Câu chuyện thiên thạch ở Việt Nam - Kỳ 3: Tektite ở Việt Nam và những cuộc va chạm thiên thạch lớn

22/12/2014 20:39 GMT+7

(TNO) Phần lớn các mẩu đá gọi thiên thạch ở Việt Nam là tektite. Tektite hình thành do thiên thạch va chạm vào vỏ trái đất nên nhiều người nhầm tưởng nó cũng là một loại thiên thạch.

(TNO) Phần lớn các mẩu đá gọi thiên thạch ở Việt Nam là tektite. Tektite hình thành do thiên thạch va chạm vào vỏ trái đất nên nhiều người nhầm tưởng nó cũng là một loại thiên thạch.

Tektite phân lớp phân bố dày đặc ở nhiều vùng trên cả nước - Ảnh: Bảo tàng địa chất
Tektite bắn tung dễ tìm thấy ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam - Ảnh: Bảo tàng địa chất
Trên thế giới, tektite chỉ được phát hiện ở một số vùng tại Tiệp Khắc cũ thuộc châu Âu, một số vùng Nam - Bắc Mỹ và châu Phi, nhưng ở Việt Nam thì có… vô số kể, vì nước ta nằm trong khu vực các nhà địa chất học gọi là “trường tektite Á - Úc”. Tại khu vực này, tektite được phân bố trên diện rộng gồm phần lớn các nước Đông Nam Á, châu Úc và một số đảo giữa Thái Bình Dương.
Tektite có nhiều hình dạng khác nhau, độ cứng cấp 7-8, cấu trúc thủy tinh, được hình thành trong điều kiện vật thể bị nóng chảy rồi nguội lạnh nhanh (từ tektite có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp 'tektos' có nghĩa là nóng chảy). Nó hình thành do sự va chạm của thiên thạch với vỏ trái đất tạo ra nhiệt độ cao làm cho lớp đất đá bị nung chảy rồi đông cứng lại. Thiên thạch tạo ra tektite nhưng bản thân tektite không phải là thiên thạch. Tektite chia thành hai dạng: tektite phân lớp (layed tektite) và tektite bắn tung (splashed tektite). Dạng phân lớp được hình thành khi thiên thạch va vào trái đất tạo ra nhiệt lượng vô cùng lớn làm nóng chảy đất đá tại chỗ, sau đó đông đặc lại thành từng lớp. Dạng bắn tung hình thành khi thiên thạch va vào trái đất làm cho đất đá nóng chảy và nổ tung văng ra xa nơi va chạm, khi rơi xuống do tác động của trọng lực tạo thành nhiều hình thù như túi mật, hình cầu, hình tròn bẹt… khi đông cứng.
Trước đây có giả thiết cho rằng chất liệu cấu tạo tektite có nguồn gốc từ vũ trụ, nhưng khi phân tích tác động của sự va chạm, cấu trúc và thành phần hóa học của tektite, các nhà địa chất khẳng định giả thiết đó là không có cơ sở. Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, thành phần hóa học của tektite chủ yếu là SiO2, Al2O3, CaO…, giống với thành phần hóa học của vỏ trái đất, không giống với thành phần hóa học của thiên thạch vốn chứa Ni và Fe là chủ yếu.
Những khảo sát địa chất cho thấy tầng tektite được phân bố dày đặc nhất ở Việt Nam, khảo sát ở bất cứ nơi nào, trên cao nguyên hay đồng bằng cao, cả trên thềm sông cũng đều thấy tektite nằm giữa lớp đá ong hay bauxite và lớp hoàng thổ (loess). Điều đó chứng tỏ nước ta từng là một trong những nơi bị va chạm thiên thạch nhiều nhất trên trái đất. Ông Kỷ cho rằng Việt Nam có thể là trung tâm của Trường tektite Á -  Úc. Xét niên đại của những lớp tektite này, có thể thấy những cuộc va chạm không phải diễn ra một lần, mà diễn ra rất nhiều lần trong khoảng thời gian từ 570.000 năm đến gần 1 triệu năm trước. Để tạo ra Trường tektite Á - Úc trên diện rộng như vậy, các nhà địa chất ước tính những cuộc va chạm phải có một sức công phá khủng khiếp, có thể tương đương với hàng trăm triệu quả bom nguyên tử đã ném xuống Hirosima. Chắc chắn phần lớn sự sống tồn tại ở khu vực này trước đó đã bị những cuộc va chạm này hủy diệt, sau đó mới tái sinh lại.
Các nhà khoa học đang cảnh báo về hiểm họa thiên thạch, nhất là sau vụ nổ ở Nga năm ngoái, người ta đang tính đến các chương trình bảo vệ trái đất. NASA ước tính có khoảng 47.000 tiểu hành tinh có khả năng đe dọa trái đất. Nếu 1 tiểu hành tinh có đường kính 500 m va vào trái đất, nếu rơi vào đại dương thì có thể làm bốc hơi phần lớn nước biển gây ra tình trạng biển thoái, nếu rơi trực diện hay sạt qua mặt đất có thể làm trái đất nóng lên tiêu diệt hàng loạt các loài sinh vật. Và một thiên thạch (tiểu hành tinh hoặc sao chổi) rơi xuống vùng Chicxulub (Mexico) đã tiêu diệt hoàn toàn loài khủng long cách đây 65 triệu năm liệu có lặp lại ở một nơi nào đó? Khó có thể biết trước được.
Các nhà thiên văn học ước tính trong vòng 100 năm tới, xác xuất có một thiên thạch đủ lớn để hủy diệt sự sống trên trái đất là 1/5000. Khả năng như vậy là rất bé nhưng không phải không thể xảy ra. Người ta đưa ra nhiều phương án đối phó với thiên thạch, trong đó có phương án dùng tên lửa đạn đạo hạt nhân để phá hủy thiên thạch, nhưng xem ra không có phương án nào là khả thi. Ngay cả việc dự báo, vụ nổ Chelyabinsk cho thấy khoa học chưa đủ trình độ. Người ta cho rằng chưa thể dự báo những vụ nổ thiên thạch nhỏ, còn các thiên thạch kích thước lớn thì có thể, nhưng xem ra cũng chưa chắc, vì kể từ vụ nổ lớn Siberia đến nay chưa có vụ nổ nào lớn hơn để mà dự báo.
Nhìn chung, kỹ thuật dự báo và phòng chống thiên thạch liên quan đến công nghệ, thiết bị và phương tiện cực kỳ phức tạp, nếu triển khai thành công các chương trình đối phó, dù trong phạm vi quốc gia hay tầm quốc tế, cũng sẽ vô cùng tốn kém nhưng chưa chắc đem lại hiệu quả gì. Trí thông minh và sức mạnh của con người quá bé nhỏ so với trí thông minh và sức mạnh của tự nhiên. Con người bé bỏng không nên có ảo tưởng sánh ngang với trời đất.
Cho nên, đối với những hiểm họa từ tự nhiên như hiểm họa thiên thạch, con người chỉ có thể đối phó bằng cách … ăn hiền ở lành, ăn hiền ở lành với thiên nhiên và ăn hiền ở lành với nhau, để có thể bình an sống trọn tuổi trời, sống trọn khoảng thời gian mà tạo hóa định đoạt. Làm sao có thể khác được?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.