Cặp đôi yêu nhau, cha mẹ cấm cưới: ‘Không nên vạch áo cho người xem lưng’

30/11/2016 15:38 GMT+7

Dư luận xã hội đang bàn tán về việc gia đình của chàng trai phản đối con mình kết hôn, mặc dù cô gái đang mang thai.

Ngày 28.11, tài khoản Facebook “Đ.T.C” đăng tải 6 clip quay cảnh một cô gái trẻ đang ngồi cùng một chàng trai được cho là người yêu của cô. Cô gái không ngừng khóc bởi thời điểm đó cả hai đang phải cố thủ trong phòng do bị gia đình người yêu gây sức ép, không cho làm đám cưới. Chỉ sau vài giờ đăng tải, những clip trên đã có hàng chục ngàn lượt chia sẻ; có clip lượng xem lến đến 5 triệu lượt.
Cha mẹ không được phép cản trở hôn nhân
Về pháp lý, luật sư (LS) Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nêu ý kiến, căn cứ quy định về điều kiện kết hôn tại Điều 8, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì nam phải đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Việc kết hôn là do nam và nữ tự nguyện nếu hai người đủ năng lực hành vi dân sự.
Cưỡng ép kết hôn là dùng mọi thủ đoạn bắt buộc người khác (bên nam, bên nữ hoặc cả hai bên) phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là dùng mọi thủ đoạn để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo luật định hoặc có hành vi cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc buộc họ phải cắt đút quan hệ hôn nhân đó…
Riêng đối với việc cha mẹ (anh, chị, em, cô, chú…) cản trở hôn nhân của người khác thì theo quy định pháp luật, tòa án sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cản trở hôn nhân” nếu người vi phạm đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn tái phạm.
Cụ thể, Điều 146, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009 quy định về tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện: "Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm".
Điều này được hướng dẫn tại thông tư liên tịch 02/2011/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC rất cụ thể. Theo đó, cưỡng ép kết hôn là dùng mọi thủ đoạn bắt buộc người khác (bên nam, bên nữ hoặc cả hai bên) phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là dùng mọi thủ đoạn để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo luật định hoặc có hành vi cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc buộc họ phải cắt đút quan hệ hôn nhân đó…
“Khẩu chiến” không dẫn đến điều tốt
Trong trường hợp cha mẹ uy hiếp tinh thần là đe dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản hoặc lợi ích thiết thân của người bị đe dọa làm cho người đó có căn cứ để lo sợ thực sự mà phải chịu khuất phục (như đe doạ sẽ đốt nhà, giết người thân, tiết lộ bí mật đời tư của người bị đe dọa; bố mẹ hoặc người thân trong gia đình đe dọa sẽ tự tử nếu hai bên nam nữ lấy nhau; con đe dọa là sẽ bỏ nhà hoặc tự tử nếu bố, mẹ lấy vợ, lấy chồng mới) cũng sẽ bị xử lý về tội “cưỡng ép kết hôn”.
Vì vậy, để xác định sự việc người thứ ba có hành vi cản trở hôn nhân hay không thì trước hết những người trong cuộc cần viết đơn yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp. Bên cạnh đó, người trong cuộc cũng có thể nhờ các tổ chức như Hội Liên hiệp phụ nữ, Cơ quan quản lý nhà nước về dân số thực hiện công tác vận động, hòa giải để giải quyết.
Trường hợp, nếu cha, mẹ phản đối không chứng minh được lý do hợp lý mà cố tình có những hành vi nhằm mục đích ngăn cản hai người kết hôn thì cặp đôi đó có thể tố cáo việc làm sai trái của họ và đề nghị cơ quan công an lập biên bản, xử phạt hành chính đối với họ về hành vi này. Quyết định xử lý hành chính của cơ quan có thẩm quyền là căn cứ pháp lý để xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Riêng đối với hành vi của người đưa clip lên trang Facebook nếu có nội dung xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của bất cứ ai cũng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, sẽ bị tội “làm nhục người khác” .
“Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật”, LS Lượng nhấn mạnh.
LS Nguyễn Văn Nam (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng, sự ảnh hưởng của mạng xã hội rất lớn; tích cực có và tính tiêu cực cũng có. Nếu thông tin đó có ảnh hưởng tiêu cực thì hậu quả của nó chính là tinh thần, sức khỏe, uy tín ngoài xã hội, và ảnh hưởng này không thể cân đo đong đếm được.
LS Nam cho rằng không biết lý do đăng lên mạng xã hội để “trần tình” điều gì, mục đích là gì nhưng nếu đã làm ảnh hưởng tới người khác thì cũng sẽ bị xử lý nghiêm ở hành vi “làm nhục người khác”, “vu khống” hoặc “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính, mạng viễn thông, mạng internet”.
LS Nam khuyến cáo, không nên “vạch áo cho người xem lưng”, không nên chỉ trích, tố cáo người khác trên mạng xã hội vì cuộc khẩu chiến đó sẽ không đi đến kết thúc đẹp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.