|
Trong thời gian 5 năm qua, sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết Trung ương còn chưa đồng bộ xét cả về nội dung, giải pháp và địa bàn, kết quả đạt được còn chưa được như mong muốn, vai trò chủ thể của nông dân chưa được phát huy đầy đủ, chậm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên thực tế.
Trên cơ sở đánh giá khách quan 5 năm thực hiện nghị quyết để tiếp tục tiến tới theo nguyên tắc: Những gì đúng, có lợi cho dân, hợp lòng dân thì phát huy, những mô hình, giải pháp thành công thì nhân rộng trong từng địa phương và cả nước tùy theo sự phù hợp điều kiện thực tế ở từng địa phương, từng địa bàn. Những vấn đề gì trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu hoặc đáng lẽ có thể đạt tốt hơn thì cần rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục yếu kém, nâng cao chất lượng công tác. Những gì mà nội dung nghị quyết và cơ chế còn thiếu hoặc chưa phù hợp thì điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới. Trong đó, cần chú trọng mấy nội dung chủ yếu sau:
Một là, công tác quy hoạch, định hướng phát triển. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu. Quy hoạch tổng thể, liên vùng, liên tỉnh phải đúng tầm, bảo đảm sự tương tác, hỗ trợ, khai thác và phát huy cao độ nguồn lực của đất nước để đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm tạo động lực cho nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn. Trong đó: Vùng đồng bằng coi trọng phát triển công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy hoạch các vùng chuyên canh lúa hàng hóa lớn, chất lượng cao; Vùng trung du, miền núi phát triển mạnh sản xuất lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc...; Vùng biển, ven biển và hải đảo đặc biệt chú trọng phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển... Nội dung then chốt trong công tác quy hoạch là chất lượng quy hoạch sử dụng đất - tư liệu sản xuất quan trọng nhất.
|
Cần có chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo nhằm mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng lao động nông nghiệp để đạt con số bình quân mỗi lao động nông nghiệp làm ra lương thực, thực phẩm nuôi vài ba chục người như ở những nước phát triển và chuyển dịch lao động ở nông thôn (đã được đào tạo, có tay nghề) sang các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành dịch vụ cao cấp. Đồng thời, khuyến khích phát triển công nghiệp, dịch vụ sử dụng nhiều lao động và nguyên vật liệu tại chỗ ở nông thôn.
Hai là, đổi mới tổ chức sản xuất và lưu thông hàng hóa. Nông nghiệp phải được tổ chức sản xuất hiện đại, tiên tiến, khoa học, liên kết, hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh, tăng sản lượng và giá trị hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu để thu nhập và đời sống nông dân ngày một cao hơn. Đổi mới cơ bản phương thức tổ chức kinh doanh nông sản, trước hết là kinh doanh lúa gạo, cần tổ chức tốt các sàn giao dịch nông sản hàng hóa kết hợp với quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp VN. Bảo đảm hợp tác chặt chẽ và phân phối lợi ích hợp lý trong suốt quá trình từ cung cấp giống, tổ chức sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, đóng gói tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (trong đó có các công ty cổ phần mà nông dân tham gia cổ đông), trên cơ sở đó mới khắc phục được điệp khúc “được mùa, rớt giá” và bảo đảm được mùa, ổn định giá.
Ba là, đẩy nhanh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ hàng hóa; ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra và chủ động được nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tăng nhanh giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.
Bốn là, phát huy vai trò của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Cần khẳng định tư tưởng chủ đạo về chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn là hỗ trợ, thông qua hoạt động bảo hiểm và tài trợ. Có chính sách đặc thù khuyến khích cho vùng trồng lúa và người trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia...
Năm là, trong xây dựng nông thôn mới, ưu tiên nguồn lực phát triển sản xuất, sớm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi và cần chú ý nhiều hơn đến phát triển hạ tầng xã hội: trường học, trạm xá, nhà văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển toàn diện và bền vững nông thôn VN. Cần rất coi trọng việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội, kiên quyết phòng chống các tệ nạn, giữ vững sự bình yên, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình và văn hóa cộng đồng ở nông thôn.
Mặt khác, cần thấy rõ rằng, quá trình tích tụ ruộng đất sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, đó là xu thế phát triển khách quan trong thời gian tới. Để vận động quần chúng hưởng ứng làm tốt những công việc này, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tạo điều kiện phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân VN và các tổ chức, đoàn thể khác trong việc nâng cao quyền dân chủ của nông dân, của các chủ trang trại, các doanh nghiệp, doanh nhân, đặc biệt là quyền tham gia xây dựng các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước, trọng tâm là các chủ trương chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân và tăng cường hợp tác, liên kết với các cơ sở nghiên cứu, các nhà khoa học, các doanh nghiệp hướng về nông nghiệp, nông thôn.
Nguyễn Sinh Hùng
(Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội)
* Tít bài do Thanh Niên đặt
>> Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng dự Đại hội đồng IPU lần thứ 130
>> Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: 'Đút lót, tiêu cực... có bắt, có xử được mấy đâu
>> Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Đút lót, tiêu cực có bắt có xử được mấy đâu...
>> Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Tôi mà là Bộ trưởng sẽ giảm ngay thuế xuống 20%
Bình luận (0)