Bùi Tiến Dũng tiếp tục ra tòa

11/09/2009 23:57 GMT+7

Như Thanh Niên đã đưa tin, dự kiến ngày 24.9 sẽ xét xử sơ thẩm Bùi Tiến Dũng - nguyên Tổng giám đốc PMU 18 - về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; cùng 4 bị cáo khác phạm tội "tham ô tài sản".

Cho mượn và sử dụng trái quy định 9 ô tô

Cáo trạng số 13/VKSTC-V1A ngày 3.8.2009 xác định hành vi phạm tội của Bùi Tiến Dũng, nguyên Tổng giám đốc Ban quản lý các dự án 18 (PMU 18) như sau:

Trong thời gian Bùi Tiến Dũng làm Tổng giám đốc PMU18 đã có hành vi điều động, cho mượn 30 ô tô do PMU18 quản lý. Dũng còn yêu cầu nhà thầu BC1 - dự án xây dựng cầu Bãi Cháy - mua 3 ô tô không đúng chủng loại và sử dụng không đúng quy định. Cáo trạng của Viện KSND Tối cao xác định cụ thể 9 ô tô mà Bùi Tiến Dũng đã cho mượn và sử dụng trái quy định gồm:

Xe BMW biển số 31A-4645 được PMU 18 mua tháng 10.1999 bằng vốn ODA (trị giá khi mua là 832,9 triệu đồng) trang bị cho Tư vấn thiết kế thuộc Dự án cầu QL1. Sau khi mua xe, PMU 18 không chuyển giao cho Tư vấn thiết kế theo hợp đồng mà Bùi Tiến Dũng ký quyết định điều xe này cho Công đoàn ngành GTVT mượn (xe mới 100%). Kết quả giám định thiệt hại trong thời gian cho mượn xe (từ tháng 11.1999 - 3.2006) là 529 triệu đồng.

Xe Toyota Land Cruiser biển số 31A-6226 được mua bằng vốn ODA (trị giá khi mua 883,5 triệu đồng) phục vụ công tác duy tu bảo dưỡng sau khi dự án hoàn thành. PMU 18 sử dụng xe từ tháng 9.2003, tới ngày 22.6.2004, theo chỉ đạo của Bùi Tiến Dũng, PMU 18 đã bàn giao ô tô này cho ban quản lý dự án tả ngạn thuộc UBND TP Hà Nội, không liên quan đến công tác duy tu bảo dưỡng của PMU 18. Kết quả giám định thiệt hại trong thời gian cho mượn xe là 284,2 triệu đồng.

Tương tự, Bùi Tiến Dũng còn cho các đơn vị khác (không liên quan gì đến các dự án) mượn các xe: Toyota biển số 31A-5535 (gây thiệt hại 140,2 triệu đồng); Mitsubishi biển số 31A-3790 (gây thiệt hại 493,9 triệu đồng); Isuzu biển số 31A-5545 (gây thiệt hại 409 triệu đồng); Isuzu biển số 31A-5544 (gây thiệt hại 156 triệu đồng). Đáng chú ý, thay vì phải mua 5 ô tô phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng dự án cầu Bãi Cháy, Bùi Tiến Dũng yêu cầu mua 3 xe không đúng chủng loại, gồm: Mercedes E240 biển số 31C-6868 (trị giá khi mua là 1,57 tỉ đồng) để sử dụng không đúng tiêu chuẩn, định mức, kết quả giám định đã gây thiệt hại 328,3 triệu đồng; Toyota Camry 3.0 biển số 31B-1819 (trị giá khi mua 1 tỉ đồng), Bùi Tiến Dũng sử dụng xe này không đúng tiêu chuẩn, gây thiệt hại 131,56 triệu đồng; Toyota Camry 3.0 biển số 31A-6886, Bùi Tiến Dũng cho Cục Đường sắt mượn từ ngày 8.6.2005 (xe mới 100%), gây thiệt hại 206,8 triệu đồng. Tổng cộng, theo kết luận giám định việc Bùi Tiến Dũng cho mượn và sử dụng trái quy định 9 xe nói trên đã gây thiệt hại hơn 2,6 tỉ đồng.

Đình chỉ điều tra tội “nhận hối lộ”

Cơ quan điều tra cũng xác định Bùi Tiến Dũng còn điều động, cho mượn 23 ô tô khác. Nhưng xét thấy Dũng điều động các xe này trong phạm vi cơ quan chủ đầu tư sử dụng, có bút phê hoặc văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, để phục vụ công tác nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Bùi Tiến Dũng về việc cho mượn số xe này.

Cáo trạng của Viện KSND Tối cao cũng xác định hành vi “đưa hối lộ” của bị can Phạm Tiến Dũng và “nhận hối lộ” của Bùi Tiến Dũng như sau: Kết quả điều tra đã xác định, năm 2001 Bùi Tiến Dũng cùng vợ là Lê Thị Hải Vân mua một lô đất 241,6m2 ký hiệu NV-B18 tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội để xây nhà vườn; Bùi Tiến Dũng có nhờ Phạm Tiến Dũng tổ chức thi công và trả tiền hộ khoảng 600 triệu đồng. Tuy nhiên cơ quan điều tra thấy hành vi của Phạm Tiến Dũng không cấu thành tội “đưa hối lộ”, và Bùi Tiến Dũng không cấu thành tội “nhận hối lộ” nên đã đình chỉ 2 tội danh trên.

Liên quan đến ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cáo trạng của Viện KSND Tối cao cũng xác định: Trong quá trình chỉ đạo thực hiện các dự án nguồn vốn ODA, ông Nguyễn Việt Tiến đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, thiếu kiểm tra đôn đốc, để xảy ra nhiều vi phạm ở PMU 18 là đã phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, xem xét các yếu tố khách quan, chủ quan và thời điểm xảy ra tội phạm, ngày 28.3.2008, Viện KSND Tối cao ra quyết định số 13/VKSTC-V1A đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Việt Tiến về các tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, miễn trách nhiệm hình sự về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

4 bị can bị truy tố tội “tham ô tài sản”

Trong 4 bị can cấp dưới của Bùi Tiến Dũng ở PMU 18 bị truy tố tội “tham ô tài sản”, có Lê Thị Thanh Hòa (nguyên Phó phòng PID6) là vợ của bị can Phạm Tiến Dũng (nguyên Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch - PMU 18, bị chết vì bệnh hen trong thời gian tạm giam).

Cáo trạng xác định: trong quá trình triển khai các gói thầu dự án cải tạo nâng cấp QL18, các bị can Vũ Mạnh Tiên (nguyên Phó chánh văn phòng PMU 18), Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Phó phòng PID6), Lê Thị Thanh Hòa và Bùi Thu Hạnh (cán bộ Phòng Tài chính kế toán PMU 18) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Cụ thể, Vũ Mạnh Tiên đã chiếm đoạt số tiền 690.547.400 đồng từ việc lập hợp đồng cho thuê ô tô, cho thuê trụ sở. Lê Thị Thanh Hòa cùng chồng là Phạm Tiến Dũng lập hợp đồng cho thuê nhà số 167 chiếm đoạt 270 triệu đồng; hợp đồng cho thuê nhà số 198 chiếm đoạt 176 triệu đồng; hợp đồng cho thuê nhà số 13 chiếm đoạt 70 triệu đồng; tổng số tiền chiếm đoạt là 516 triệu đồng. Nguyễn Thanh Sơn lập hợp đồng cho thuê nhà số 198 (gói thầu 1) chiếm đoạt 225 triệu đồng. Bùi Thu Hạnh chiếm đoạt số tiền lương khống là 53.200.000 đồng.

Viện KSND Tối cao xác định, trong quá trình điều tra, Lê Thị Thanh Hòa, Nguyễn Thanh Sơn, Bùi Thu Hạnh đã nộp lại số tiền chiếm đoạt để khắc phục hậu quả và khai báo thành khẩn, nên đề nghị tòa án áp dụng điều 46 Bộ luật Hình sự giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Nhóm PV Thời sự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.