Tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Sư đoàn 338, Quân khu 1 được tổ chức giữa tháng 12.2016 tại TP.Lạng Sơn, rất nhiều tướng lĩnh sĩ quan, lãnh đạo cao cấp vây quanh một cựu chiến binh tóc bạc trắng mang quân hàm thiếu tá. Đó là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lý Trung Phẩm - người làm nên huyền thoại trên mặt trận Lạng Sơn, 38 năm về trước.
Có chết cũng không bỏ thương binh
Căn nhà nhỏ của ông nằm ven đường trong TT.Hồ, H.Thuận Thành, Bắc Ninh không treo bất cứ bằng khen, giấy khen nào. Ông bảo: “Sống cốt là tốt cho mọi người quý mến” và trầm giọng: “Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) của tôi là máu của cả đơn vị đã hy sinh”.
Cuối năm 1978, chàng thanh niên 22 tuổi người dân tộc Sán Chỉ ở xã Kiên Lao, H.Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang) nhập ngũ. Ngay sau khi huấn luyện đã tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc tháng 2.1979 tại khu vực biên giới Đình Lập, Lạng Sơn. Ngày 1.3.1979, lính Trung Quốc tràn lên cao điểm 540 trong khi tiểu đội của ông mới nhận trận địa, đang đào giao thông hào. Lệnh của chỉ huy rút về tuyến sau, riêng binh nhất Lý Trung Phẩm vác súng chạy lên cao điểm 538 gần đó xin tham gia chiến đấu với đơn vị bạn và được chuẩn úy - trung đội trưởng Phạm Xuân Hồng đồng ý. Sáng hôm sau, pháo binh Trung Quốc bắn cấp tập vào điểm cao làm 2 chiến sĩ bị thương, đội hình giữ chốt còn 7 người đánh trả cả trung đoàn địch. “Lúc ấy tôi run cầm cập vì lần đầu tiên thấy pháo bắn và bộ binh địch tràn lên đông nghẹt. Trung đội trưởng Hồng từng chiến đấu ở miền Nam phải bò đến động viên mãi, mới yên tâm cầm súng...” - ông Phẩm thật thà kể.
Các trận đánh trong ngày diễn ra ác liệt, sau trận đầu tiên trong buổi sáng thì 3 chiến sĩ ta hy sinh. 4 người còn lại tiếp tục chống trả trận đánh thứ 2 với quy mô ác liệt gấp nhiều lần, ta bị thương 1 chiến sĩ trong khi phía địch tổn hao nhiều sinh lực. Trận thứ 3, cả điểm cao bị vây kín. 2 thương binh Kính và Hảo thủng bụng, gãy chân phải chui vào hầm nằm tiếp đạn cho trung đội trưởng Phạm Xuân Hồng và binh nhất Lý Trung Phẩm chạy đi, chạy lại đánh trả. Cuối buổi chiều, lính Trung Quốc tràn vào giao thông hào và dùng lưỡi lê tấn công. “Tôi chạy vào hầm thương binh lấy đạn nhưng các anh ấy lắc đầu hết sạch. Quay ra, tôi chụp lấy cái mũ mềm của tên lính chết trước cửa hầm, đội vào đầu mình để giả làm lính nó và xốc nách 2 thương binh ra triền dốc, đẩy xuống cho cả 3 lăn xuống chân đồi” - ông Phẩm trầm ngâm: “Không ngờ lại thoát. Tôi đã bị thương mấy lần, người đầm đìa máu mình và đồng đội”.
3 người lăn ra 3 điểm khác nhau. 2 thương binh bò được về hậu cứ; đến đêm, bộ đội ta mới tìm thấy ông Phẩm nằm bất tỉnh trong hốc đá, trong tay vẫn ôm khư khư khẩu AK hết đạn. Các cựu binh của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 460, Sư đoàn 338 kể lại: Ngay khi tỉnh lại, binh nhất Lý Trung Phẩm lại vác súng tìm lên chốt B4 mặc anh em can ngăn “điếc đặc, bị thương khắp người thì đánh đấm gì?”. Ông Phẩm nhớ: Mấy trận sau trên B4 thì chẳng sợ gì vì chỉ nhìn thấy chứ bị chảy máu tai, không nghe nổi.
“Anh hùng thì cũng phải làm việc”
Năm 1990, AHLLVT Lý Trung Phẩm chuyển công tác về Ban Chỉ huy quân sự H.Thuận Thành và năm 1999 nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn dự bị của huyện. Nghỉ hưu nhưng từ năm 1999 đến nay ông liên tục làm tổ trưởng dân phố. Mấy lần xin nghỉ nhưng bà con đều lắc đầu: “Cả tỉnh mỗi ông là Anh hùng biên giới, ông có làm thì dân mới yên tâm”. Những năm gần đây, ông cùng Ban Liên lạc Sư đoàn 338 đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm đồng đội và đền ơn đáp nghĩa. Mới nhất, các ông đã quyên góp hơn 100 triệu đồng mang lên tặng bà con xã biên giới Kiên Mộc (Đình Lập, Lạng Sơn) làm đường.
Hôm tôi đến thăm, vợ chồng ông Phẩm vừa chất xong lô vàng mã lên xe tải cho chủ hàng. Hằng ngày, ông bà vừa lo cơm nước, đón cháu vừa lụi hụi lắp ghép các vật liệu thành cây vàng mã dùng để thắp hương ở các đền chùa, bàn thờ. Công làm chỉ 2.000 - 5.000 đồng/cây, mỗi ngày lắp được khoảng 50 cây, thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày. “Dành tiền đóng góp giúp các đồng đội, bà con có hoàn cảnh khó khăn” - ông cười bảo vậy và nói thêm: “Con cái trưởng thành, mình càng phải làm gương để chúng nó hiểu rằng: Phải liên tục lao động và phấn đấu, cho dù có là quan chức hay anh hùng”.
Ước ao lớn nhất của ông bây giờ là gặp lại 2 thương binh cùng chiến đấu trên cao điểm 538 cách đây 38 năm trước, là ông Kính (quê Việt Yên) và ông Hảo (quê Lục Ngạn). Khoảng năm 1986, khi là thượng úy về trường quân chính quân khu bồi dưỡng kiến thức, đang đạp xe từ nhà đến trường thì có một người đàn ông cụt tay đuổi theo ông gọi rối rít. Dừng lại mới biết là ông Hảo đã xuất ngũ về quê đi làm ăn. “Bây giờ tôi vẫn ân hận vì mải hỏi thăm mà không kịp ghi lại địa chỉ anh ấy. Đời lính sống chết có nhau, không có các anh ấy tiếp đạn thì chắc gì tôi còn sống...” - AHLLVT Lý Trung Phẩm kể trong buổi chiều rét buốt đầu năm 2017.
(Còn tiếp)
Tháng 2.1979, binh nhất Lý Trung Phẩm cùng tiểu đội được giao nhiệm vụ chốt giữ điểm cao 538 (Đình Lập, Lạng Sơn). Ngày 2.3.1979, địch bắn pháo ác liệt rồi cho bộ binh tràn vào điểm chốt. Cùng tiểu đội chiến đấu dũng cảm, kiên cường, ông bị thương nhưng vẫn kiên quyết bám trụ trận địa. Khi đồng đội bị thương và hy sinh hết, một mình Lý Trung Phẩm sử dụng nhiều loại vũ khí đánh lui nhiều đợt tấn công. Hết đạn, ông tìm cách đưa thương binh và vũ khí về nơi an toàn. Ông được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba và huy hiệu Tuổi trẻ anh hùng. Ngày 20.12.1979, được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
|
Bình luận (0)