Đồng chí Trường Chinh đang thăm hỏi các chiến sĩ nông nghiệp tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2 - Ảnh: TTXVN |
Là chứng nhân trực tiếp của sự kiện long trời lở đất đó, ông Hoàng Tùng kể: "Những năm 1940 - 1945 là thời kỳ đen tối nhất, các lực lượng cách mạng của ta bị khủng bố dữ dội, 4 - 5 tổng bí thư và ủy viên Trung ương bị xử tử. Cả Trung ương và hệ thống xứ ủy đều bị tan rã, nhà tù chật ních, thế mà Trường Chinh vẫn bám trụ ở Hà Nội". Trong khi đó, ông là người bị mật thám Pháp bủa vây và dán ảnh treo thưởng khắp nơi, lại còn bị tuyên án tử hình vắng mặt. Thời điểm đó, Trung ương chia làm hai cứ điểm hoạt động: Bác Hồ lãnh đạo khu Việt Bắc, Tổng bí thư Trường Chinh lãnh đạo vùng đồng bằng.
Khi đi Trung Quốc năm 1942, Bác Hồ bị bọn phản động Quốc dân Đảng bắt được. Trung ương lúc đó chỉ còn 3 người là Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt và Hoàng Văn Thụ. Nhưng tới tháng 7.1943 thì Hoàng Văn Thụ cũng bị bắt. Vậy là Trung ương chỉ còn có 2 người ở gần Hà Nội nhất. Nói như Giáo sư Trần Văn Giàu thì "chỉ có ông Thánh Gióng sống lại may ra mới xoay chuyển được tình thế khi đó".
Vậy mà "Thánh Gióng đã xuất hiện, để rồi chỉ dăm tháng sau, tình hình thay đổi hoàn toàn” (Hoàng Tùng). Ông Hoàng Tùng phân tích: "Vai trò lịch sử của đồng chí Trường Chinh đã thể hiện qua những bước ngoặt lớn của cách mạng. Ông gặp Bác Hồ năm 1941 ở hang Pác Bó và cùng Người dự thảo Nghị quyết Trung ương về con đường giải phóng dân tộc, thực hiện cuộc đột phá về lý luận tư tưởng. Thay đổi Cương lĩnh cách mạng tư tưởng dân quyền tháng 10 năm 1930” (thay cho Cương lĩnh tháng 2 năm 1930 - NV).
Với tư duy biện chứng xuất sắc, Tổng bí thư Trường Chinh đã biết chớp thời cơ có một không hai, chuyển hướng giành thế chủ động về phía mình. Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" chính là phát súng dạo đầu cho cuộc cách mạng rung chuyển toàn cõi Việt Nam sắp tới. Sau khi một số cán bộ cách mạng bị địch giam giữ vượt ngục tập thể, Trường Chinh đã tin vào lớp cán bộ đó và nhanh chóng phân công công tác cho các đồng chí của mình tỏa về các địa phương lãnh đạo cách mạng tại khắp ba kỳ đang gặp khủng hoảng cán bộ. Ông Hoàng Tùng nhận định: "Cách mạng Việt Nam là một cuộc cách mạng đầy khó khăn, phức tạp và gian khổ bậc nhất của một dân tộc nhỏ chống lại các thế lực xâm lược và đồng minh của chúng lại to lớn và hung bạo. Dân tộc ta vốn có sức mạnh tiềm tàng to lớn vượt qua mọi thử thách để vươn lên. Như Nguyễn Trãi đã nói: "Càn khôn bĩ rồi lại thái" - khổ rồi lại sướng, “nhật nguyệt hối rồi lại minh" - tối rồi lại sáng! Nhưng mà xoay chuyển tình thế thì không phải ý trời. Đấy là những nhân vật lịch sử xuất hiện đúng lúc cần thiết. Mỗi khi khó khăn phải xoay chuyển tình thế, lại xuất hiện những con người mà lịch sử chờ đợi như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh... Các vị đã có mặt đúng lúc cần thiết”...
Tôi muốn mượn câu chuyện của nhà báo Hoàng Tùng kể lại để nói một điều: trên những bước đường chông gai của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nếu trên dưới một lòng và đồng thuận cao, chúng ta đều có thể biến cái không thể thành có thể. Năm xưa, chỉ với 5.000 đảng viên, bằng dũng khí của người cộng sản và niềm tin vào tương lai của dân tộc, cách mạng nước ta đã có một bước chuyển dời non lấp bể.
Trong tiến trình đi lên của cách mạng Việt Nam, chúng ta cũng từng vấp phải những sai lầm, nhưng với bản lĩnh vững vàng, toàn Đảng, toàn dân đã đồng lòng chung tay, góp sức vượt qua mọi thử thách.
Hôm nay, đất nước lại đứng trước hàng loạt những khó khăn về kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái đạo đức đã làm nhân dân mất niềm tin hơn lúc nào hết. Cái cần nhất lúc này, đó là lòng dân phải yên. Tình thế lúc này đòi hỏi một cách nhìn mới, biết thừa nhận sai lầm để tự chỉnh đốn lại hoạt động của cả hệ thống chính trị.
Ôn lại lịch sử Cách mạng tháng 8.1945, nhìn lại cuộc thử lửa cam go ấy, cũng là để rút ra những bài học cho hiện tại và củng cố niềm tin ở tương lai.
Quốc Phong
Bình luận (0)