Buôn lậu thuốc lá đánh chết cán bộ QLTT: Tay không bắt buôn lậu

17/09/2016 08:25 GMT+7

Vụ việc một cán bộ quản lý thị trường ở Long An bị nhóm buôn lậu thuốc lá đánh chết đêm 15.9 để cướp lại tang vật là cực kỳ nghiêm trọng, thách thức pháp luật.

Đánh tới tấp
Ngày 15.9, sau khi nhận được thông tin có nhóm người vận chuyển hàng lậu, tổ chống buôn lậu của Đội quản lý thị trường (QLTT) số 1 (đóng tại H.Đức Hòa, Long An) lập phương án truy bắt. Theo đó, anh Nguyễn Kim Danh và anh Đoàn Minh Bổn được cử tới địa bàn nắm tình hình rồi đưa chiếc ghe nhỏ lên và ngụy trang để chờ. Tổ công tác có 4 người. Gần nửa đêm, Đội trưởng Sâm trực tại văn phòng để điều phối, 3 người còn lại là anh Danh, Nguyễn Tuấn Anh và Bổn cùng với 3 người cơ sở chia làm 2 mũi tới kinh Tùng (xã Thạnh Lợi, H.Bến Lức), giáp ranh với xã Bình Hòa Nam (H.Đức Huệ) để đón lõng nhóm buôn lậu. Trong đó, Tuấn Anh và một cơ sở thì theo dõi đường bộ, còn đường sông thì anh Danh, Bổn cùng 2 cơ sở và một tài công đi trên một chiếc ghe.
Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, phát hiện chiếc vỏ lãi chở thuốc lá lậu từ hướng biên giới chạy về, lực lượng QLTT bắt giữ và đưa về đội. Nhưng vừa đi được một đoạn thì phát hiện nhóm người buôn lậu đuổi theo và ập vào đánh. Do trời tối, không có điện, nên lực lượng QLTT không xác định được nhóm buôn lậu bao nhiêu người, cũng không xác định được họ đánh bằng gì. Chỉ biết họ đông người, đánh tới tấp khiến anh Danh từ trên ghe rớt xuống kênh. Mọi người lo đưa anh Danh lên thì nhóm buôn lậu nhảy sang ghe QLTT, cướp lại toàn bộ số thuốc lá lậu.
Anh Danh được đưa về Bệnh viện đa khoa Hậu Nghĩa cấp cứu. Nhưng đến khoảng 0 giờ 30 ngày 16.9, anh Danh đã tử vong vì vết thương quá nặng. Sau khi làm các thủ tục, 14 giờ cùng ngày cơ quan chức năng đã đưa thi thể anh Danh về nhà riêng tại KP.4, TT.Đức Hòa.
 Anh Nguyễn Kim Danh Ảnh: Khôi Nguyên
     Anh Nguyễn Kim Danh - Ảnh: Khôi Nguyên   
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó giám đốc Sở Công thương Long An, thời gian qua lực lượng QLTT Long An phối hợp với các đơn vị chức năng như hải quan, công an, bộ đội biên phòng, tập trung phá các tụ điểm buôn lậu lớn ở các địa điểm trọng yếu trên địa bàn tỉnh. Những địa điểm thường xảy ra buôn lậu như tuyến giáp ranh giữa 2 huyện Đức Huệ và Đức Hòa. Cụ thể như bến phà Lộc Giang, hoặc tuyến giáp ranh giữa Đức Huệ với tỉnh Tây Ninh và Đức Huệ đi Svay Rieng, Campuchia… Để đánh lạc hướng lực lượng chức năng, giới buôn lậu luôn thay đổi địa điểm.
Chúng tôi hỏi: “Thường QLTT phối hợp với các lực lượng khác trong chống buôn lậu, vậy tại sao đêm 15.9 tổ công tác chỉ có 4 nhân viên QLTT?”. Ông Hồng cho biết sự việc xảy ra sâu trong nội địa nên không phối hợp với bộ đội biên phòng. “Hơn nữa, cũng còn tùy vụ việc mà phối hợp hay không phối hợp vì QLTT cũng có kế hoạch tác chiến độc lập. Đây là việc QLTT làm thường xuyên chứ không phải lần đầu tiên. Hơn nữa, từ trước đến giờ, QLTT bị giới buôn lậu bao vây để cướp lại tang vật là chuyện thường xảy ra”, ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, từ cuối năm 2015, sau vụ Bộ Công an đánh vụ buôn lậu lớn ở Long An, các đối tượng buôn lậu đã thay đổi phương thức bằng cách chẻ nhỏ hàng lậu ra và đi theo nhiều tuyến để đối phó. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu thường thuê người của địa phương ở khu vực biên giới mang, vác hàng lậu, mà những người này rất rành đường đi lại, mùa nắng đi đường nào, mùa nước nổi đi đường nào và cũng rất rành lực lượng chống buôn lậu. Như, họ đi trong giờ học trò tan trường, thì dù có phát hiện cũng không dám truy đuổi quyết liệt. Đặc biệt, giới buôn lậu biết rất rõ lực lượng QLTT không được trang bị công cụ hỗ trợ. Chính vì vậy mà mỗi khi bị bắt, họ áp sát QLTT và rất manh động để cướp lại tang vật. Trong tình huống này, QLTT chỉ có thể chống đỡ chứ không dám đánh trả. Thậm chí, có nhiều trường hợp họ dùng phụ nữ ôm lực lượng chống buôn lậu để cướp lại tang vật.
Tối qua, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết chiều cùng ngày ông đã tới thăm hỏi, động viên gia đình anh Danh. “Đây là vụ đặc biệt nghiêm trọng, là mất mát lớn của đảng bộ và chính quyền tỉnh Long An. Chúng tôi đang chờ kết luận chính thức của cơ quan điều tra. Sau đó tỉnh sẽ thực hiện chính sách đầy đủ theo quy định, vì anh Danh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Quan điểm của tỉnh là phải cương quyết và qua việc này phải làm rõ, để đề nghị với T.Ư phải cương quyết hơn. Cụ thể là đề nghị trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng QLTT”, ông Cần nhấn mạnh.
Lần cuối trò chuyện với con
Anh Danh mất đi để lại mẹ già 80 tuổi. Cha của anh là liệt sĩ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vợ anh là chị Nhan Huỳnh Thị Trân (46 tuổi) ở nhà làm nội trợ và chăm sóc hai con gái: Nguyễn Nhan Thảo My (13 tuổi, học lớp 7) và Nguyễn Thảo Nguyên (11 tuổi, lớp 5). Chị Trân nghẹn ngào kể: “Khoảng 6 giờ chiều 15.9, tôi thấy anh ăn vội vàng chén cơm nguội với cá kho. Tôi có nói để em nấu chén canh rồi ăn nhưng anh bảo anh ăn tạm còn đi làm gấp do cơ quan phân công. Ăn xong anh còn chúc hai con trung thu vui vẻ. Nào ngờ đó là lần cuối cùng anh trò chuyện với vợ con”.
Khôi Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.