"Cận cảnh" chi tiết quy hoạch mới trung tâm TP.HCM

12/05/2013 15:13 GMT+7

(TNO) Trong tuần qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã công bố Quyết định của UBND TP phê duyệt đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM. Theo đó, diện mạo trung tâm TP.HCM sẽ có nhiều thay đổi về cảnh quan, chức năng và tiện ích.

>> Quản lý xây dựng chặt khu trung tâm TP.HCM

Thanh Niên Online xin giới thiệu "cận cảnh" quy hoạch các khu vực tại trung tâm TP.HCM.

Năm phân khu của trung tâm TP.HCM

Khu trung tâm TP.HCM có diện tích khoảng 930 hecta, bao gồm: Q.1 (có các phường Nguyễn Thái Bình, Bến Thành, Bến Nghé, Phạm Ngũ Lão, một phần phường Cầu Ông Lãnh, một phần phường Đa Kao), Q.3 (có các phường 6, một phần phường 7), Q.4 (có các phường 9, 12, 13, 18), Q.Bình Thạnh (có các phường 22 và một phần phường 19).


Ranh giới quy hoạch khu trung tâm TP.HCM: Cầu Sài Gòn > đường Nguyễn Hữu Cảnh > đường Hoàng Sa > đường Võ Thị Sáu > đường Cách Mạng Tháng Tám > đường Nguyễn Thị Minh Khai > đường Cống Quỳnh > đường Nguyễn Cư Trinh > đường Trần Hưng Đạo > đường Nguyễn Thái Học > cầu Ông Lãnh > đường Hoàng Diệu > đường Nguyễn Tất Thành > sông Sài Gòn (cầu Sài Gòn) - Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cung cấp

Như vậy, vị trí ranh giới của khu trung tâm được giới hạn bởi các đường Nguyễn Hữu Cảnh - rạch Thị Nghè (phía bắc), Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu - Cách Mạng Tháng Tám (phía tây), Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Thái Học - Ông Lãnh - Vĩnh Phước - Hoàng Diệu và Nguyễn Tất Thành (phía nam), sông Sài Gòn (phía đông).

Trung tâm sẽ được chia thành năm phân khu chức năng chính.

Phân khu 1 là khu lõi trung tâm thương mại - tài chính, phát triển với chức năng kinh doanh, thương mại, khách sạn, du lịch và hành chính, dịch vụ công cộng. Toàn bộ phân khu này nằm trong ranh giới Q.1. Phân khu 1 được giới hạn bởi đường Tôn Đức Thắng (phía đông), đường Lê Lai và Lê Thánh Tôn (phía tây), đường Phạm Ngũ Lão và Hàm Nghi (phía nam).

Phân khu 2 là trung tâm văn hóa - lịch sử, phát triển với chức năng văn hóa, kinh doanh, thương mại, du lịch, dân cư và giáo dục. Toàn bộ phân khu này nằm trong ranh giới Q.1. Phân khu 2 được giới hạn bởi rạch Thị Nghè và đường Hoàng Sa (phía bắc), đường Nguyễn Thị Minh Khai (phía tây), đường Cống Quỳnh (phía nam), đường Lê Lai và Lê Thánh Tôn (phía đông).

Phân khu 3 là khu bờ tây sông Sài Gòn, với đa chức năng. Phân khu này trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận, thuộc một phần Q.Bình Thạnh, Q.1 và Q.4. Phân khu 3 được giới hạn cầu Sài Gòn (phía bắc), đường Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng (phía tây), đường Nguyễn Tất Thành, kênh Tẻ (phía nam), sông Sài Gòn (phía đông).

Phân khu 4 là khu thấp tầng, trong đó có nhiều biệt thự từ thời Pháp sẽ được bảo tồn. Đây là phân khu có chức năng khu dân cư, văn hóa, giáo dục và thương mại thấp tầng, thuộc một phần Q.1 và Q.3. Phân khu này giới hạn bởi rạch Thị Nghè và đường Hoàng Sa (phía bắc), đường Võ Thị Sáu (phía tây), đường Cách Mạng Tháng Tám (phía nam), đường Nguyễn Thị Minh Khai (phía đông).

Phân khu 5 là khu lân cận lõi trung tâm phát triển với chức năng kinh doanh thương mại tiếp nối từ phân khu 1. Phân khu này thuộc một phần Q.1 và Q.4. Phân khu 5 được giới hạn bởi đường Hàm Nghi và đường Phạm Ngũ Lão (phía bắc), đường Nguyễn Thái Học và đường Cống Quỳnh (phía tây), đường Hoàng Diệu (phía nam), đường Tôn Đức Thắng và đường Nguyễn Tất Thành (phía đông).


Các phân khu của trung tâm TP.HCM - Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cung cấp/Đồ họa: Nguyên Mi

Trong đó, TP.HCM sẽ tập trung phát triển nhà cao tầng, thu hút đầu tư vào khu vực dọc bờ tây sông Sài Gòn (khu vực Ba Son, Tân Cảng, Cảng Sài Gòn…).


Khu vực Cảng Sài Gòn và bờ tây sông Sài Gòn hiện tại nằm trong phân khu 3... - Ảnh: Nguyên Mi

 
... sẽ được tập trung phát triển nhà cao tầng, thu hút đầu tư - Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cung cấp

Nhiều khu đi bộ, khu mua sắm ngầm...

Đường Tôn Đức Thắng (từ Hàm Nghi đến Công trường Mê Linh) được quy hoạch cho đi bộ và xe điện. Các phương tiện giao thông cơ giới vào khu vực này sẽ được chuyển xuống đường ngầm bên dưới kết hợp với bãi xe và trung tâm mua sắm ngầm.


Công viên dọc bờ sông sau khi chuyển đường Tôn Đức Thắng xuống hầm - Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cung cấp

Đồng thời, đường Lê Lợi từ Nhà hát Thành phố cũng được nối dài qua khu Ba Son để hình thành đại lộ Lê Lợi tiếp cận về phía bờ sông.

Không gian ngầm của khu trung tâm TP được phát triển tại các khu vực bên dưới đường Lê Lợi, giữa ga Bến Thành và ga Nhà hát TP, với tuyến đường sắt đô thị (UMRT 1), đường bộ ngầm và trung tâm mua sắm ngầm.

Bên dưới đường Nguyễn Huệ, giữa ga Nhà hát TP và đường Tôn Đức Thắng xây dựng đường bộ, bãi đậu xe và trung tâm mua sắm ngầm.

Trong khi đó, bên dưới ga Bến Thành làm quảng trường ga và trung tâm mua sắm.

 
Nối dài trục đường Lê Lợi từ Nhà hát TP đến khu Ba Son - Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cung cấp

Công viên 23 tháng 9 được giữ lại toàn bộ. Phía dưới khu vực Công viên 23 tháng 9 sẽ được xây dựng đường bộ ngầm, bãi đậu xe, bến xe buýt và trung tâm mua sắm.


Toàn bộ Công viên 23 tháng 9 được giữ lại như lá phổi xanh của TP, nơi dạo mát cho người dân - Ảnh: Nguyên Mi  

Ngoài ra, trung tâm thành phố còn có hệ thống giao thông công cộng với các tuyến và nhà ga UMRT (hệ thống đường sắt đô thị ngầm), BRT (hệ thống xe buýt nhanh) và LRT (vận tải đường sắt hạng nhẹ) phủ khắp các tuyến đường.


Hệ thống giao thông tại khu trung tâm TP.HCM - Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cung cấp/Đồ họa: Nguyên Mi

Nguyên Mi

>> TP.HCM: Cuối tháng 5 công khai đồ án điều chỉnh quy hoạch chung
>> Bản đồ, Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương quốc gia của Trung Quốc hoàn toàn vô giá trị
>> TP.HCM nghiên cứu quy hoạch Công viên 23.9

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.