|
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang (ảnh) cho biết, trước khi QH thảo luận dự thảo luật này vào hôm nay.
Dư luận hiện nay đang rất quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, trong dự thảo được sửa đổi như thế nào?
Đây là vấn đề mấu chốt, quan trọng nhất. Để khắc phục tình trạng thu hồi đất tràn lan như trước kia, luật lần này quy định rõ những dự án kinh tế xã hội (KT-XH) bao gồm những dự án gì, như thế nào mới được thu hồi. Như thu hồi để làm khu kinh tế, khu công nghiệp hoặc một số dự án ODA... Thậm chí, quy định rất cụ thể tên là gì, còn dự án khác không nằm trong danh sách xin mời các vị vào đầu tư trong khu công nghiệp hoặc tham gia đấu giá, hoặc là thỏa thuận. Tất nhiên, tất cả dự án đó phải đảm bảo tiêu chí phục vụ cho lợi ích quốc gia, công cộng. Số còn lại để phục vụ phát triển KT-XH thì đầu tư theo hình thức khác. Nói chung, chúng ta phải làm chặt chẽ bởi trước đây mình thả ra hơi nhiều, lần này cơ bản khắc phục được tồn tại của luật cũ.
Vừa rồi đoàn ĐBQH Thái Bình cho rằng cần xem xét chia lại ruộng đất nông nghiệp khi thời hạn giao đất sắp hết, trong khi ý kiến khác đề nghị không nên. Quan điểm của ông ra sao?
|
Tôi cũng có trả lời đoàn ĐBQH Thái Bình, nếu chia lại đất đai nông nghiệp thì loạn hết. Chúng ta không thể cứ đẻ ra là chia đất vì đất đâu có đẻ ra được. Bên cạnh đó, con người ta có quyền chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng, bố mẹ chết để lại cho con cái... Như vậy quyền của họ đã được xác nhận nên đất đai không thể nói là mình chia lại được, vì hậu quả chia lại ghê gớm. Hơn nữa sau 2020 lao động nông nghiệp chỉ chiếm 30-35%, người ta đi vào hoạt động công nghiệp, dịch vụ nhiều thì vấn đề đất nông nghiệp sẽ không quá nóng.
Sửa luật đất đai mấu chốt tập trung giảm khiếu kiện, ngăn ngừa lợi ích nhóm. Lần này khắc phục như thế nào, thưa ông?
Như tôi nói để khắc phục thì phải chấm dứt việc thu hồi đất tùy tiện. Về khiếu kiện, để hạn chế có nội dung quan trọng là cấp sổ đỏ vì nó liên quan đến quyền lợi người dân. Hiện nay xử lý vấn đề này rất khó khăn vì nhiều người thiếu tiền không nộp thuế để làm được. Chính vì vậy, khi sở hữu đất, có quyền rồi nhưng lại không được xác nhận, không có sổ nên sinh ra kiện cáo nhau. Vì vậy, lần này luật mới sẽ tập trung xử lý, tôi tin chắc vấn đề sẽ được giải quyết. Còn về lợi ích nhóm, ý tôi là trước kia giao đất nhưng bị lấy ra sử dụng sai mục đích làm đô thị, làm dự án bất động sản - bài học này mọi người hiểu hết rồi, nay phải khắc phục thật triệt để.
Khiếu kiện đất đai còn do giá cả đền bù khi thu hồi không thỏa đáng, luật giải quyết như thế nào?
Dự thảo luật quy định giá đất cơ bản phải phù hợp với thị trường, ngoài ra vẫn tồn tại khung giá, bảng giá. Sở dĩ trước kia còn khiếu kiện vì giá đất không ổn định, quá nóng do bị đầu cơ. Để khắc phục nó, cần có tổ chức đấu giá độc lập... Sau này nhà nước đền bù trên cơ sở tham khảo giá thị trường, trong giai đoạn bình thường, ổn định, không có đầu cơ.
Hiến pháp sửa đổi bỏ quy định thu hồi đất làm dự án làm KT-XH, nhưng luật lại đồng ý cho phép, vì sao lại có sự vênh nhau như vậy?
Không vênh gì cả, Hiến pháp quy định vấn đề chung nhất, không đi vào cụ thể từng khu đất này, khu đất kia, mà cái đó luật quy định. Đơn cử, dự án lớn của nhà nước như chế biến thủy sản, hải sản không vào khu công nghiệp sẽ phải thỏa thuận với dân, chứ không thể thu hồi đất để làm như trước... Chúng ta thu hồi đất để làm dự án KT-XH, nhưng phải phục vụ lợi ích công cộng, quốc gia và quy định rõ.
18 tổ chức kiến nghị chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai Ngày 16.6, 18 tổ chức xã hội và nghề nghiệp như: Hội Nghề cá, Viện Tư vấn phát triển (CODE), Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung... đã gửi kiến nghị đề nghị QH chưa biểu quyết thông qua dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, khóa XIII. Theo bản kiến nghị, những điều chỉnh trong dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất được trình để QH xem xét vẫn chưa phản ánh đầy đủ những nguyện vọng xác đáng của người dân. Cụ thể như cơ chế nhà nước thu hồi đất cần được vận hành thống nhất với quy định của Hiến pháp về quyền của nhà nước đối với việc trưng thu, trưng dụng, trưng mua tài sản của người dân. Vấn đề này còn đang được thảo luận trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Do đó, việc thông qua luật Đất đai (sửa đổi) cần được lùi lại chờ QH thông qua Hiến pháp sửa đổi để đảm bảo tính hợp hiến. Dự thảo cũng chưa có những đổi mới để khẳng định quyền tham gia của người dân vào các quyết định của nhà nước về đất đai, vào quá trình quản lý đất đai, giám sát việc thực thi pháp luật đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Ngoài ra, việc UBND cấp tỉnh vừa có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, vừa có thẩm quyền quyết định giá đất là một quy định chứa đựng nguy cơ tham nhũng rất cao. Đình Sơn |
Anh Vũ - Nguyệt Minh
>> Tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan
>> Sửa luật để đền bù thỏa đáng khi thu hồi đất
>> Đề nghị không thu hồi đất đã giao không đúng thẩm quyền
>> Thường vụ Quốc hội thảo luận dự luật Đất đai sửa đổi: Không thể không thu hồi đất
>> “Bảo lưu” quy định thu hồi đất thực hiện dự án kinh tế xã hội
Bình luận (0)