Áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng từ Khánh Hòa đến Vũng Tàu

04/11/2007 00:58 GMT+7

Lúc 16 giờ hôm qua, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) còn cách bờ biển Ninh Thuận – Bình Thuận khoảng 250 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (từ 39 đến 49 km/giờ), giật trên cấp 6, hầu như ít di chuyển. Trong 12 - 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bà Rịa – Vũng Tàu.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, vùng biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6, giật trên cấp 6, biển động. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa đông bắc, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Khu vực Nam Bộ chịu ảnh hưởng trục rãnh thấp nối liền với tâm ATNĐ nói trên, do vậy có mưa rào và giông, có nơi mưa vừa đến mưa to ở vùng ven biển và bắc miền Đông Nam Bộ, gió trên đất liền sẽ mạnh dần lên.

* Một ATNĐ khác cũng mới hình thành ở phía đông Philippines chiều hôm qua ở vị trí khoảng 18,2 độ vĩ bắc; 128,5 độ kinh đông. Cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo, ATNĐ này di chuyển theo hướng tây tây nam, với tốc độ khoảng 15 km/giờ. Rạng sáng 3.11, cơ quan dự báo bão nhiệt đới JTWC (Mỹ) phát đi thông báo đầu tiên về vùng nhiễu động bên ngoài lãnh hải Philippines. Đến trưa cùng ngày, JTWC xác định vùng nhiễu động đã tăng cấp lên áp thấp nhiệt đới, đủ khả năng mạnh lên thành bão khi đi vào vùng biển ấm của đảo quốc này trong ngày 4.11.

Bản đồ biểu thị đường bão đi của JTWC chỉ rõ rằng bão sẽ vượt qua miền trung Philippines và hướng thẳng vào biển Đông từ ngày 5 đến 6.11. Ghi nhận ban đầu cho biết đây là bão nhỏ, tầm hoạt động hôm 3.11 chỉ 300 km nhưng một khi lọt vào biển Đông, nếu được tiếp thêm nhiệt lượng, bão sẽ mạnh lên trở lại. Bão hoàn toàn không có khả năng hướng lên phía bắc do gió mùa đông bắc đã bắt đầu hoạt động và gió mùa tây nam không đáng kể. Như vậy, nếu không có thay đổi nào đột ngột, từ 9 đến 11.11 miền Trung có khả năng hứng bão và không ít tỉnh thành miền Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng sau gần một tuần bị áp lực nặng nề của áp thấp nhiệt đới đến từ phía biển cực Nam. Mưa sẽ diễn ra trên diện rộng. Lũ lụt sẽ cao hơn hiện nay.

Thêm 8 người chết và mất tích vì mưa lũ

*Chiều qua 3.11, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Nam cho biết trong đợt mưa lũ thứ ba (bắt đầu từ ngày 2.11 đến 3.11), nhiều nơi có mưa rất to, phổ biến từ 100-130 mm, cá biệt tại Trà My là 195 mm. Đã có thêm 4 người chết và mất tích. Lúc 12 giờ ngày 2.11, cháu Trần Nguyễn Thùy Trang, 9 tuổi (trú thôn An Tân, xã Đại Hưng, H.Đại Lộc) bị rơi xuống nước trong khi đang đánh bắt cá với cha. Bà Phạm Thị Tám, 61 tuổi, trú thôn Thi Lai, xã Duy Trinh, H.Duy Xuyên cũng bị lũ cuốn trôi khi đang vớt củi trên sông lúc 20 giờ ngày 2.11, đến nay vẫn chưa tìm được xác. Ngoài ra, anh Lê Văn Kỳ, 26 tuổi, nhân viên Công ty cổ phần Bông vải miền Trung (quê ở Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cùng một người khác (chưa xác định danh tính) khi cố vượt qua đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy xiết thuộc địa bàn xã Đại Hồng, H.Điện Bàn đã bị cuốn trôi lúc 23 giờ ngày 2.11, mất tích.

*Tại Quảng Trị, có thêm một người chết là ông Đỗ Xuân Trung (44 tuổi) ở thôn An Mô, xã Triệu Long (Triệu Phong). (H.X.Huỳnh - Thiên Sơn)

*Tại Quảng Ngãi, đêm 2.11, anh Đinh Văn Hạ (28 tuổi), nhân viên Hạt Quản lý duy tu bảo dưỡng đường bộ huyện Sơn Hà và chị Phan Thị Thắm (22 tuổi) trú ở thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà) đi qua cầu sông Rin (thuộc tuyến tỉnh lộ 623) bị nước lũ cuốn trôi và mất tích.

*Tại Bình Định, hôm qua đã có 1 ngôi nhà bị sập và 1 người chết là ông Phạm Đình Hùng (ở thôn Đức Phổ, xã Cát Minh, huyện Phù Cát).

*Tại Phú Yên, do mưa dầm cường độ lớn nhiều ngày qua đã làm sạt lở nghiêm trọng khu vực phía Nam di tích núi Nhạn (TP Tuy Hòa). Chính quyền đã sơ tán 8 hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. (Trình Kế - Thái Anh - Cao Nguyên)

M. Vọng - Đặng Ngọc Khoa - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.