Báo chí, quan chức và người nổi tiếng - Kỳ 4: Chức năng tự nhiên của báo chí

15/12/2014 11:52 GMT+7

(TNO) Ít nước nào có nhiều 'ngôi sao' giải trí như ở Việt Nam, những người này thường được báo chí gọi gọn lại là 'sao'.

(TNO) Ít nước nào có nhiều 'ngôi sao giải trí' như ở Việt Nam, những người này thường được báo chí gọi gọn lại là 'sao'.

Giới truyền thông, thợ săn ảnh túc trực trước một khách sạn trong vụ ly dị đình đám
giữa Tom Cruise và Katie Holmes - Ảnh: Reuters
Trong hằng hà sa số các “sao” ở nước ta, một số không thích báo chí bới móc chuyện đời tư của mình, còn một số khác thì sẵn sàng, thậm chí còn tự tạo ra những scandal đưa lên báo để nhiều người biết, coi đó là sự nổi tiếng. Những người “đứng đắn” có thể thấy rất khó chịu về sự bát nháo này, nhưng khó chịu thì không đọc không xem là xong, chẳng việc gì phải nhọc công chê mắng, nó chỉ thêm một chút gia vị cho làng giải trí mà thôi, chẳng ảnh hưởng gì đến sự bình an và áo cơm của dân chúng.
Trừ một số người nổi tiếng do tài năng thật sự hữu xạ tự nhiên hương không cần đến báo chí, ngày nay ai có tham vọng trở thành người nổi tiếng không thể không dựa vào báo chí. Ngược lại báo chí lại dựa vào các “sao” này để thu hút người đọc, để “câu view”. Do việc lăng-xê hay bới móc đời tư của những người nổi tiếng là quan chức ở nước ta vừa dễ gây phản cảm vừa dễ gặp rủi ro, nên các “sao” được báo chí khai thác một cách triệt để, đến mức có lần anh Nguyễn Công Khế khi còn làm Tổng biên tập Báo Thanh Niên đã cảnh báo “họ đi vệ sinh người ta cũng đưa lên báo” và yêu cầu các biên tập viên tránh sa vào khuynh hướng này.
Tôi không đủ khả năng phân biệt báo nào là báo “lá cải” báo nào không, nhưng thấy nhiều tờ báo mạng có lượng người truy cập rất cao, ngoài các tin tức được các nhà báo nói gọn là “cướp giết hiếp” còn nhờ vào việc đi đứng uốn éo hở mông hở ngực của các “sao” này. Từ trước khi có báo mạng, một số báo giấy cũng đã chạy theo khuynh hướng đó để tồn tại, để tăng số lượng phát hành. Tất nhiên những trang báo mạng và báo in này không thiếu những câu chuyện đời thường, những người tốt việc tốt.
Nếu gọi loại báo chí nói trên là “lá cải” thì xã hội vẫn cần đến thứ “lá cải” đó, bằng chứng là số lượng phát hành lớn, số người truy cập nhiều. Những tờ báo khác cũng phải có những trang những mục “lá cải” như vậy. Chẳng có vấn đề tốt xấu gì ở đây cả. Là một người đọc, tôi rất dị ứng với những câu chuyện “vụ án”, các tin “cướp giết hiếp” cùng những chuyện của các “sao”, nhưng khi làm tòa soạn tôi không thể bỏ qua những bài vở tin tức đó, tất nhiên trong chừng mực không làm biến dạng tôn chỉ mục đích và phong cách của tờ báo mà tôi làm.
Và chớ có cao đạo đánh giá độc giả của loại báo này có “thị hiếu thấp”. Trong xã hội chẳng có ai thị hiếu thấp hay thị hiếu cao. Vả lại thiên hạ hàng ngày có khối việc phải làm, phải xem phải nghe, phải đi đứng chạy nhảy, chứ đâu chỉ có mỗi việc ngồi đọc báo.
Thời chưa có báo, người dân hàng ngày sau khi làm ăn thường tụm năm tụ ba để nói chuyện phiếm, ai nhặt được chuyện gì kể cho người khác nghe, từ đó xuất hiện những nghệ nhân kể chuyện trong các hàng quán để “câu khách”. Nghệ nhân kể chuyện có thể là chủ quán hoặc được chủ quán thuê.
Từ khi thiên hạ “khai thiên lập … báo” đến giờ, những nghệ nhân kể chuyện biến thành các nhà báo. Câu chuyện trước đây kể trong các hàng quán nay được viết thành bài, thành tin, để đăng lên rồi đem đi bán. Muốn bán được báo phải có tin hay, phải có chuyện hấp dẫn. Con người ta không ai thích nghe những lời cao đạo dạy đời, những lời đó được viết ra đăng báo thì càng không ai thích đọc. Theo thời gian, thứ báo chí dân dã truyền thống này được nâng cấp biến tấu dần và tồn tại cho tới ngày nay, mặc cho ai chê mắng chửi rủa, nó vẫn sống, với bình dân bá tánh trên đường phố, trong chợ búa, và hiện tại, với các “cư dân mạng”. Ông Kim Dung, vốn là chủ báo, biết dân gian thích những câu chuyện hành hiệp trượng nghĩa nên viết feuilleton tiểu thuyết kiếm hiệp đăng hàng ngày, mục đích cũng chỉ để “câu khách” mà thôi, 15 bộ truyện kiếm hiệp từ đó được công chúng coi là những kiệt tác là kết quả không được dự liệu.
Phương tây có lý do để xếp báo chí vào ngành giải trí. Các bậc “tiền hiền” trong lĩnh vực báo chí không ai coi mình có “sứ mệnh” cao cả gì, không ai coi báo chí có “chức năng” sang trọng gì. Các vị chỉ coi nghề báo là một nghề làm ăn sinh sống như những nghề khác. Họ biết thân biết phận nên tin tức họ đưa mới trung thực, câu chuyện họ viết ra mới hấp dẫn, để “mua vui” cho công chúng, vì nếu không họ sẽ không còn đất sống. Đến như truyện Kiều, được ông Nguyễn Du phóng tác thành một thiên lục bát bất hủ, như ông nói, cũng chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh” mà thôi.
 Ảnh chụp một bài viết khai thác các yếu tố bị cơ quan quản lý đánh giá là không phù hợp,
đăng trên Trí Thức Trẻ, tờ này sau đó bị đình bản 3 tháng - Ảnh: Website Bộ Thông tin - Truyền thông
Các cơ quan quản lý báo chí nước ta phê phán “thương mại hóa báo chí”, phê phán như vậy là đúng rồi, nhưng cần hiểu “thương mại hóa báo chí” bị phê phán ở đây là việc tạo ra những tin tức giật gân “nửa sự thật”, những câu chuyện thêm đầu bớt đuôi cho hấp dẫn nhằm câu khách để kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, là việc biến báo chí thành công cụ phục vụ cho “lợi ích nhóm”, thành phương tiện tiếp tay cho sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của đại gia này doanh nghiệp kia. Còn chúng ta coi làm báo là một nghề, đã là một nghề thì phải tạo ra thương phẩm, muốn bán được thì thương phẩm đó phải là “hàng hóa chất lượng cao”. Một tờ báo là “hàng hóa chất lượng cao” đương nhiên hàm chứa trong đó lương tri và sự thật , đó cũng chính là sứ mệnh, là chức năng tự nhiên của báo chí mà không cần phải gán cho tên gọi.
Vấn đề là, một lò bánh lương thiện làm ra ổ bánh mì bằng bột mì thật bột nở thật sẽ làm cho người tiêu dùng ai ăn cũng thấy ngon, còn một nhà báo lương thiện viết một bài phản ánh đúng sự thật không phải ai cũng nuốt nổi. Cho nên để làm được hàng thật trong nghề báo đòi hỏi phải có bản lĩnh. Tôi không có ý muốn nói nghề báo là cao quý hơn các nghề khác. Cái bản lĩnh ở đây là một tố chất, cũng giống như một anh thợ lặn phải có sức đủ sức chịu đựng với áp suất cao, còn anh thợ nề thì không cần tố chất đó, nhưng thợ lặn không thể nói là cao quý hơn thợ nề… (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.