Quãng thời gian 10 năm có thể làm lành những vết thương, nỗi đau có thể nguôi ngoai trong ký ức người ở lại... nhưng nhiều hệ lụy vẫn chưa thôi ám ảnh.
Hôm ấy, hàng trăm ngư dân miền Trung vĩnh viễn chìm theo tàu câu mực khi hứng chịu trận cuồng phong, riêng xã biển Bình Minh (H.Thăng Bình, Quảng Nam) chịu cái tang lớn nhất với 86 người thiệt mạng nhưng chỉ tìm thấy 7 thi thể. Nhiều năm nay, hàng chục nấm mộ gió nằm rải rác nơi nghĩa trang gia tộc như một dấu chấm hỏi lớn về phận người mong manh giữa biển cả...
Đầu bạc “nợ” đầu xanh
Giữa trưa, gió biển thổi tràn qua nghĩa địa Rừng Tràm. Nén hương được san sẻ để thắp lên 8 ngôi mộ, hết 5 ngôi mộ của người thân ông Võ Văn Minh ở thôn Bình Tịnh. Hai đứa con trai thiệt mạng ở tuổi 37 và 40 tuổi. Sát bên cạnh là mộ của anh Võ Văn Quang, mất năm 43 tuổi, người gọi ông Minh là chú ruột. Hai con trai của anh Quang, Võ Văn Phúc và Võ Văn Phương, cũng được lập mộ gió ngay phía trước. Xa hơn một tí là nơi yên nghỉ của chồng và con trai bà Võ Thị Chính, cùng thôn.
Ngôi mộ thứ 8 mới đặc biệt: Bên dưới nấm đất nhỏ không dựng bia là thi thể của một ngư dân xấu số quê ở xã Duy Nghĩa (H.Duy Xuyên). Hồi đó, trong cơn bấn loạn, người ta xác nhận đây là thi thể anh Quang. Hai ngày sau, khi đã khóc cạn nước mắt, vợ anh Quang mới biết mình... chôn nhầm. Lại phải ra nhà xác ở Đà Nẵng “tìm” chồng lần nữa và may mắn tìm được.
Hôm chúng tôi đến thăm, ông Minh (73 tuổi) đang nằm trên võng bàn chuyện xây mộ cho đứa con trai đầu. Ông đang đảm nhận cương vị trưởng ban công tác mặt trận của thôn Bình Tịnh, bảo mình còn món nợ lớn chưa trả dứt. Hai con trai chết ngoài biển, chỉ tìm thấy xác của người em và xây mộ kiên cố. Còn người anh mất tích, nấm mộ gió cũng sơ sài, lạnh lẽo. “Vì mấy năm nay túng quá. Gia đình chú dự định ngày 16.4 âm lịch tới đây sẽ xây mộ cho nó”, ông nói.
Suốt 10 năm nay ông Minh bảo đêm nào cũng thức đến 1 giờ sáng. Gần đây, nỗi đau có phần nguôi ngoai nhưng cảm giác trống rỗng cứ luôn trở lại, nhất là khi có ai đó nhắc đến chữ “Chanchu”. “Già xọm đi cũng vì cái Chanchu nớ đó con hỉ! Chết lên chết xuống”, ông nói rồi nhìn sang vợ. Lúc này, khóe mắt bà Trần Thị Liên vợ ông đã đỏ hoe. Chuyện trò thêm một lát nữa, khi ông Minh vào nhà trong mang ra tấm hình của 2 người con trai, bà bật khóc. “Cha mẹ già trông cậy ở chút con cái, nhưng vợ chồng tui mất cùng lúc đến hai đứa, thấy hẫng luôn!”, bà nói trong nước mắt.
Nỗi đau giỗ chung
Năm nào cứ đến giữa tháng 4 âm lịch ông Minh lại tất bật lo chuyện cúng giỗ. Ông trực tiếp khấn vái cho 2 con trai và cho cả 3 cha con của đứa cháu Võ Văn Quang. “Thì chú đứng cúng, chớ còn ai vô nữa. Riêng chuyện đi cúng thôi cũng đã... khờ người luôn rồi”, ông chép miệng.
Hàng chục gia đình khác có người thân chết trong cơn bão Chanchu cũng lần lượt chọn 2 ngày âm lịch, 18 và 19.4, để làm giỗ. Ở Xóm Trong (thôn Bình Tịnh), cả chục nhà chọn giỗ ngày 19.4 âm lịch. Trong vòng 3 - 4 năm đầu sau thảm nạn, cả xã Bình Minh gần như tổ chức “giỗ chung”. Những lúc như thế, cả xóm nhỏ sực mùi hương trầm, thê lương khôn tả... Dần dà, nhiều gia đình chủ động “ghép” với kỵ giỗ ông bà.
|
Năm nay, tính theo lịch âm thì giỗ kỵ rơi vào các ngày 24 và 25.5 dương lịch. Nỗi đau sẽ lại theo gió quay về. “Cha đi thì chết mình cha/ Không đi thì chết cả bà lẫn con”, cô con dâu của ông Minh bất ngờ đọc câu thơ của ai đó ứng tác. “Chết mình cha” là vong mạng vì bão tố. “Chết cả bà lẫn con” là gia đình chết đói phía trong bờ. Với Chanchu, người mất tích ngoài khơi nào đã dứt hết nợ trần, niềm tiếc nhớ vẫn đang trĩu nặng tâm tư những bậc sinh thành...
255 người chìm theo 17 chiếc tàu
Ông Hoàng Quang Minh, Trưởng phòng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản TP.Đà Nẵng), đánh giá nghề câu mực quá nguy hiểm do tàu thả từng ngư dân vào thúng câu đêm với khoảng cách cả cây số. “Mặc dù những năm gần đây có bộ đàm liên lạc, nhưng hầu như năm nào cũng có người mất tích”, ông Minh nói. Tai họa rình rập như vậy nên các nghĩa trang gia tộc dọc bờ biển miền Trung cứ “đầy” dần lên những nấm mộ gió.
Tháng 8.2006, trong báo cáo cuối cùng về bão Chanchu, UBND TP.Đà Nẵng xác định có đến 255 người chìm theo 17 chiếc tàu. Trong số đó, Đà Nẵng có 10 tàu (tập trung ở các phường Thanh Khê Đông, Xuân Hà), Quảng Nam 2 tàu, Quảng Ngãi 5 tàu. Riêng 10 chiếc của chủ tàu Đà Nẵng bị chìm thôi cũng đã khiến 224 ngư dân ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Tiền Giang, Bình Định chết và mất tích. 74 ngư dân quê gốc Đà Nẵng bị nạn chỉ tìm thấy 5 thi thể, còn Quảng Nam thì khủng khiếp hơn: 143 người mất tích nhưng chưa đến 10 trường hợp tìm thấy xác.
Nguyễn Tú
|
Bình luận (0)