoại kịch Kim Cương 'trấn rạp' - Ảnh 4.

Kim Cương lúc còn nổi danh với cải lương

Tư liệu

Nhìn lại một chặng đường gắn đời mình với nghiệp sân khấu, nghệ sĩ Kim Cương dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn luôn đau đáu với môn nghệ thuật này. Bà kể về cái chết đột ngột của người cha là ông bầu Phước Cương ở một rạp hát miền Trung, rồi má Năm Phỉ - người mẹ thứ hai của bà cũng ra đi khi đang đi xem hát ở rạp Nam Quang. Nghệ sĩ Kim Cương bộc bạch: "Đời nghệ sĩ bên cạnh hào quang là sự cô đơn. Nhưng chỉ cần nhìn thấy sân khấu sáng đèn, thấy khán giả yêu thương, ào ạt đi mua vé coi mình diễn thì lại được tiếp thêm "lửa nghề". Sân khấu không chết đâu, chỉ cần còn nghệ sĩ, còn khán giả, còn rạp hát là còn tất cả". (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.