Bàn nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu

29/03/2016 07:08 GMT+7

Đó là một trong các ý kiến vào ngày 28.3, khi các đại biểu Quốc hội có phiên thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa 13 của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Đó là một trong các ý kiến vào ngày 28.3, khi các đại biểu Quốc hội có phiên thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa 13 của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) - Ảnh: Ngọc ThắngĐại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) - Ảnh: Ngọc Thắng
Tại phiên thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định - Nguyễn Anh Sơn nhắc đến một món nợ của QH với cử tri cả nước, đó chính là món nợ về việc giám sát công tác phòng, chống tham nhũng. Theo ĐB, QH khóa 13 đã nói, đã bàn, đã thảo luận quá nhiều nhưng kết quả chưa đạt được bao nhiêu, tham nhũng càng ngày càng có xu hướng phát triển thêm, tinh vi hơn. Nhưng có một “điểm sáng” mà ông Sơn nhận thấy là các ĐBQH đã không ngần ngại chất vấn, không ngại va chạm; không còn tình trạng lãnh đạo bộ, ngành và địa phương “vỗ vai” các ĐB trong hoạt động chất vấn. Tuy nhiên, ĐB Sơn phản ánh: “65% các kiến nghị của cử tri là kiến nghị cũ. Thậm chí có ý kiến cử tri từ năm tám mấy, chín mươi đến tận bây giờ vẫn hỏi. Điều đó chứng tỏ đến tận bây giờ vẫn chưa được giải quyết rốt ráo”.
Truyền tải tâm tư cử tri Thanh Hóa gửi gắm, ĐB Lê Nam cho biết nhiều ĐB, đảng viên và lão thành cách mạng tha thiết đề nghị cần có luật về hoạt động của tổ chức Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền. “Nhân dân cả nước rất quan tâm và theo dõi, ủng hộ từng bước đi, việc làm của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, vì sao như vậy? Vì hơn lúc nào hết nhân dân khao khát việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và trau chuốt với những ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao”, ĐB Lê Nam nói.
Cho rằng chức năng xây dựng luật là cơ bản và quan trọng bậc nhất, nhưng theo luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), rất nhiều nghị quyết và thậm chí cả Hiến pháp không được thực thi đầy đủ. Đơn cử, luật Hội và luật Biểu tình được đưa vào từ đầu kỳ nhưng cứ lùi đi, lùi lại mãi. Ông Nghĩa cũng nêu ra thực trạng đáng báo động hiện nay “người ta vi phạm luật mà không còn sợ gì nữa”, trong đó có một phần trách nhiệm giám sát thực thi luật của QH. Dẫn câu chuyện người dân vi phạm giao thông, nhưng theo ĐB việc lấn chiếm vỉa hè tràn lan tại các thành phố khiến người dân phải đi xuống lòng đường vì đi lên vỉa hè không chỉ bị người buôn bán mắng mỏ, thậm chí còn bị đánh. “Đề nghị chúng ta hãy làm dân thường một vài giờ thì sẽ thấy tính mạng, nhân phẩm và tài sản của người dân dễ bị xâm hại, dễ bị xúc phạm như thế nào. Đất nước của chúng ta hiện nay kém an toàn hơn rất nhiều so với 10 năm trước đây”, ĐB phản ánh.
Góp ý nội dung này, trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề xuất thẳng giải pháp để luật đi vào cuộc sống, chống được lợi ích nhóm, cục bộ. “Cần có chế tài xử lý trách nhiệm những người đứng đầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra. Làm một luật đã khó, tốn kém tiền bạc của nhân dân, nhưng luật không đi vào cuộc sống, không có tính khả thi thì làm luật để làm gì”, ĐB kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.