Lần đầu tiên người VN được chứng kiến cảnh tượng biển của mình đang chết, sinh kế của ngư dân nghèo bám biển ven bờ không còn, không dám ăn thủy sản đánh bắt được, bãi biển vẫn còn đó mà không dám tắm... Cảnh tượng cực đoan cũng đã dẫn tới những khủng hoảng nhất định trong tư duy của người dân, truyền thông và quản lý.
Chúng ta cần nhìn từ góc độ quản lý phát triển để quản lý sự đánh đổi sao cho thiệt hại về xã hội và môi trường trong phạm vi đã được dự tính. Nói cách khác, hệ thống quản lý phải lượng tính được những thiệt hại trong trường hợp các nhà đầu tư dự án vô trách nhiệm nhất.
Sự thực, khái niệm "sự vô trách nhiệm nhất" của nhà đầu tư được nói tới không hề thừa. Sự vô trách nhiệm này luôn gắn với lợi ích của nhà đầu tư, xả thải trực tiếp không qua xử lý sẽ giảm chi phí rất lớn cho môi trường, và đây là hình thái tham nhũng môi trường. Dạng thức này đã xảy ra ở Đồng Nai và nhiều địa phương khác nhau.
tin liên quan
Formosa 'nổi tiếng' phá hoại môi trường nhiều nơi trên thế giớiTập đoàn đa quốc gia Formosa Plastics (Đài Loan) có hồ sơ "đen" dày đặc về hoạt động xả chất thải độc hại, phá hoại môi trường ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, Campuchia, Đài Loan.
Kẽ hở lớn trong điều chỉnh các giải pháp môi trường
Lúc này, khi đã biết nguyên nhân của thảm họa môi trường, chúng ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau trong quản lý thời gian qua. Thứ nhất, đã đành rằng việc hình thành quy hoạch các khu kinh tế ven biển là một nhu cầu hợp lý trong phát triển kinh tế, khi tính tới kết nối tốt với các trung tâm kinh tế khu vực và thế giới. Việc còn lại là phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ gì trong từng khu kinh tế ven biển lại cần tới những tính toán cụ thể về xã hội và môi trường. Không nước nào đặt những ngành sản xuất có xả nước thải độc hại ven sông, ven biển để trong trường hợp vô trách nhiệm nhất của nhà đầu tư sẽ tạo nên thảm họa môi trường. Lúc này, Nhà nước ta cần xem xét lại quy hoạch hơn 30 khu kinh tế ven biển để loại bỏ đi những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm mạnh tới nguồn nước biển.
Thứ hai, việc nghiên cứu và thực thi các giải pháp môi tường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng có một số kẽ hở lớn. Một trong những bức xúc lớn hiện nay là câu chuyện điều chỉnh các giải pháp môi trường có vẻ tùy tiện. Với cụ thể trường hợp nhà máy sản xuất thép Formosa Vũng Áng, báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phép xả thải ra sông Quyền, mà báo cáo này được xây dựng theo đúng quy trình khá phức tạp. Sau đó, phương án được điều chỉnh cho xả thải thẳng ra biển thay cho xả thải ra sông Quyền đã được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Việc điều chỉnh lại giải pháp bảo vệ môi trường cũng cần thực hiện theo đúng quy trình phê duyệt ban đầu, trong đó có quy trình lấy ý kiến nhân dân, các nhà khoa học và hội đồng thẩm định. Như vậy, câu chuyện điều chỉnh lại các quyết định ban đầu luôn là "vũ khí lợi hại" để các nhà quản lý có thẩm quyền bỏ qua những quy trình khắt khe do pháp luật quy định.
Thứ ba, vấn đề đặt ra các rào cản kỹ thuật về môi trường thông qua các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường là một công cụ quản lý cần rà soát lại, nhằm thiết lập mức độ cho phép về đánh đổi. Xem lại Quy chuẩn môi trường QCVN 10-MT về chất lượng nước biển, phiên bản 2015 có khá nhiều giá trị giới hạn được tăng cao hơn so với phiên bản 2008. Có thể đưa ra một số sự khác biệt đáng kể bao gồm: (1) Xianua (CN-), Asen (As) và Cadimi (Cd) tăng 2 lần; (2) Chì (Pb) tăng 2,5 lần; (3) Đồng (Cu) tăng 6,5 lần; (4) Kẽm (Zn) tăng 10 lần; (5) Mangan (Mn) và Sắt (Fe) tăng 5 lầm; (6) Phenol tăng 30 lần; v.v. Sự việc này cho phép đặt câu hỏi liệu có phải chúng ta tăng mức đánh đổi lên cao hơn hay chỉ đơn thuần là minh chứng khoa học cho thấy giới hạn chỉ như vậy là đủ. Một việc nữa có thể đề cập đến, đó là Quy chuẩn xả nước thải từ sản xuất thép QCVN 52 được ban hành năm 2013, trong đó giá trị giới hạn được tính phụ thuộc lưu lượng dòng chảy của nguồn tiếp nhận nước thải. Nguồn tiếp nhận nước thải là dòng sông hay hồ thì dễ nhưng nguồn tiếp nhận là biển với những dòng nước biển chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng thì không dễ. Việc rà soát này chứa đựng tư tưởng xác định mức đánh đổi cho phép được xác lập bằng các rào cản kỹ thuật môi trường.
Thứ tư, cơ chế giám sát của cộng đồng và người dân chưa được thực hiện trên thực tế, mặc dù Hiến pháp 2013 đã hiến định quyền này của tổ chức, công dân. Việc quản lý hiện nay vẫn được áp dụng trên thực tế theo chiều trên xuống, đặt lên trách nhiệm của cơ quan quản lý và cán bộ quản lý có thẩm quyền. Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân, chỉ khi chúng ta phát động được sự tham gia của người dân vào quản lý và giám sát thì chúng ta mới có cơ hội bảo vệ tốt môi trường. Luật Bảo vệ môi trường cũng như nhiều luật khác cũng chỉ tạo cơ chế cho người dân tham gia giám sát thông qua Mặt trận Tổ quốc. Quy định là vậy, nhưng chưa có quy trình cụ thể được vận hành trên thực tế. Vừa qua tại vùng biển miền Trung, người dân vùng biển đã làm được rất nhiều việc liên quan tới thu nhận thông tin về ô nhiễm và nguồn xả thải.
Vấn đề ô nhiễm môi trường luôn có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình phát triển. Một thảm họa hôm nay cần thời gian rất dài và kinh phí rất lớn để khắc phục. Ai làm tổn hại đến môi trường mà không chi tiền để khắc phục đều mắc tội tham nhũng môi trường. Gây thảm họa môi trường sẽ là vấn đề lớn trong tương lai, có thể dưới dạng tham nhũng vì tư lợi, và cũng có thể nghiêm trọng hơn... Môi trường đòi hỏi chúng ta cần một tầm nhìn rất xa trong phát triển đất nước.
Bình luận (0)