70% đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi Quốc hội liên quan đến vấn đề đất đai

17/04/2017 17:03 GMT+7

Trung bình mỗi năm Quốc hội nhận khoảng 20.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo trong đó 70% liên quan đến vấn đề đất đai.

Thông tin trên được bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện cho biết tại phiên họp chiều nay, 17. 4, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.
Tại phiên họp, bà Nguyễn Thanh Hải đề xuất báo cáo tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo nên được trình bày tại hội trường Quốc hội, thay vì chỉ được thảo luận tại TVQH và gửi tới các ĐBQH như hiện nay.
Theo bà Hải, hiện mỗi tuần Ban Dân nguyện tiếp nhận khoảng 500 đơn, thư, tương đương mỗi năm khoảng 20.000 đơn thư, trong đó số lượng đơn thư trùng lặp chiếm khoảng 50-60%.
Bà Hải cho rằng, việc giám sát giải quyết các đơn thư này rất quan trọng, được người dân kỳ vọng. Trong số này, 70% đơn thư liên quan đến vấn đề đền bù, giải phóng măt bằng, đất đai, đơn giá quy trình cưỡng chế...
Theo Trưởng ban Dân nguyện, qua quá trình giám sát các vấn đề liên quan đến đơn thư khiếu nại tố cáo cho thấy, việc thực hiện giải quyết đơn thư khiếu nại ở địa phương có nhiều bất cập, dẫn đến tình hình an ninh chính trị trật tự tại các địa phương cả nước tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng từ việc chưa tôn trọng quy trình thủ tục trong vấn đề này.
Bà Hải nhấn mạnh nếu báo cáo này được trình bày trước Quốc hội, trước cử tri và qua thảo luận sẽ góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là liên quan đến vấn đề khiếu nại xử lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng vốn đang rất "nóng" hiện nay.
Luật về hội bị rút khỏi chương trình nghị sự
Trước đó, báo cáo về việc chuẩn bị cho kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết có  4 dự án luật được rút ra khỏi dự kiến chương trình kỳ họp tới, gồm luật Về hội; luật Bảo vệ bí mật nhà nước; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Lao động; luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện để tiếp tục hoàn thiện; đồng thời bổ sung 2 nội dung trình Quốc hội thông qua là các Nghị quyết liên quan đến biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào.
Theo ông Phúc, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 21,5 ngày, trong đó, không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22.5 và dự kiến bế mạc vào ngày 20.6.
Kết luận phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã cho ý kiến đối với đề nghị của Chính phủ về bổ sung 3 nội dung trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, gồm: dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Các tổ chức tín dụng; dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu; dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, TVQH thấy rằng cần thiết xem xét Nghị quyết về xử lý nợ xấu, do đó yêu cầu Chính phủ phải trình TVQH cho ý kiến với Nghị quyết này tại ngay phiên họp tháng 4 để kịp thẩm tra, cho ý kiến.
Đối với dự án luật Các tổ chức tín dụng, nếu Chính phủ muốn trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu vào kỳ họp tới thì dự Luật phải được trình TVQH tại kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến một lần nữa vào kỳ họp thứ 10 của TVQH vào tháng 5.2017, nếu đủ điều kiện mới trình ra Quốc hội.
Liên quan đến danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho các dự án còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới 30.4, các địa phương, bộ, ngành nào chưa hoàn thành kế hoạch thì nguồn vốn sẽ được đưa vào dự phòng theo như quy định. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong 5 năm tới, các địa phương, bộ ngành trên sẽ không có vốn đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.