Báo chí với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội

21/06/2016 10:27 GMT+7

Xã hội rất cần báo chí nói riêng và truyền thông nói chung, tham gia tích cực việc chỉ rõ những yếu kém, lối ra và giải pháp khắc phục; đấu tranh chống “lợi ích nhóm”, tiêu cực và tham nhũng, lãng phí...

Một nền kinh tế chỉ có thể phát triển mạnh và bền vững khi có chiến lược đúng đắn và những giải pháp hữu hiệu, trong đó, hàng đầu là giải pháp về thể chế kinh tế, cơ chế quản lý và nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
Để có thể lựa chọn và xác định đúng các chiến lược, giải pháp, thì nhất thiết phải hiểu đúng thực trạng của nền kinh tế, những lợi thế so sánh và lợi thế đặc thù, nhận định đúng xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu, nhất là thời kỳ hội nhập - mỗi quốc gia là bộ phận không thể tách rời của thế giới văn minh. Đồng thời phải thường xuyên cập nhật thông tin về những tiến bộ mới của khoa học công nghệ và khoa học quản lý. Để có được những hiểu biết như vậy, vai trò của truyền thông, báo chí quan trọng vào bậc nhất.
Phải cung cấp thông tin trung thực nhất
Khác với xưa kia, ngày nay thông tin đã tham gia trực tiếp vào lực lượng sản xuất xã hội. Không chỉ đối với kinh tế, sản xuất, thông tin còn quyết định nhận thức, tạo ra những con người với một trình độ, kỹ năng cao hơn, và chính họ sẽ tạo ra năng suất lao động mới, đem lại hiệu quả đầu tư và hiệu quả quản lý cao hơn. Chính con người chứ không phải cái gì khác sẽ quyết định sự phát triển mạnh và bền vững của nền kinh tế; đồng thời quyết định sự lành mạnh, nhân văn của xã hội. Và đối với con người thì thông tin sẽ quy định nhận thức, cung cấp kiến thức và phát triển năng lực.
Muốn thực hiện chức năng quan trọng ấy, truyền thông phải cung cấp thông tin một cách trung thực nhất để giúp cộng đồng xã hội hiểu đúng thực trạng. Nếu có bệnh nặng mà giấu bệnh thì thầy thuốc giỏi cũng bó tay. Báo chí mà né tránh sự thật, né tránh phản biện thì tự làm giảm lòng tin của công chúng và mất bạn đọc. Trung thực là nhân cách đáng quý, một trong những đặc trưng rất cơ bản của đạo đức xã hội. Một xã hội thiếu trung thực, phổ biến sự giả dối, là một xã hội suy đồi về văn hóa. Mà văn hóa lâm nguy thì còn đáng sợ hơn Tổ quốc lâm nguy. Nói thẳng, nói thật, bao giờ cũng là cần thiết, tốt cho sự phát triển bền vững. Nói dối không hề đem lại lợi ích, mà ngược lại có khi còn gây hậu quả nghiêm trọng. Khi cố ý nói sai, không chỉ là việc xấu, mà rất nhiều trường hợp còn là việc ác. Nói thẳng nói thật phải gắn với nói đúng và đạo đức nghề nghiệp. Nói sự thật với một tinh thần xây dựng, tấm lòng trong sáng, nhân văn. Khi đã nói sai mà dẫn đến gây hại cho con người và cho xã hội là ân hận lắm, day dứt lắm, muốn tìm mọi cách để nói lại rõ ràng, để xin lỗi bạn đọc, xin lỗi người bị hại, một cách sớm nhất và chân thành thật sự để tránh đi một điều ác, một điều xấu, dù là không cố ý. Đó là những người cầm bút biết tự trọng, có nhân cách. Nói thẳng, nói thật và nói đúng giúp người nghe tiếp cận được bản chất, chân lý. Hiện nay, ở nước ta, bên cạnh những người cầm bút chân chính (có thể là đại bộ phận), còn có một bộ phận khác đã bị mặt trái của cơ chế thị trường và sự tha hóa của quyền lực tác động. Họ tham gia vào các “nhóm lợi ích”, bị đồng tiền chi phối làm cho ngòi bút đi sai hướng, gây hại cho kinh tế và văn hóa, làm ảnh hưởng uy tín và danh dự của người làm báo. Trước tình hình như vậy, cần đặt ra yêu cầu phải lành mạnh hóa truyền thông.
Để nói thẳng nói thật cần phải có bản lĩnh, nhất là khi nào và ở đâu mà có những người lãnh đạo không muốn nghe sự thật. Những người có quyền lực mà không muốn nghe sự thật thì chính họ cũng là tác nhân cho sự suy đồi văn hóa. Bệnh thành tích, tâm lý thích khen, không ai muốn bị chê trách, không ai muốn phủ định mình cũng là lý do không thích nói thẳng, nói thật, nếu tình hình xấu mà lại liên quan đến trách nhiệm của mình. Không nhiều lắm, nhưng vẫn có những người lãnh đạo chân thành muốn nghe sự thật về yếu kém trong công việc của mình. Có được những người lãnh đạo như vậy quý lắm, đó là một trong những biểu hiện của “minh quân”.
Không có tư duy độc lập và không dám nói thật, luôn thụ động và nói theo, đồng nghĩa với tự đánh mất chính mình. Để nói đúng, đòi hỏi phải có thái độ và phương pháp khoa học, biết tiếp cận và biết xử lý thông tin, không chủ quan, tự phụ, luôn tự phản biện và sẵn sàng lắng nghe ý kiến khác mình, kịp thời điều chỉnh khi thấy ý kiến khác ấy có cơ sở khoa học. Tự tin, không đa nghi, nhưng biết lắng nghe. Trong lễ “Thổi lỗ tai” của đồng bào Tây nguyên có một thông điệp thật lý thú: Không phải bằng cái gì khác, không phải bằng miệng lưỡi tay chân mắt mũi, mà phải là lỗ tai, chỉ thông qua lỗ tai mà đứa trẻ mới thành người, mới có linh hồn.
Để tiếp cận được chân lý, tờ báo cần có nhiều cộng tác viên là các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và trên mặt báo luôn phản ánh tiếng nói của nhân dân với tư cách là những người tham gia làm chủ đất nước, tiếng nói nhiều chiều, có thể rất khác nhau, có khi tranh luận thẳng thắn, không một chiều, nhất là đối với những dự án lớn, công trình lớn. Nếu như nói thẳng nói thật đòi hỏi bản lĩnh, thì biết nghe vừa là khoa học, cũng vừa là bản lĩnh. Khoa học làm sáng rõ để giúp con người có thể vượt qua cái bóng đen của chính mình. Có bản lĩnh để có thể chiến thắng được bản thân. Thắng chính mình thường là khó nhất. Nhiều nhà tư tưởng tiền bối đã nói vậy. Những nhân tố mới, nhân cách đẹp phải được bảo vệ, tôn vinh để lan tỏa. Mặt khác, trong một xã hội mà báo chí không đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm” thì cơ thể xã hội ấy bị mất sức đề kháng - căn bệnh thế kỷ chết người mà cả thế giới phải quan tâm dồn sức chạy chữa như mọi người đã biết.
Xã hội rất cần báo chí
Xã hội rất cần báo chí nói riêng và truyền thông nói chung, tham gia tích cực việc chỉ rõ những yếu kém, lối ra và giải pháp khắc phục; đấu tranh chống “lợi ích nhóm”, tiêu cực và tham nhũng, lãng phí; thực hiện minh bạch hóa thông tin, đưa ra ánh sáng mọi việc để cho tiêu cực không còn nơi ẩn nấp và hệ thống chính trị sẽ trong sạch, vững mạnh hơn; xây dựng tinh thần dân tộc, tự hào với truyền thống lịch sử vẻ vang, và biết hổ thẹn với những thói hư tật xấu đã và đang làm hạn chế sự phát triển của dân tộc VN; và thiết tha tâm huyết đối với sự phát triển của đất nước, cải thiện cuộc sống của nhân dân, giảm nghèo nhanh hơn và bền vững. Báo chí nên trực tiếp thúc đẩy đổi mới căn bản nền giáo dục nước nhà, một sự đổi mới cho đúng hướng có cơ sở khoa học, để sau vài ba chục năm nữa ta sẽ có một dân tộc VN với trình độ khác, ở tầm cao mới; thúc đẩy tích cực việc đổi mới tư duy, chuyển đổi căn bản cơ cấu nền kinh tế đất nước thành một quốc gia công nghiệp hóa hiện đại và kinh tế tri thức, có nền nông nghiệp sinh thái công nghệ cao, thành một trung tâm du lịch lớn của thế giới, có những ngành công nghiệp phụ trợ ít ô nhiễm môi trường và giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp phần mềm công nghệ thông tin...; đẩy mạnh việc phổ biến các thông tin khoa học và công nghệ mới để nâng cao hiểu biết giúp sức cho sự khởi nghiệp kinh doanh của thế hệ trẻ VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.