Các dự án thu phí BOT đang gây áp lực kinh tế cho người dân

26/08/2016 15:20 GMT+7

Qua các cuộc kiểm toán đã thực hiện và đang tiến hành, kiểm toán sẽ kiến nghị Chính phủ quan tâm bố trí các nguồn vốn, trái phiếu Chính phủ để giảm bớt các dự án BOT , đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết.

Sáng 26.8, Kiểm toán Nhà nước đã họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2014.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về kết quả kiểm toán đối với một số dự án BOT đã thực hiện, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết đã phát hiện ra nhiều bất cập về cơ chế, chính sách. Trong đó, do quy định về cách xác định lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí và chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, dẫn đến việc xác định một số chỉ tiêu trong phương án tài chính của nhà đầu tư chỉ dựa trên khảo sát ngắn ngày của đơn vị tư vấn, hoặc tham khảo các hợp đồng tương tự để thực hiện, nên khó xác định tính đúng đắn của phương án tài chính.

tin liên quan

Trạm thu phí bất hợp lý và tùy tiện
Trạm thu phí Quán Hàu (Quảng Bình) đặt ở vị trí mà người dân không sử dụng đường đi cũng phải “cõng” phí. Đã thế, việc thu phí lại hết sức tùy tiện, nhân viên thu phí thái độ thách thức.
Bên cạnh đó, một số dự án BOT mở các trạm thu phí có khoảng cách rất ngắn, chẳng hạn trạm thu phí dự án mở rộng quốc lộ 1 qua tỉnh Quảng Bình và trạm thu phí Hầm Đèo ngang chỉ cách nhau 10 km, trong khi đó, theo quy định, các trạm thu phí phải bố trí cách nhau tối thiểu 70 km, nhưng lại có thêm "cơ chế mềm" khác là nếu các trạm thu phí cách nhau dưới 70 km thì phối hợp với địa phương để có phương án. Chúng tôi đã kiến nghị không nên để lại "cơ chế mềm" này, cứ đúng quy định mà thực hiện”, đại diện Kiểm toán Nhà nước nói.
Chia sẻ thêm thông tin, ông Nguyễn Huỳnh Tịnh, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực 9 cho hay, tại nhiều dự án BOT có tổng mức đầu tư lớn nhưng nhà đầu tư chỉ có phần vốn góp rất nhỏ, còn lại là vay ngân hàng. Lãi suất và chi phí lãi và trả gốc cao khiến thời gian hoàn phí lâu, dẫn tới việc các dự án BOT đang phát sinh nhiều vấn đề, gây hệ lụy đối với phát triển mạng lưới giao thông và người dân, doanh nghiệp.
Từ thực tế đang kiểm toán tại dự án cầu Cổ Chiên trên quốc lộ 60 ở tỉnh Trà Vinh, ông Tịnh cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ quan tâm bố trí vốn, trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án về cầu đường. “Chúng tôi được biết do ngân sách khó khăn nên tỉnh Trà Vinh đang tiếp tục thu hút các dự án BOT, điều này sẽ gây áp lực kinh tế cho người dân sau này", ông Tịnh cảnh báo.
Phó tổng kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng cho biết, năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán đối với dự án BOT và sẽ kiến nghị Chính phủ để có những biện pháp giải quyết những tồn tại, hạn chế trong thời gian sớm nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.