Bộ trưởng Y tế: Tăng viện phí là có lợi cho người dân

13/11/2012 18:35 GMT+7

(TNO) Chi phí khám chữa bệnh, đặc biệt là giá thuốc bị buông lỏng là những vấn đề đại biểu quốc hội (ĐBQH) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời trong buổi chất vấn chiều nay (13.11).

(TNO) Chi phí khám chữa bệnh, đặc biệt là giá thuốc bị buông lỏng là những vấn đề đại biểu quốc hội (ĐBQH) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời trong buổi chất vấn chiều nay (13.11).

“Bộ Y tế không quản lý được giá thuốc”

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nêu lên thực trạng giá thuốc của các bệnh viện qua đấu thầu cao hơn nhiều giá thuốc trên thị trường đang tạo gánh nặng cho bệnh nhân, gây khó khăn cho quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) mà lợi thì thuộc về công ty dược.

Cùng vấn đề này, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) bức xúc việc quản lý đấu thầu giá thuốc hiện nay tạo kẽ hở tồn tại chênh lệch giá quá cao. Cụ thể, theo ĐB Vở, cùng một chủng loại thuốc, ở cùng một địa phương nhưng giá lại chênh lệch đến 40%.

 
ĐB Phạm Xuân Thường
ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) chất vấn về giá thuốc - Ảnh: Ngọc Thắng

Các ĐB cho rằng việc giao quyền cho bệnh viện tự đấu thầu thuốc đã gây chênh lệch giá. Không chỉ thế, trên thị trường dược, giá thuốc ở mỗi nhà thuốc cũng đều khác nhau (so sánh cùng loại, cùng thời điểm, địa phương).

“Tôi có thể khẳng định Bộ Y tế không quản lý được giá thuốc”, ĐB Nguyễn Sĩ Cương phát biểu.

Vì vậy, các ĐB đã yêu cầu người đứng đầu ngành y tế giải trình về trách nhiệm của Bộ Y tế và giải pháp quản lý thị trường dược.

 
Tôi có thể khẳng định Bộ Y tế không quản lý được giá thuốc
 ĐB Nguyễn Sĩ Cương
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận thực trạng các ĐB nêu ra là hoàn toàn xác đáng. Theo Bộ trưởng, giá thuốc bị đẩy lên do quá trình mua bán lòng vòng, qua nhiều trung gian, hãng dược bắt tay với thầy thuốc để kê đơn biệt dược. Theo đó, “những sai phạm trong mức độ vừa phải thì ngành y tế đều có kiểm tra, còn những chênh lệnh quá lớn đã chuyển qua xử lý hình sự”, Bộ trưởng nói.

Mặt khác, bà Tiến cho biết, tình trạng giá thuốc diễn biến như hiện nay là do quản lý nhà nước có kẽ hở không hướng dẫn kỹ hồ sơ mời thầu, không quy định kết quả đấu thầu thuốc phải có giá thấp hơn giá các hãng đã niêm yết kê khai.

“Bệnh viện, ngành y tế là người quản lý sản xuất thuốc, kê đơn chữa bệnh đồng thời quản lý giá. Đây là một bất cập kiểu như “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Vì vậy, theo tôi cơ quan y tế chỉ nên quản lý chuyên môn chứ không nên quản lý cả giá. Thuốc là một mặt hàng thiết yếu nên cũng nên được quản lý giá như các ngành khác (xăng, gạo,…). Sắp tới ngành y tế sẽ chuyển việc quản lý giá cho nơi khác”, Bộ trưởng đề xuất.

Đồng thời, bà Tiến cho biết riêng ngành y tế đã ban hành thông tư mới chia nhóm thuốc dựa vào xuất xứ; quy định giá trúng thầu phải thấp hơn giá trước đó hãng đã kê khai niêm yết; hướng dẫn hồ sơ cụ thể khách quan với giá tiền Việt Nam đồng lẫn USD để tránh đơn vị lợi dụng lý do chênh lệnh tỉ giá; ban hành quy chế thầy thuốc kê đơn phải dùng tên thuốc là tên gốc và hạn chế biệt dược.

Bộ Y tế cũng lập hội đồng lên danh mục kê khai giá 17.000 loại thuốc và thông báo công khai trên website của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế. Tương lai sẽ thành lập ủy ban đấu giá quốc gia để đấu giá chọn một mặt hàng thuốc một giá thống nhất trên toàn quốc.

Tăng viện phí là lợi cho người dân

Đó là trả lời của người đứng đầu ngành y tế trước những chất vấn của ĐBQH về việc điều chỉnh giá các dịch vụ khám chữa bệnh vừa được thực hiện.

ĐB Phạm Xuân Thường
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn - Ảnh: Ngọc Thắng

“Điều chỉnh giá dịch vụ y tế không ảnh hưởng đến người nghèo, người khám chữa bệnh mà là có lợi hơn với người có BHYT và đối tượng nghèo đều được Nhà nước mua BHYT”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

 
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế không ảnh hưởng đến người nghèo, người khám chữa bệnh mà là có lợi hơn với người có BHYT và đối tượng nghèo đều được Nhà nước mua BHYT
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến 
Bộ trưởng cho rằng khung viện phí cũ đã có từ năm 1995. Khi đó, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 2-3 triệu đồng. Đến nay, lương đã tăng 8,7 lần, thu nhập bình quân đầu người lên đến 1.000 USD, trượt giá 2,34 lần và giá đầu vào các loại đều tăng. Giá khám chữa bệnh thực tế ở các bệnh viện đều tăng hơn so với khung giá cũ. Nếu không tính đúng, tính đủ giá thì người bệnh khám chữa BHYT sẽ phải trả thêm tiền chênh lệch lớn khi khám chữa bệnh. Trong khi nếu áp dụng khung viện phí mới tính đúng thì bệnh nhân không phải trả thêm chênh lệch nữa. Theo bà Tiến, với giá viện phí cũ “chúng ta đã làm khổ người dân quá nhiều vì có BHYT mà vẫn phải trả thêm tiền điều trị lớn, người dân chẳng muốn tham gia BHYT nữa”.

Mặt khác, bệnh viện lại chịu không nổi với mức thu như cũ.

Bà Tiến giải thích việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là theo đúng chủ trương giá dịch vụ công phải tính đúng tính đủ theo giá thị trường. Nhà nước sẽ giảm nguồn chi vào đơn vị y tế mà tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo như mua BHYT cho người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào thiểu số, người hó khăn. Vì vậy, việc điều chỉnh giá dịch vụ sẽ giúp tiến tới và tương lai là chúng ta phải tiến tới BHYT toàn dân. Khi đó, người dân chỉ việc đi khám bệnh còn việc chi trả là giữa BHYT và cơ quan khám chữa bệnh.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.