Xe

Câu chuyện hằng tuần: Nhà báo và trách nhiệm xã hội

Cách đây mấy năm, tôi đọc trên một tờ báo điện tử dẫn lời nhà báo MQ nói chuyện với sinh viên trường báo chí tại Hà Nội về những cách làm tiền của ký giả VN ( Ký giả Việt Nam kiếm tiền ra sao ? Người Việt Online ).

Những cách sống, cách để có tiền của những người được coi là “nhà báo” ở ta, như tờ báo nọ trích dẫn là có thật. Nhưng đừng vì vậy mà nói đến cả làng báo hay suy diễn cho tất cả mọi nhà báo ở VN. Cũng không thể nói như tác giả bài nói chuyện ấy, đại ý “Muốn giàu mà giữ được tư cách, phẩm chất tốt thì đừng nên theo nghề báo!”.
Nói vậy là cố tình làm thui chột hoài bão của tuổi trẻ muốn dấn thân với nghề.
Ở ta, có nhiều người được coi là “nhà báo” nhưng ít thấy có bài viết nào đọc được, có người lâu lâu mới thấy cái tin bằng “ngón tay út”. Cũng có nhiều nhà báo kiểu sa lon, không hề đi đến tận nơi xảy ra sự kiện để tường thuật, chỉ ngồi nhà đọc bài người khác rồi tán ra hoặc lấy chỗ này một ít chỗ kia một ít rồi "dán" lại thành bài. Có "nhà báo" viết bài xong đem dọa dẫm các doanh nhân liên quan để kiếm chác… Chuyện này diễn ra không chỉ ở VN mà ở nhiều nước khác nữa. Ngược lại, có những nhà báo VN lăn lộn đến tận chiến trường Iraq, Afghanistan, bất chấp nguy hiểm vào trung tâm các vùng lũ bão ở Philippines mấy năm trước đây để có tin bài nhanh nhất gởi đến bạn đọc trong nước.
Hình ảnh các PV Báo Thanh Niên và các đồng nghiệp của anh giữa những cuộc biểu tình đẫm máu tại Bangkok, hay ngụp lặn trong những ống cống hôi bẩn, làm công nhân vệ sinh trong các bệnh viện để làm được những phóng sự gây xúc động trong công chúng. Gần đây, nhiều phóng viên đã theo tàu bám theo dấu vết của giàn khoan Hải dương 981 xâm nhập hải phận VN hay theo các thợ lặn nhiều lần xuống các đáy biển miền Trung sau thảm họa môi trường để có những Video clip rất ấn tượng về môi trường biển là các ví dụ sinh động. Nghề báo là một nghề nguy hiểm thật sự đối với họ và đối lập với hình ảnh những “nhà báo trong ngoặc kép” mà chúng tôi đề cập ở trên. Rất nhiều nhà báo chân chính (chứ không phải hiếm như dưới cái nhìn tiêu cực của một số người). Họ còn khá trẻ và có trách nhiệm lẫn uy tín ở những tờ báo có lượng độc giả đông nhất hiện nay. Họ vẫn sống đàng hoàng bằng lương và nhuận bút từ bài viết mình đem lại, chứ không bằng tiền hoa hồng quảng cáo và phong bì. Chính năng lực, uy tín của họ (và tờ báo của họ) mang lại đời sống khá giả đó.
Tôi nhớ, chính ông trùm truyền thông Rupert Murdoch của tập đoàn Fox News đã nói rằng "tài sản quý giá nhất của một tờ báo chính là lòng tin của bạn đọc". Điều đó đúng với nhiều tờ báo và nhiều nhà báo có uy tín hiện nay trong làng báo nước ta. Và vì vậy, phóng viên của những tờ báo uy tín nếu không sống và viết một cách chân chính, sớm muộn gì cũng bị bạn đọc nhận diện và đào thải.
Riêng những nhà báo có uy tín, ngoài những bài viết hằng ngày mà bạn đọc chờ đợi, nhiều người còn có riêng các công trình nghiên cứu, ra sách riêng đều đặn về những lĩnh vực mà họ có hiểu biết. Và chẳng có gì ngạc nhiên khi họ vẫn đi làm bằng ô tô riêng, có nhà cửa rộng và gởi con ra nước ngoài đi học. Họ xứng đáng có cuộc sống như vậy bằng chính sức làm việc của họ. Họ là những người có thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng mỗi tháng thôi (chứ không đến...bạc tỉ như bài nói chuyện của M.Q mà tôi đã dẫn), nhưng nếu biết tiết kiệm thì vẫn có được những điều kiện sống như trên.
Chỉ có điều này: Quy hoạch báo chí kiểu gì mà những bản tin chuyên ngành, tin nội bộ cũng được coi là báo và những người làm việc ở đó lại được cấp thẻ "nhà báo"? Nhiều trường hợp một thủ trưởng, một cán bộ làm hành chính chưa hề viết một dòng ở những "tờ báo" như vậy cũng được cấp thẻ, nhiều nhân viên trị sự-quảng cáo cũng có thẻ... dẫn đến cả nước có đến hàng vạn "nhà báo" là điều cần xem lại trong công tác quản lý rất lỏng lẻo hiện nay. Chính sự lỏng lẻo đó tạo ra các hiện tượng nhiều "nhà báo đi làm tiền" và tạo ra tiếng xấu cho đồng nghiệp của họ. Nhưng đó là một mặt của vấn đề trong quản lý chứ không phải vấn đề tự thân của nhà báo!
Hoạt động nghề báo ở VN hiện nay không thể tách rời môi trường luật pháp về báo chí. Do vậy, bạn đọc tinh mắt có thể nhận thấy các nhà báo tâm huyết với nghề cũng đôi lúc “đau khổ” và băn khoăn với những hạn chế, rào cản mang tính nhất thời. Chẳng hạn sự ngăn cản hành nghề từ một số doanh nghiệp, cá nhân đang bị báo chí lên tiếng hoặc những “chỉ đạo” miệng của một vài quan chức, khiến cho sự thật chậm đến tay bạn đọc...
Nhưng hãy tin, nhà báo chân chính bao giờ cũng đặt trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội đi đầu trước trang giấy của mình!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.