Những vụ việc đau lòng xảy ra gần đây khi cha mẹ giết chết những đứa con của mình rồi tự tử, khiến xã hội không khỏi băn khoăn.
Mỗi ngày, có hàng trăm cặp vợ chồng thường trực ở các bệnh viện để điều trị hiếm muộn, mong muốn có được một đứa con. Thế nhưng, có những người lại ra tay chấm dứt sự sống của chính những đứa con do mình đứt ruột sinh ra.
Cái chết có là sự giải thoát?
Theo bác sĩ (BS) Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, những vụ việc cha mẹ giết chết con cái rồi tự sát sau đó có thể chia thành hai trường hợp: Người bình thường và người bị bệnh trầm cảm.
Với những người bình thường, trong hoàn cảnh bức xúc, ức chế dồn nén, tinh thần bị kích động sẽ dẫn tới những
hành vi bộc phát và gây ra hậu quả đáng tiếc.
Hiện trường nghi án mẹ giết 2 con rồi tự sát, xảy ra tại Long An - Ảnh: Độc Lập
|
Với những trường hợp bệnh lý, BS Thắng lưu ý dấu hiệu trầm cảm dễ nhận biết nhất là: khí sắc trầm trọng, mất hết sở thích, thường xuyên mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn. Một số trường hợp còn biểu hiện ở trạng thái hay bực bội, dễ khóc, dễ mủi lòng. Đặc biệt, có người trầm cảm chỉ nghĩ đến cái chết và thường xuyên nghĩ mình vô dụng.
|
|
Mỗi ngày, có hàng trăm cặp vợ chồng thường trực ở các bệnh viện để điều trị hiếm muộn, mong muốn có được một đứa con. Thế nhưng, có những người lại ra tay chấm dứt sự sống của chính những đứa con do mình đứt ruột sinh ra.
|
|
|
“Nhiều khi nợ nần chồng chất cũng dễ dẫn tới trầm cảm. Vậy là người ta nghĩ đến một lối thoát tiêu cực là tìm đến cái chết", BS Thắng cho biết
BS Thắng phân tích thêm: "Từ góc độ những người bị trầm cảm nặng, họ nghĩ ngay khi họ chết đi rồi, những người còn lại trong gia đình vẫn sẽ khổ sở vì nợ nần, nên họ nghĩ mình cần 'mang theo' cả người thân. Với những trường hợp này, họ đáng thương hơn đáng trách vì bản thân họ bị bệnh, suy nghĩ lệch lạc".
Tâm lý bị tổn thương nặng nề
PGS.TS Trần Thị Thu Mai (Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM), nói: “Dưới góc độ tâm lý học, hành vi cha mẹ giết con rồi tự sát có ở những người bị rối loạn nhân cách ranh giới. Tâm lý học xác định khuynh hướng tự sát và có xu hướng gây ra thiệt hại là một trong những đặc điểm chính của nhóm rối loạn nhân cách ranh giới. Hiện tượng này thường gặp ở những bệnh nhân có tính cách tự yêu mình, khó kiểm soát và kiềm chế khi bị kích động, thiếu khả năng để chịu đựng sự lo lắng, sợ hãi...”.
Căn nhà nơi xảy ra vụ án "chồng đầu độc vợ con bằng thuốc ngủ liều cao rồi tự tử", xảy ra tại Thanh Hóa -
Ảnh: Ngọc Minh
|
Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh (Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM) cho rằng những mâu thuẫn thường xuyên trong đời sống vợ chồng, hay những khó khăn triền miên của kinh tế gia đình, có thể dẫn đến những căng thẳng tâm lý, thậm chí có thể dẫn đến stress, mức độ nặng hơn có thể là trầm cảm.
“Riêng về những mâu thuẫn giữa vợ và chồng, cần nhắc đến đặc trưng “giận quá mất khôn”. Những cảm xúc tiêu cực nảy sinh mạnh mẽ, quá trình ức chế cao hơn quá trình hưng phấn, khiến việc làm chủ bản thân vô cùng khó khăn. Với những cá nhân làm chủ bản thân kém, khí chất nóng nảy hoặc ưu tư… thì nguy cơ cao hơn, nếu cá nhân không kịp thời bình tĩnh có thể dẫn đến những hành vi kích động, vượt khỏi tầm kiểm soát dẫn đến hành vi tự sát cùng con cái”, thạc sĩ Mỹ Hạnh nhấn mạnh.
Đừng để cảm xúc bị dồn nén
Các bậc cha mẹ ngày nay gặp và gánh trên vai rất nhiều áp lực. Sự thay đổi của môi trường xã hội diễn ra một cách nhanh chóng khiến bản thân mỗi người khó thích nghi một cách kịp thời.
BS Thắng cho biết Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp tự tử vì bị dồn nén tâm lý, nhưng may mắn được người nhà phát hiện kịp thời và đưa đi điều trị.
“Khi đứng trước bế tắc, mà không thể chia sẻ với ai, kể cả gia đình hay bạn bè, tốt nhất hãy tìm đến chuyên gia, vì các chuyên gia sẽ có những giải pháp chuyên môn để chia sẻ với bạn, cũng như nâng đỡ bạn về mặt tâm lý”, BS Thắng khuyên.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh đưa ra lời khuyên: Dù hoàn cảnh bí bách đến thế nào, khó khăn đến đâu, nhưng nếu chúng ta biết chủ động tìm người lắng nghe, chia sẻ, để giải tỏa dần những cảm xúc tiêu cực, chúng ta sẽ vượt qua được các cú sốc, tổn thương tâm lý.
Dẹp bỏ 'cái tôi' cũng là một cách chống nguy cơ trầm cảm, bộc phát
Luật sư (LS) Đàm Bảo Hoàng (Đoàn LS TP.HCM) chia sẻ: “Trong hơn 13 năm hành nghề LS, tôi may mắn chưa gặp trường hợp bi kịch nào mà cha mẹ hành hạ hoặc giết con của mình. Tuy nhiên trong những vụ tranh chấp đất đai hay chia tài sản thì con cháu chửi bới và hành hung người thân của mình ngay tại tòa lại xảy ra khá thường xuyên”.
LS Hoàng chia sẻ câu chuyện khiến anh nhớ nhất khi hòa giải thành công (thuận tình ly hôn) một vụ kiện ly hôn tại Tòa án quận Bình Thạnh (TP.HCM): “Hai vợ chồng có một con gái 5 tuổi. Người chồng là nguyên đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn vợ, với lý do vợ quá đanh đá, hỗn láo. Người vợ không đồng ý ly hôn không phải vì còn yêu chồng mà vì tự ái thì nhiều hơn”.
“Người chồng chỉ có mong muốn duy nhất là được giải thoát khỏi cảnh hôn nhân càng sớm càng tốt. Hai vợ chồng mỗi lần gặp nhau là to tiếng, cãi vã nhau, điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý của con gái rất nhiều và bé có dấu hiệu bị tự kỷ, không muốn giao tiếp với bất kỳ ai”, LS Hoàng nhớ lại.
Sau khi kéo dài thời gian xét xử ở tòa để phân tích, khuyên nhủ người vợ yếu tố được và mất khi ly hôn và không ly hôn, trong bối cảnh cả hai đã không còn tình yêu với nhau, người vợ cuối cùng thuận tình ly hôn.
Bé gái vẫn ở với mẹ nhưng ngày nào bố cũng đến đưa đón con đi học và bé đã gần hết bệnh tự kỷ.
LS Hoàng bộc bạch:“Điều quan trọng là người trong cuộc có dẹp bỏ được cái tôi quá lớn trong mình hay không mà thôi”.
|
Bình luận (0)