Canh trời Trường Sa - Kỳ 3: Hậu duệ của bầu trời

28/05/2016 09:44 GMT+7

Trong số các phi công của trung đoàn 937 chuyên trách bảo vệ Trường Sa rất nhiều người tuy chỉ trong độ tuổi 9X, nhưng phong trần nơi nắng gió khắc nghiệt và được gọi là “Hậu duệ của bầu trời”.

Cậu út “đảm việc nhà, giỏi việc bay”
Tháng 5.2014, sân bay Phan Rang đón 7 phi công trẻ mới tốt nghiệp Khóa 39 Chỉ huy tham mưu - phi công quân sự của Trường Sĩ quan Không quân (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) về học chuyển loại điều khiển máy bay chiến đấu tiêm kích bom Su-22M4. Trong số này, thiếu úy Phan Bá Thi Nhân (quê ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) là "út" ít bởi khi đó mới 22 tuổi.
20 tuổi, Phan Bá Thi Nhân lần đầu tiên điều khiển máy bay khi đang là học viên trường Sĩ quan Không quân Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhân là con trai của anh Phan Bá Học, nguyên phi công Trung đoàn 940 (Phù Cát, Bình Định) đã xuất ngũ, ngay từ bé đã theo bố vào sân bay chơi nên ước mơ làm phi công ngày một lớn dần. Đang học lớp 11 của Trường Quốc tế Á Châu tại TP.HCM để làm bàn đạp đi du học nước ngoài theo định hướng của gia đình, Nhân bỏ về Quy Nhơn nài nỉ xin bố mẹ cho khám tuyển phi công. Bố mẹ cậu rốt cuộc đành đồng ý. Trúng tuyển khóa 2010-2014 của Trường Sĩ quan Không quân, Nhân cắm đầu vào học nhiều lúc quên cả gọi điện về nhà, khiến bố mẹ cứ mỗi ngày phải đợi đến đúng 18 giờ gọi xem “cậu bé” ăn uống, ngủ nghỉ thế nào. Được bay đơn, Nhân gọi điện về nhà chắc nịch: “Con lớn rồi, đã thành phi công như bố” khiến bố mẹ cậu ngơ ngẩn mừng đến mấy ngày.
Gia đình, người thân vui mừng đón học viên trường Sĩ quan Không quân hoàn thành chuyến bay đầu tiên trong cuộc đời phi công Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Buổi sáng ở Phan Rang, Nhân gọn gàng trong bộ đồ bay liền màu xanh biếc thoăn thoắt lên lên chiếc Su-22M4 số hiệu 8514, say mê tập buồng lái cho chuyến bay chính thức sáng mai. Mồ hôi đẫm lưng áo trai trẻ khiến tôi ái ngại: “Mang chiếc khăn đi mà lau mồ hôi”. Nhân cười: “Sau mỗi chuyến bay, hạ cánh xuống mới thấy lạnh người vì mồ hôi ướt sũng như đi trong mưa. Thời tiết này đâu nhằm nhò gì” và thành thật: "Em phải phấn đấu vào quân số trực chiến đấu. Vẫn đang bay ven biển thế này, chưa thỏa ước mơ bay". 
Thiếu úy Phan Bá Thi Nhân kiểm tra buồng lái tiêm kích bom Su-22M4 trước giờ bay huấn luyện Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Rắn rỏi, thông minh và nghiêm trang trong bộ đồ bay quân sự là vậy nhưng mỗi khi về nhà, Nhân lại cởi trần quần cộc hùng hục bốc gạch cùng công nhân trong công ty tư nhân chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng của ba. Đến bữa nấu ăn, Nhân lại chở mẹ Thảo đi chợ mua đồ khiến bà con bán hàng cứ nắc nỏm: “Con mẹ Thảo là phi công mà đảm đang hơn cả con gái”. Chả thế mà các cô bạn của mẹ cứ tới tấp nhận Nhân làm con nuôi, con rể và còn vào mạng tham gia bài kiểm tra thị lực dành cho phi công, báo với Nhân: “Mẹ làm phi công giống con rồi”, khiến cậu cười: “Là mẹ của phi công thì hơn là phi công rồi”.
Thỏa ước mơ bay
2 phi công 9X Trần Văn Bách (bìa phải) và Trần Thanh Phúc (bìa trái) Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thiếu úy Nguyễn Trọng Tiệm năm nay 25 tuổi, sinh ra lớn lên ở Đông Hưng, Thái Bình, theo bố mẹ vào sinh sống ở TP.Nha Trang năm 12 tuổi.
Thông minh và đam mê công nghệ, Tiệm thậm chí đã chế tạo được súng hơi bắn chim khi còn đi học phổ thông. Bạn bè cứ nghĩ Tiệm sẽ thi vào ngành Công nghệ, không ngờ cậu âm thầm khám tuyển, ôn thi vào Sĩ quan Không quân và tuy học gần nhà nhưng cơ hội về thăm nhà trong năm là rất hiếm. Chỉ đến khi bước vào giai đoạn bay, Tiệm mới thường xuyên “về nhà”. Chẳng là đường bay qua thành phố cũng ngay phía trên nhà, nên mỗi khi bay qua khu dân cư, Tiệm đều cố gắng liếc tìm bóng người thân và buổi tối lại hớn hở gọi điện cho bố mẹ khoe: “Hôm nay con thấy nhà mình”, cho dù mái nhà cậu, có nhìn cũng bằng ngón tay.
Thiếu úy phi công Trần Văn Bách, 26 tuổi, quê Đông Hưng, Thái Bình Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trong lực lượng Không quân VN hiện nay, thiếu úy Trần Thanh Phúc (25 tuổi, nhà ở Chư Prông, Gia Lai) được xem như số hiếm hoi đại diện cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Đang học năm thứ 2 ngành Ngân hàng của Đại học Nguyễn Tất Thành, Phúc về khám tuyển và thi đỗ Sĩ quan Không quân khiến gia đình người thân ngỡ ngàng. Với lý do rất ngắn gọn: “Ngồi trong phòng lạnh, cộng trừ nhân chia qua máy tính rất tù túng. Con chỉ có ước mơ được bay và con sẽ thực hiện ước mơ đó, bố mẹ giúp con”, Phúc xách ba lô xuống Nha Trang nhập học, vượt qua khá nhiều học viên trong lớp các môn học cơ bản.
Gần 3 năm học, mãi ngày 24.4.2013, khi đã hoàn thành chuyến bay đơn đầu tiên trên máy bay huấn luyện Yak-52, Phúc mới cười qua điện thoại với ba mẹ: “Hôm nay con đã được bay 1 mình trên bầu trời”. “Lần đầu tiên nhảy dù. Giữa thinh không yên lặng chỉ nghe tiếng phần phật của dù, mới thấm thía cảm giác làm chủ bầu trời”, thiếu úy Phúc nhớ lại và cười: “Là phi công mà không làm chủ bầu trời, buồn lắm!”.
Thiếu úy phi công Phạm Thanh An, 26 tuổi, quê Uông Bí, Quảng Ninh Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nếu như Trần Thanh Phúc là đại diện hiếm hoi cho vùng đất Tây Nguyên thì thiếu úy Trần Văn Bách lại quá đông đồng hương Thái Bình là phi công. Sinh năm 1990 ở huyện Đông Hưng (Thái Bình), Bách cao 1m75, nặng 75kg và chuyển sang học Sĩ quan Không quân khi đang là sinh viên năm thứ 2 ĐH Công nghiệp TP.HCM. Bố Bách là trung tá Trần Ngọc Thanh, nhân viên kỹ thuật Trung đoàn không quân 940 (Phù Cát, Bình Định) nên ngay từ khi còn bé, Bách đã được bố “định hướng” vào phi công chiến đấu với mục tiêu rất đơn giản: “Muốn làm phi công, phải yêu bầu trời”.
Năm 2008 tốt nghiệp PTTH, Bách nộp đơn thi Không quân nhưng xui xẻo năm ấy, Bộ Quốc phòng không nhận học sinh phổ thông nên cậu phải thi ĐH Công nghệ. Sang năm 2009 có chỉ tiêu, bố cậu gọi điện bảo: “Nếu còn yêu bầu trời thì con hẵng bỏ, nếu đã thích thành phố thì thôi”, khiến Bách rành rọt: “7 tuổi con đã vào sân bay ở cùng bố, nên không thể xa được bầu trời”.
Sau 4 năm rèn luyện, bay thành thạo trên máy bay huấn luyện Yak-52 và L-39, tháng 5.2015 Bách về sân bay Phan Rang chuyển loại lên tiêm kích bom Su-22M4 và chỉ 5 tháng sau đã “cưỡi” chiến đấu cơ huyền thoại này, bay cả đất liền và biển.
Phi công Đường Kim Tuyến (bìa trái) và Lê Văn Quyết (bìa phải) trao đổi kinh nghiệm sau chuyến bay Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thiếu úy Bách kể: "Bay Yak-52 tốc độ 200 km/giờ đã ngợp, sang L-39 bay gần 700 km/giờ thấy “phê” và giờ bay Su-22M4 tốc độ tối đa trên 1.000 km/giờ, chuyến đầu tiên thấy ngợp trong tích tắc bởi cả người cứ dựng ngược lên, khi nhào lộn quần áo kháng áp căng phồng chống vỡ mạch máu. Các chuyến bay huấn luyện kéo dài gần tiếng đồng hồ, vừa căng thẳng vừa mỏi mệt nên khi xuống đất có khi không ăn nổi bữa phụ. “Tuổi trẻ ai chẳng ham chơi, phi công trẻ tụi em cũng rất thích chơi. Nhưng đã là phi công quân sự thì phải quên chuyện chơi thường ngày, để cống hiến cho lý tưởng bảo vệ Tổ quốc”, Bách nói và cười: “Giờ có đồng đội và có sân chơi là bầu trời, còn gì hơn vậy?”.
Các phi công 9x của trung đoàn 937 vừa hoàn thành chuyến bay (từ trái sang phải): Phạm Thanh An, Trần Văn Bách, Vũ Anh Tú, Trần Thanh Phúc Ảnh: Đào Ngọc Thạch
“Lá cờ” giữa trời Phan Rang
Thiếu úy Phạm Thanh An (26 tuổi, nhà ở Vàng Danh, Uông Bí, Quảng Ninh) khôi ngô cương nghị trong bộ đồ bay, khiến chị em nhìn hình cứ xuýt xoa: “Hơn cả hậu duệ mặt trời trong phim Hàn Quốc”. Ít ai biết, An rất tài hoa, chơi thành thạo piano, guitar, sáo trúc và là cặp đôi văn nghệ với thiếu úy Phan Bá Thi Nhân, chuyên hát trong các hội diễn từ Trung đoàn lên Sư đoàn. Đặc biệt trong các buổi giao lưu văn nghệ với đơn vị kết nghĩa, trường CĐ, ĐH, cả 2 phi công luôn được các cô gái trầm trồ: “Bộ đội gì mà hát hay đàn giỏi”, khiến các chàng trai ngượng đỏ mặt, không dám cho số điện thoại.
Luyện tập bay biên đội trên sa bàn, tại trung đoàn 937 Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chiều Phan Rang, tôi nghe 2 chàng trai trẻ say sưa hát: “Một thời chiến đấu cha tôi anh hùng. Một thời gian khó mẹ tôi đảm đang. Vẫn giữ nụ cười và tiếng hát át tiếng bom. Để rồi nay bước trên con đường đời. Dù bao gian khó, chông gai đời tôi. Đứng dưới bóng cờ, là con tim ngân lên tiếng ca: Đoàn quân Việt Nam đi” trong bài “Lá cờ” của Tạ Quang Thắng, giữa ào ạt gió và ầm ào tiếng động cơ tiêm kích bom Su-22M4, lại nhớ thổ lộ của thiếu úy phi công Phan Bá Thi Nhân trẻ nhất lực lượng: “Em thích hát Lá cờ vì bài hát giống như ba em kể chuyện nước mình từ hồi xưa gian khó”.
Lời hát từ những lồng ngực vạm vỡ tuổi 20 chấp chới bay lên vòm trời xanh Ninh Thuận, đọng trong vòng cuộn của lá cờ Tổ quốc phần phật bay trên đỉnh cột giữa sân Trung đoàn và bừng đỏ trên ngực trái áo bay phi công. Phía sau lá cờ đỏ ấy là ngọn lửa rừng rực cháy vì ước mơ tuổi trẻ, lý tưởng cuộc đời và khát vọng cống hiến, của những chàng trai “tuổi 20 chưa từng hò hẹn, trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi” - phi công chiến đấu Phan Rang… 
Chúc mừng nhau, sau chuyến bay thành công Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Rút kinh nghiệm từng động tác trên sơ đồ bay Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nụ cười chiến thắng Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chỉ nhau từng động tác bay Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Kết thúc ban bay huấn luyện trong ngày Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Các phi công 9X của trung đoàn 937 tiêm kích bom Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.