'Không phải thanh tra nhiều là tốt, không được gây khó khăn cho DN. Thanh tra không phải con ngáo ộp để dọa dân, dọa DN', Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng nói.
Biển báo phù hợp ở khu vực trước hầm chui Thanh Xuân - Ảnh: Ngọc Thắng |
Hôm qua 19.1, phát biểu tại hội nghị tổng kết Thanh tra ngành GTVT giai đoạn 2011 - 2015, triển khai nhiệm vụ 2016 - 2020, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết đơn vị này đang rà soát và tháo bỏ tất cả các biển báo bất hợp lý.
|
Nghe vậy, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chất vấn: Tại sao không nhổ biển báo? Tổng cục chỉ báo cáo có vài biển báo bất hợp lý, nhưng vừa rồi tin nhắn của người dân ở nhiều nơi vẫn gửi đến số điện thoại của Bộ trưởng. Như hôm qua có tin nhắn báo đường 356 tại Hải Phòng có tới 8 biển báo dưới 30 km/giờ. Báo chí cũng nói biển báo “bẫy” nhiều không nhổ xuể.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, trần tình: “Sau khi nhận được tin báo tại Khánh Hòa, trong 2 ngày tổng cục đã tháo dỡ 19 biển tại tỉnh này. Nhiều đoạn đang thi công nên chưa nhổ được”. Bộ trưởng chỉ đạo: “Đang thi công cũng nhổ. Vì sao khi báo cáo chỉ có vài biển lẻ tẻ, nhưng khi nhận được tin nhắn lại nhổ ra nhiều biển như vậy. Vai trò của Thanh tra, Chi cục Quản lý đường bộ đâu?”. Ông Thăng yêu cầu giao cho ông Vũ Đỗ Anh Dũng, chậm nhất trong tháng 2, toàn bộ biển báo từ 40 km/giờ trở xuống bỏ hết. “Nếu biển ở lại thì người phải đi. Anh quản lý không được thì phải đi làm việc khác”, ông Thăng nói.
Bộ trưởng Thăng nhắc lại ông đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan đi kiểm tra từng biển một, chưa thay đổi được thì nhổ biển vứt đi, không tốn tiền gì cả, không thể để người dân bức xúc, kêu ca mãi. “Biển báo e ấp sau cây, đọc nghe đau xót quá. Vẫn còn biển báo bất hợp lý ở khắp nơi. Các ông phải nhổ đi!”, ông Thăng yêu cầu. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đề xuất cần có chế tài với những người cắm lại biển, vì năm 2012, 2013 việc nhổ biển báo bất hợp lý đã được thực hiện nhưng nay lại tái diễn.
Lãnh đạo thử đóng vai người dân mua vé xem khổ thế nào
Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ, ông vừa nhận được tin nhắn một số xe bao sân không theo cung cầu, và chất vấn: Thủ tục cấp phép có công khai minh bạch không? Ông Trần Đăng Hải, Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, xử lý xe dù bến cóc ở Hà Nội rất khó khăn. Hằng năm phục vụ người dân đón tết đều có kế hoạch, chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) vận tải căn cứ vào lượng khách để cấp phù hiệu tăng cường cho các xe. Ông Thăng hỏi: “Sở có cam kết xe xuất phát từ Hà Nội đi không có nhồi nhét không?”. Đáp lại, ông Hải cho biết đã phối hợp với ban quản lý các bến xe để kiểm tra xe từ bến không cho nhồi nhét khách, nhưng đi trên đường rất khó quản lý. Bộ trưởng Thăng yêu cầu, có hiện tượng nhồi nhét thì cần khắc phục, chấn chỉnh; có phương án cấp bổ sung phù hiệu cho các DN có nhu cầu để xe đi luôn. Sở phải chuẩn bị sẵn, khi phát hiện xe nhồi nhét phải xử phạt và có phương án san sẻ khách ngay.
Bộ trưởng Thăng cũng yêu cầu Tết Nguyên đán sắp tới phải đảm bảo phương tiện, không được để người dân không có phương tiện về quê. Ngành đường sắt, đường thủy, đường bộ, hàng không phải tăng cường phương tiện an toàn, hạn chế thấp nhất tình trạng nhồi nhét khách. Tại một số ga đường sắt, bến xe còn chen chúc mua vé, phải khắc phục ngay. “Người dân phải chen nhau mua vé rất khổ sở, còn phải mua giá vé cao. Lãnh đạo thử đóng vai người dân đi xem có được tấm vé đi vào dịp tết khổ sở thế nào. Cố gắng giảm tối đa nhồi nhét khách, nâng giá vé, cò vé. Phải thấu hiểu mới ra được chính sách tốt, phù hợp”, ông Thăng nhấn mạnh.
Thanh tra không phải “ngáo ộp” để dọa dân
Theo báo cáo của Thanh tra GTVT, giai đoạn 2011 - 2015, Thanh tra các cục, tổng cục chuyên ngành đã thực hiện hơn 485.000 cuộc thanh tra, xử phạt vi phạm hơn 938.000 vụ. Tại cuộc họp, đại diện Thanh tra Chính phủ đánh giá cao công tác thanh tra của Bộ GTVT - là bộ có số lượng đơn thư khiếu nại tố cáo ít hơn so với các bộ ngành khác.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngành GTVT tiêu tiền lớn nhất, tiềm ẩn rủi ro nguy cơ tham nhũng. Chỉ có chuyện cấp phù hiệu xe tăng cường tết cũng đã đầy rẫy tiêu cực, người dân phản ánh việc xe nhồi nhét khách chứng tỏ có thật, nhưng Hà Nội, TP.HCM đều bảo không có. “Ta tổ chức gần 500.000 cuộc thanh tra thì phải đặt vấn đề là bao nhiêu DN bị mất thời gian để làm việc với thanh tra. Thanh tra phải như cái gương để người ta soi, gương mờ thì không soi được. Phải xử lý mọi việc công tâm, khách quan và đừng “đặt vấn đề” với người dân. Không phải thanh tra nhiều là tốt, không được gây khó khăn cho DN. Thanh tra không phải con ngáo ộp để dọa dân, dọa DN”, ông Thăng yêu cầu.
Về cán bộ thanh tra, ông Thăng chỉ đạo việc luân chuyển, xử lý phải nghiêm minh. Khi phát hiện cán bộ có dấu hiệu “việc nọ việc kia” thì phải luân chuyển. Tuy nhiên, xử lý kỷ luật và cách chức là một trong những giải pháp cuối cùng, không ai muốn cách chức cán bộ, phải làm thế nào để tốt lên.
Bình luận