Hôm qua (22.10), trong một ngày thảo luận sôi nổi tại tổ, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã mổ xẻ nhiều vấn đề lớn trong điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ và giải pháp cho việc cân đối thu - chi ngân sách đang rất căng thẳng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị giảm chi hội họp, đi nước ngoài không cần thiết... - Ảnh: TTXVN |
ĐB Thân Đức Nam, Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, cho rằng hiệu quả điều hành của Chính phủ cần được ghi nhận khi năm nay nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ nét sau mấy năm trì trệ. Tuy nhiên, ông Nam cũng bày tỏ lo ngại khi mức tăng CPI (chỉ số giá tiêu dùng) đang rất yếu liệu có thể hiện tổng cầu của nền kinh tế vẫn rất thấp.
“Bộ máy như hiện nay không có người dân nào nuôi nổi”
Cũng ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ để kinh tế vĩ mô có sự ổn định, tạo điều kiện giảm lạm phát, giảm lãi suất, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phục hồi, tuy nhiên, ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) lại cho rằng năm 2015 bắt đầu bộc lộ những vấn đề yếu kém có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế các năm sau. Một số chủ trương, cải cách tốt nhưng triển khai rất chậm, chưa tạo được thông thoáng, thậm chí ngăn cản, chống đối, triệt tiêu những định hướng tốt đề ra. Tổ chức bộ máy đã không theo kịp yêu cầu cải cách. “Thực tế, những khúc mắc cho người dân, doanh nghiệp (DN) đều xuất phát từ cán bộ nhà nước. Yêu cầu giảm biên chế từ đầu nhiệm kỳ không thực hiện được khi bộ máy thực tế vẫn phình to”, ông Kiêm nói.
Đồng ý với điểm trên, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nói: “Bộ máy hành chính càng ngày càng phình ra, năm sau sẽ còn tăng thêm nữa thì lấy tiền đâu để tăng lương đúng lộ trình”. Ông Lịch đề nghị: “Phải cắt giảm mạnh chi thường xuyên như lễ tiết, hội nghị... Chúng ta đừng biến chuyện đi nghiên cứu thành đi du lịch do nhà nước trả tiền”. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia: “Tôi cũng nhất trí giảm chi hội họp, đi nước ngoài không cần thiết. Các lễ kỷ niệm hết 50 năm, 30 năm thành lập cái này cái kia, giấy mời nhiều như thế, không biết trốn thế nào”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nêu ý kiến: “Muốn tăng lương phải cải tổ bộ máy. Bộ máy như hiện nay không có người dân nào nuôi nổi”.
|
“Nói thì hay thế mà 1 đồng xu lương không có là thế nào ?”
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh nhận xét: “Tuy Chính phủ báo cáo thu ngân sách năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015 gần 60.750 tỉ đồng nhưng ngân sách năm tới vẫn rất căng thẳng. Số dự kiến tăng thu nghe rất vui nhưng bản chất số tuyệt đối sẽ hụt so với năm 2015. Các địa phương không có tiền”, Bộ trưởng Vinh nói. Ông đưa ra một con số gây sốc: “Số tuyệt đối của ngân sách năm 2014 là 255.750 tỉ đồng thì riêng ngân sách địa phương trong cân đối là 131.200 tỉ đồng, chiếm hơn 52% do các địa phương tự quản lý, T.Ư còn 154.000 tỉ đồng, trừ đi vốn nước ngoài... Như vậy ngân sách nhà nước hiện còn vỏn vẹn 45.000 tỉ đồng”. “Con số 45.000 tỉ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả. Biết là không thể đòi hỏi Chính phủ và Bộ Tài chính hơn nhưng con số thật rất nhỏ để có thể điều tiết”, Bộ trưởng Vinh lo lắng.
Cũng theo Bộ trưởng Vinh, số dư ngân sách năm 2016 theo báo cáo của Chính phủ hơn 69.000 tỉ đồng, nhưng đó chỉ là báo cáo “nghiệp vụ” kế toán cho đẹp con số. Cách làm này không sai, tuy nhiên bản chất lại không hẳn như vậy. Cụ thể, nếu như các năm vốn ODA ghi nhận 20.000 tỉ đồng giải ngân, năm nay để công khai minh bạch ghi tăng lên 30.000 tỉ đồng. Thứ hai, khoản thu từ xổ số kiến thiết 26.000 tỉ đồng và thứ ba khoảng 13.300 tỉ đồng thu tăng từ tiền sử dụng đất. Ba khoản trên tới 69.300 tỉ đồng, vốn dĩ các năm đều có nhưng đều là các khoản thu mà địa phương nào cũng giữ lại, mọi năm không đưa năm này lại đưa vào trong báo cáo.
Tỏ ý bất ngờ về phát biểu của Bộ trưởng Vinh, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: “Các ủy ban, bộ, ngành phải tính chứ tôi nói các đồng chí năm nay không có đồng nào tăng lương. Nói thì hay thế mà 1 đồng xu lương không có là thế nào?”. “Ngân sách năm 2014 vẫn còn nợ 37.000 tỉ đồng chưa trả. QH hai năm liền phải chấp thuận cho tăng bội chi lên hơn 6% GDP. Năm nay lại báo cáo hụt thu 31.000 tỉ đồng gây áp lực rất lớn”, Chủ tịch QH lưu ý.
Nợ công có thực sự an toàn ?
Mặc dù Chính phủ báo cáo: Nợ công cuối năm 2015 dự kiến bằng 61,3% GDP là “vẫn trong giới hạn an toàn” nhưng Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đức Thụ (Lai Châu) chưa hết lo: “Thực trạng rất đáng lo ngại là cân đối ngân sách gặp khó khăn, bội chi tăng gây áp lực cho nợ công”. Theo ĐB này, do khối lượng vay lớn gấp đôi so với khối lượng trả được nên tình trạng mất cân đối trong năm 2016 cũng sẽ “chưa khắc phục được”. ĐB Thụ đề nghị cần phát hành sớm trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế với khối lượng 3 tỉ USD trong bối cảnh lãi suất còn thấp. “Nếu chần chừ lãi suất sẽ tăng cao hơn và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ”, ông Thụ nói.
Cũng bàn về vấn đề trên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng bình luận: “Với cân đối như trên thì làm sao phát triển bền vững như mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020? Đã thế trong vay nợ lại còn vay ngắn, chưa vay đã trả lấy gì mà cân đối”.
Rút ngắn 23 đường bay dân dụng
“Thủ tướng đã đồng ý việc điều chỉnh một số khu vực huấn luyện không quân, qua đó rút ngắn 23 đường bay dân dụng, góp phần tiết kiệm mỗi năm hơn 40.000 giờ bay cho hàng không dân dụng”, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết như vậy trong phiên thảo luận chiều qua. Về công tác xây dựng quân đội, Bộ trưởng cho biết Đảng, Nhà nước đã có chỉ đạo xây dựng công nghiệp quốc phòng tiến tới tự chủ trong việc sản xuất vũ khí trang bị cho quân đội, tránh tình trạng phụ thuộc bên ngoài, khi có bất ổn trong quan hệ quốc tế thì “có tiền cũng không mua được”.
Theo Bộ trưởng, từ 5 năm trở lại đây, thế giới có những thay đổi nhanh chóng, nhiều vấn đề không thể dự báo trước. Liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp trên biển, các vấn đề song phương như vịnh Bắc bộ, Hoàng Sa đã được VN và Trung Quốc thống nhất sẽ giải quyết song phương. Riêng Trường Sa phải đàm phán đa phương vì liên quan đến nhiều bên, nhiều nước.
Trường Sơn
|
Cần loại trừ việc lợi dụng Facebook để đưa tin sai trái, bịa đặt
Chia sẻ với báo chí chiều qua (22.10) bên lề kỳ họp QH xung quanh việc Chính phủ dùng Facebook để giao tiếp với người dân, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, cách đây vài tháng Thủ tướng đã có quyết định về việc sử dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin cho người dân. “Việc Chính phủ đưa thông tin lên Facebook khuyến khích người dân tham gia đồng hành cùng Chính phủ về chủ trương chính sách của Đảng, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, cần coi Facebook là một sự phát triển để cung cấp thông tin. Tuy nhiên bên cạnh đó cần loại trừ việc lợi dụng để đưa tin sai trái, bịa đặt, nói xấu cá nhân, phát ngôn trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước. “Chúng ta xác định Facebook là công cụ phương tiện chứ không có tội lỗi gì. Mọi người nên tận dụng công cụ phương tiện này để phục vụ lợi ích tốt đẹp của cá nhân và xã hội. Chính phủ cũng nhận thấy điều đó, tận dụng Facebook như công cụ phương tiện để người dân tiếp cận gần hơn. Với trang thông tin đuôi gov.vn (thuộc các cơ quan Chính phủ), nhiều người dân ngại vào. Qua Facebook Chính phủ gần với dân hơn, người dân cảm thấy thoải mái hơn, tự tin hơn khi bình luận vào đó”, ông Son nói.
Trả lời câu hỏi về việc trang Facebook của Chính phủ mới công bố nhưng đã có hàng loạt trang giả mạo với giao diện giống hệt làm người dân rất khó phân biệt, Bộ trưởng khẳng định: “Ai lợi dụng để chèn thông tin sai trái hay giả mạo là vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý thích đáng”.
Trường Sơn
|
Bình luận (0)