Bức xúc kéo dài, tiểu thương An Đông bãi thị

20/09/2017 08:31 GMT+7

Sáng qua, 19.9, hơn 2.000 tiểu thương chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) đã chính thức bãi thị, sau gần 4 năm kiến nghị nâng cấp sửa chữa chợ nhưng không được giải quyết.

Giọt nước tràn ly
Buổi bãi thị hôm qua có thể nói là “giọt nước tràn ly” giữa lãnh đạo Q.5 với tập thể tiểu thương chợ An Đông. Có hàng trăm biểu ngữ, băng rôn được các tiểu thương giăng kín trước mặt tiền chợ. Đặc biệt, tên các lãnh đạo UBND TP.HCM, thành ủy TP.HCM cũng được ghi rõ trên băng rôn với nội dung “hãy cứu tiểu thương”.

tin liên quan

Tiểu thương chợ An Đông bãi thị
Sáng 19.9, nhiều tiểu thương đang kinh doanh tại Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (chợ An Đông, Q.5. TP.HCM) đã đồng loạt ngưng kinh doanh, đóng cửa sạp...
Đến 9 giờ cùng ngày, sau hơn 2 giờ tiểu thương tập trung bãi thị và yêu cầu gặp lãnh đạo Q.5, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Q.5, mới tới trước tiền sảnh chợ, trả lời những yêu cầu của tiểu thương. Theo ông Huy, mọi đóng góp của tiểu thương quận sẽ sử dụng hoàn toàn cho dự án nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ An Đông từ nay đến năm 2021. Việc tiểu thương ký hợp đồng thuê có thời hạn chợ là theo quy định mới của Chính phủ. Ngoài ra, ông Huy nhấn mạnh: “Với những ý kiến được phản ánh, quận sẽ ghi nhận và chờ sự chỉ đạo từ TP để có hướng giải quyết”. Ý kiến này của ông Huy ngay lập tức nhận được sự phản ứng gay gắt từ phía tiểu thương.
Sau hơn 1 tiếng đồng hồ đối thoại không có kết quả và hơn 2 giờ tập trung bãi thị trước chợ, tập thể tiểu thương chợ hội ý và cùng nhau đi đến trụ sở UBND TP.HCM để kiến nghị. Tại văn phòng UBND TP.HCM, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng Xử lý đơn - Ban Tiếp công dân TP.HCM đã tiếp 5 đại diện của hơn 2.000 tiểu thương. 3 yêu cầu của tiểu thương được đưa ra và Ban Tiếp công dân TP.HCM chỉ tiếp thu các phản ánh của tiểu thương và hứa sẽ thông tin lại sau 10 ngày theo thời gian quy định.
An Đông bị đối xử bất công
3 nội dung tập thể tiểu thương Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (chợ An Đông) đưa ra là: Thứ nhất, ngay lập tức ban hành quyết định bãi bỏ hợp đồng cho thuê sạp có thời hạn đối với tiểu thương chợ An Đông do đây là chợ truyền thống loại 1 như hai chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, tiểu thương được phép kinh doanh không có thời hạn. Thứ hai, công nhận quyền sở hữu quầy sạp của tiểu thương do chợ được chính họ đóng góp xây dựng. Thứ ba, đưa toàn bộ số tiền đã thu của tiểu thương từ năm 2013 với mục đích sửa chữa chợ là 217 tỉ đồng gửi vào ngân hàng và có đại diện tiểu thương đồng làm chủ tài khoản để quản lý.
Các tiểu thương bức xúc, chợ An Đông là một trong 3 chợ truyền thống loại 1 của TP.HCM nhưng chính sách của hai chợ Bến Thành và Bình Tây tuân theo quy định của chợ truyền thống loại 1, còn An Đông thì bị đối xử khác hẳn. Hiện trong tay các tiểu thương có ít nhất là 4 biên bản làm việc có đầy đủ cam kết thời hạn sửa chữa chợ sớm của lãnh đạo UBND Q.5 chưa kể hàng loạt các buổi đối thoại, gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc, tâm tình, công bố thanh tra giữa tiểu thương với một số lãnh đạo Ban Quản lý chợ, UBND Q.5, Sở Công thương, UBND TP.HCM, đoàn thanh tra liên ngành... Tuy nhiên, theo các tiểu thương, tất cả chỉ là những lời hứa hẹn suông để xoa dịu bức xúc.

tin liên quan

Sẽ thanh tra việc thu chi tại chợ An Đông
Ngày 6.1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến có buổi gặp gỡ làm việc với các đại diện tiểu thương Trung tâm thương mại - dịch vụ An Đông (chợ An Đông) nhằm giải quyết một số kiến nghị.
Theo phản ánh, năm 2013, hơn 2.000 tiểu thương đã đóng cho UBND Q.5 217 tỉ đồng (trước đây, con số được công bố là 237 tỉ đồng - NV) với mục đích do UBND Q.5 đưa ra là nâng cấp sửa chữa chợ. Sang năm 2014, công trình mang tên “nâng cấp, sửa chữa hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh, điện động lực” được thi công với tổng số tiền hơn 11,3 tỉ đồng nhưng dãy 4 nhà vệ sinh của chợ mới được đưa vào sử dụng chưa tới 2 năm thì ngày 26.4 vừa qua, trần nhà vệ sinh tại tầng trệt bị sập khiến 2 nhân viên bán hàng trong chợ bị thương.
Tiếp đó, trong khi số tiền 217 tỉ đồng của tiểu thương đóng từ năm 2013, được UBND Q.5 giải thích là “bảo quản yên ổn không sứt mẻ đồng nào trong kho bạc nhà nước, không có đồng tiền lãi nào”, thì cuối năm 2016, trong một buổi trao đổi với tiểu thương, trưởng ban quản lý chợ vô tình thông tin có 400 triệu đồng tiền lãi từ khoản thu này. Trong khi hạ tầng của chợ vẫn tiếp tục xuống cấp thê thảm, các khoản thu chi không rõ ràng thì hằng năm, ban quản lý chợ vẫn tiếp tục thu 200.000 - 250.000 đồng/tháng/sạp. Khoản thu này đã được UBND TP.HCM lệnh tạm ngưng thu từ đầu năm nay, song đến tháng 5 vừa qua, ban quản lý chợ lại tiếp tục thu và truy thu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.