Cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu nơi xảy ra tham nhũng

22/05/2017 07:45 GMT+7

Ngày 21.5 tại TP.HCM, Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM và Chi hội luật gia Trung tâm tư vấn (thuộc T.Ư Hội Luật gia VN) tổ chức tọa đàm góp ý về dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng.

Luật gia Bùi Việt Cường, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế (Hội Luật gia VN), cho rằng cần có cơ quan chuyên trách thì công tác phòng chống tham nhũng mới hiệu quả.
Bên cạnh đó, cũng phải làm rõ vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng chống tham nhũng. Theo ông Cường, quy định hiện nay còn khá chung chung và tính khả thi chưa cao. Thực tế thời gian qua cho thấy, chưa có trường hợp nào người đứng đầu chịu trách nhiệm khi cơ quan đó để xảy ra tham nhũng, hối lộ.
Luật sư Nguyễn Đức Nhuần, Phó chủ tịch Hội Luật gia Q.9 (TP.HCM), cũng đề nghị luật cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và xác định rạch ròi người đứng đầu cơ quan tổ chức là ai, là thủ trưởng cơ quan chính quyền hay bí thư cấp ủy. Bên cạnh đó, ông Nhuần cũng đề nghị dự thảo luật nên bỏ quy định “tặng quà và nhận quà tặng”, trong đó quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức được phép nhận quà tặng có giá trị dưới 2 triệu đồng trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Theo ông Nhuần, nếu luật quy định cho phép nhận quà dù có giá trị dưới 2 triệu đồng thì quy định này sẽ làm hư cán bộ và là tiền đề để nạn tham nhũng thêm phức tạp.


Về vấn đề kê khai tài sản của cán bộ công chức, các đại biểu cũng cho rằng việc kê khai, minh bạch tài sản của cán bộ là cần thiết để hạn chế tham nhũng. Tuy nhiên, vấn đề kê khai tài sản cũng cần phải được mở rộng hơn nữa. Theo dự thảo luật, người có nghĩa vụ kê khai tài sản chỉ kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ và con chưa thành niên. Các đại biểu cho rằng kê khai như vậy là chưa đủ vì người tham nhũng có thể sang tên tài sản cho những người khác. Luật gia Trần Đình Dũng, Trung tâm tư vấn (Hội Luật gia VN) đề nghị nên bổ sung người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của vợ, chồng, con cái (chưa thành niên và thành niên), cha mẹ, cha mẹ nuôi, con nuôi (nếu có).
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đề nghị bên cạnh việc trừng trị hành vi tham nhũng thì cần phải chú trọng đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, bởi thực tế nhiều vụ việc tham nhũng xảy ra với tài sản tham nhũng trị giá hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng tài sản thu hồi cho nhà nước lại không được bao nhiêu. Điều này cũng góp phần gây ra tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con” là có.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.