Trong khi đó, theo thống kê từ địa phương, tỉnh Quảng Bình thiệt hại nặng nhất với 6 người chết và 2 người mất tích, 6 người bị thương, 4 tàu, thuyền bị mưa lũ nhấn chìm… Tỉnh Quảng Trị có 2 người chết và 1 người bị thương...
Trong ngày 2.11, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị vẫn còn 6.851 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Do trong ngày vẫn có mưa lớn nên đoạn đường Hồ Chí Minh qua địa bàn xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vẫn ngập sâu hơn 1 m nước và kéo dài khoảng 2 km nên tuyến giao thông qua đây vẫn tê liệt. Lực lượng quân đội huy động trên 1.760 cán bộ chiến sĩ, dân quân cùng 35 ô tô, 18 tàu thuyền các loại hỗ trợ người dân ứng phó với mưa lũ. Đã sơ tán 485 hộ dân trong các vùng ngập sâu ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh; di chuyển 230 học sinh của Trường THCS Cam Tuyền, H.Cam Lộ, tỉnh Hà Tĩnh ra khỏi vùng ngập sâu đến nơi an toàn.
Nhà chìm trong nước, cầu sập…
Ngày 2.11, nhiều hồ thủy lợi và hồ thủy điện tại Hà Tĩnh vẫn xả lũ điều tiết. Trong đó, hồ thủy điện Hố Hô xả 329 m3/giây, hồ Kẻ Gỗ xả 300 m3/giây, hồ Bộc Nguyên xả 30 m3/giây... Chiều cùng ngày, mực nước trên sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ là 13,55 m (trên báo động 3 khoảng 0,5 m), tại Hòa Duyệt 10,1 m (dưới báo động 3 là 0,39 m). Đến chiều cùng ngày vẫn còn 1.080 hộ dân ở 12 xã thuộc các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và Hương Khê bị ngập.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, tại 2 xã Phương Điền và Hà Linh (H.Hương Khê, Hà Tĩnh) còn hơn 60 ngôi nhà bị ngập gần hết tầng 1, nhà cấp 4 nước ngập sát nóc. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phương Điền, cho biết trên địa bàn xã còn có 21 hộ bị ngập từ 1 - 2 m. Tại Quảng Bình, chiều 2.11, nước đầu nguồn sông Long Đại (H.Quảng Ninh) lên nhanh khoảng 2 m. Đồn biên phòng Cha Lo cử lực lượng xuống địa bàn vận động 11 hộ/47 khẩu ở Bãi Dinh/xã Dân Hóa di dời ra khỏi khu vực có khả năng bị lũ quét sạt lở đất. Đợt lũ này làm 18.046 ngôi nhà ở bị ngập.
Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND H.Cam Lộ (Quảng Trị) xác nhận đã tìm thấy thi thể ông Hoàng Hữu Thành (37 tuổi, trú thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, H.Cam Lộ) vào lúc 3 giờ ngày 2.11. Ông Thành là trụ cột trong gia đình cực kỳ khó khăn (đã có 2 con, vợ đang mang thai đứa thứ 3). Trong khi đó, trưa 1.11, cơ quan chức năng và thân nhân cũng tìm ra thi thể của ông Dương Thái Hà (thôn Cang Gián, xã Trung Giang, H.Gio Linh) đi thả lưới trên sông thì thuyền bị lật và mất tích. Quảng Trị có 2.147 nhà ngập, 3.180 gia súc gia cầm chết, 30 ha hồ cá bị trôi, hàng trăm héc ta hoa màu bị hư hỏng. Ngoài ra, trên 50 km đường giao thông trên địa bàn bị sạt lở, 5 công trình thủy lợi bị xói mòn, hư hỏng nặng… Từ sáng 2.11, lực lượng tại chỗ của huyện gồm đoàn thể, dân quân xã, công an, quân đội… cùng 650 quân nhân Sư đoàn 986 tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng tỏa ra khắp địa bàn các xã Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Tuyền và TT.Cam Lộ để giúp dân khắc phục hậu quả. Học sinh trên địa bàn những nơi bị ngập lụt vẫn chưa thể đến trường. Ngày 2.11, ông Hồ Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Húc Nghì (H.Đakrông, Quảng Trị), cho hay do mưa lớn, nước lũ đổ về đã làm đứt chiếc cầu tràn nối khu tái định cư Húc Nghì với trung tâm xã.
Tại H.A Lưới (Thừa Thiên-Huế), nhiều tuyến đường tê liệt, nước lũ cũng gây ngập cục bộ nhiều vùng của nhiều xã, khiến hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp. Từ 12 giờ ngày 2.11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có lệnh yêu cầu hồ thủy lợi Tả Trạch, hồ thủy điện Hương Điền và Bình Điền tiến hành xả nước nên đến cuối chiều, mực nước trên các sông Hương, sông Bồ đã dâng lên xấp xỉ báo động 2.
Trong khi đó, tại Quảng Nam mực nước tại các sông ở hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn lên nhanh trên báo động 2, chủ yếu do mưa lớn liên tục cộng với việc 3 thủy điện ở thượng lưu vận hành xả lũ, gồm: hồ chứa thủy điện Đắk Mi 4 (lưu lượng xả 900 - 2.400 m3/giây), Sông Bung 4A (100-1.250m3/giây), Sông Bung 4 (tối đa 1.200 m3/giây). Trong đó, thủy điện Sông Bung 4 đã xả lũ từ tối 1.11 để chủ động duy trì nước hồ ở mực nước cao nhất trước lũ. Cả 3 nhà máy thủy điện đều gửi thông báo xả lũ cho các địa phương.
Cùng ngày, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết tỉnh này có 2 nhà sập, 18 nhà tốc mái, 1.211 nhà ngập nước, 1.324 ha lúa mùa, 24 ha màu bị ngập, 3.500 con gia cầm, 43 con gia súc bị chết, cuốn trôi. Trong ngày 2.11, chính quyền địa phương đã di chuyển 35 hộ bị ngập nước ở xã Mỹ Đức (H.Phù Mỹ) đến nơi an toàn.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết mưa lũ ở các tỉnh miền Trung vẫn diễn biến phức tạp. Trong ngày 2.11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 10 - 30 mm, riêng A Lưới (Thừa Thiên-Huế) có mưa to lên tới 54 mm đo trong 6 giờ liên tục tính đến 13 giờ ngày 2.11. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với gió đông trên cao nên từ ngày 2 - 4.11 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Dự báo tổng lượng mưa phổ biến 50 - 150 mm, riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định 10 - 300 mm, có nơi trên 300 mm.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở vịnh Bắc bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động; khu vực bắc Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa có gió đông bắc cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2 - 3 m. Còn ở khu vực nam Biển Đông, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp nên sẽ có mưa rào và giông, trong cơn giông đề phòng lốc xoáy kèm gió giật mạnh.
Phan Hậu
|
Bình luận (0)